Xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2016: Điểm thi chỉ là điều kiện cần

(VOH) - Đáp ứng những điều chỉnh của kỳ thi THPT QG và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016, nhiều trường đã có phương án tuyển sinh đa dạng, linh hoạt. Bên cạnh tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT QG, một số trường đã mạnh dạn bổ sung nhiều hình thức: kết hợp kiểm tra năng lực đầu vào, phỏng vấn trực tiếp…..nhằm chọn lọc thí sinh phù hợp.

Thi sinh rút nộp hồ sơ đợt tuyển sinh nguyện vọng 1 năm 2015, tại trường Đại học Kinh tế TPHCM. (Ảnh: K.Huân)

Còn nhớ năm 2015, trường ĐH Luật TPHCM đã công bố phương thức tuyển sinh mới, đó là kết hợp kiểm tra năng lực đầu vào. Tuy nhiên, sau đó trường không thực hiện vì nhiều lý do khách quan và cũng để chuẩn bị tâm lý cho thí sinh thật tốt. Năm nay, trường quyết định áp dụng phương thức này.

Cụ thể, thí sinh sẽ trải qua hai bước: xét tuyển và kiểm tra năng lực, với ba tiêu chí: điểm học bạ, điểm kỳ thi THPT QG và điểm của bài kiểm tra năng lực. Theo TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, trường đã ấp ủ hình thức này từ rất lâu:

“Kiểm tra năng lực đầu vào chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm đã được chúng tôi cân nhắc rất kỹ: 20% là học bạ, 60% là điểm thi THPT QG và 20% là kiểm tra năng lực đầu vào. Thật ra mong muốn là bài kiểm tra đầu vào chiếm tỷ trọng lớn hơn nhưng vì xã hội chưa quen, nên chúng tôi không muốn tạo áp lực cho học sinh.

Nếu các em có điểm cao ở những năm THPT, có điểm cao ở kỳ thi THPT QG thì 20% còn lại của nhà trường đặt ra không phải là áp lực lớn. Tất nhiên, nó cũng ảnh hưởng vào điểm số chung ”.

Tương tự, trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Nội dung kiểm tra liên quan đến 4 nhóm kiến thức, bao gồm kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp, kiến thức về pháp luật và tư duy lôgic, khả năng lập luận.

Còn tại Khoa Y – ĐHQG TPHCM, GS.TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa: “Với ngành y thì năm nay có thêm phần phỏng vấn, tư vấn cho thí sinh trước khi chính thức nộp đơn. Việc này cũng không có gì mới vì trên thế giới người ta đã thực hiện. Chắc chắn từ giờ trở đi, các trường ĐH cũng sẽ thực hiện theo hướng này”.

Thí sinh trao đối thông tin sau buổi thi đầu tiên, đợt thi THPT năm 2015 tại Trường THPT Lương Thế Vinh, thuộc cụm thi Trường Đại học Sư phạm TPHCM. (Ảnh: Khiêm Huân)

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT năm ngoái, việc tuyển sinh của các trường năm 2016 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, ĐHQG TPHCM năm nay bổ sung thêm điều kiện sơ tuyển: đó là điểm trung bình cộng ba năm học THPT, tổng cộng là 6 học kỳ từ 6.5 điểm trở lên, thay vì chỉ 5 học kỳ như năm 2015. Đồng thời, mở rộng diện xét ưu tiên tuyển thẳng dành cho tất cả trường chuyên cả nước, thay vì chỉ giới hạn 5 trường như trước.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho hay, dự kiến ban đầu, ĐHQG TP cho phép thí sinh được đăng ký liên thông giữa các trường thành viên. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc về kỹ thuật, quyền lợi của thí sinh, thấy rằng việc xét tuyển liên thông thành một nhóm trường thống nhất trong cùng hệ thống có thể sẽ gây bất tiện. Vì vậy, sắp tới, ĐHQG sẽ chính thức công bố phương án xét tuyển của mình.

Đặc biệt, năm nay ĐHQG TPHCM dự kiến mở nhiều ngành học mới dựa trên khảo sát nhu cầu nhân lực trong tương lai, ít nhất là 4 năm tới: “ĐHQG TPHCM dự kiến mở ngành Công nghệ hoá học của trường ĐH Khoa học tự nhiên, ngành Thương mại điện tử của trường ĐH Kinh Tế Luật, ngành Kỹ thuật không gian của trường ĐH Quốc tế. Trong đó, một số ngành đã có trong danh mục cấp Nhà nước, trong thẩm quyền ĐHQG TPHCM sẽ lập hội đồng thẩm định để đánh giá điều kiện giảng dạy ngành đó tại trường thành viên. Riêng những ngành chưa có trong danh mục cấp 4 mã ngành đào tạo cấp Nhà nước, ĐHQG TPHCM được thí điểm và báo cáo về Bộ để đưa ngành mới này vào danh mục chính thức cấp nhà nước”, ông Nghĩa cho biết thêm. 

Cụ thể, Khoa Y dự kiến đào tạo thêm 2 ngành là Dược học và Răng hàm mặt. Trường ĐH Kinh tế Luật có ngành mới là Thương mại điện tử. Trường ĐH Bách Khoa sẽ đào tạo chương trình chất lượng cao các ngành: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật Xây dựng Công trình giao thông, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Kỹ thuật Vật liệu xây dựng và Công nghệ kỹ thuật ô tô. Còn tại Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM, 3 ngành học mới dự kiến sẽ tuyển sinh năm nay gồm: Điện tử y sinh, ngôn ngữ anh và công nghệ vật liệu.

TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật cho biết, hiện nay công cụ chẩn đoán bệnh tật chủ yếu sử dụng các thiết bị công nghệ cao như: máy phân tích máu, máy siêu âm, chụp X-quang, MRI…..đều ứng dụng công nghệ mới, được các bệnh viện đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, để vận hành, khai thác thì lại thiếu người. Do đó, rất cần những kỹ sư điện tử y sinh - ngành kỹ thuật y sinh:

“Tôi thấy có nhiều bệnh viện bỏ mấy chục tỷ đồng để mua máy, vài tháng sau do điều kiện của VN độ ẩm nhiều, không biết cách bảo dưỡng dẫn đến máy bị hư nên rất lãng phí, phải mời chuyên gia nước ngoài rất tốn kém. Cho nên nhân lực cho ngành này rất cần thiết”.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến mở thêm 8 ngành mới. Bên cạnh hai phương thức tuyển sinh là xét tuyển kết quả thi THPT QG và học bạ THPT, riêng đối với khối ngành năng khiếu và nghệ thuật, thí sinh sẽ tham gia thi kiểm tra môn năng khiếu. Còn tại ĐH Hoa Sen, thí sinh sẽ nộp thêm bài luận thể hiện rõ năng lực, ý chí mục tiêu học tập, nghề nghiệp của mình để được đánh giá. Thêm nữa, đối với ba ngành thuộc nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng gồm: Thiết kế thời trang, thết kế đồ hoạ, thiết kế nội thất, thí sinh sẽ nộp tác phẩm của mình, nếu đạt yêu cầu sẽ được mời phỏng vấn trực tiếp.

Một thay đổi lớn ở khâu xét tuyển năm nay, là việc thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường nhiều nhất là 2 nguyện vọng, dự kiến sẽ tạo nên tình trạng ảo giữa các trường gây khó cho việc cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngay từ khi xây dựng phương án tuyển sinh năm 2016, các trường cũng phải xác định chấp nhận một tỷ lệ ảo nhất định trong mùa tuyển sinh năm nay, và tính toán việc này để có những sự điều chỉnh, cân nhắc sao cho tỷ lệ gọi thí sinh trúng tuyển nhập học cao. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: “Trường ĐH Nông Lâm TPHCM từ trước đến nay có một số ngành khi gọi gần như nhập học tuyệt đối, một số ngành có tỷ lệ nhập học tương đối, một số ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao. Như vậy, sẽ tuỳ thuộc vào từng ngành, trường sẽ tham khảo tỷ lệ ảo từ nhiều năm nay để đưa ra tỷ lệ gọi thí sinh cho hợp lý dựa trên điểm chuẩn, chỉ tiêu đào tạo. Còn việc ảo nội bộ chắc chắn trường sẽ tính toán được. Ví dụ, trong cùng một trường thí sinh đăng ký 2 ngành thì việc tính toán ảo giữa ngành này ngành kia như thế nào”.

Nhiều ý kiến cho rằng, uy tín và chất lượng sẽ chứng minh cho kết quả trường đó có đủ để thu hút thí sinh trúng tuyển đến nhập học hay không, nhà trường có đảm bảo đủ chỉ tiêu ở đợt xét tuyển đầu tiên hay không...chắc chắn các trường ĐH-CĐ năm nay sẽ cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút thí sinh bằng chính năng lực của mình.