Hành trình thể thao không biên giới - bài 2: Nỗ lực vượt khó

(VOH) - Thêm một kỷ lục mới mà Giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa tranh cúp phát thanh VOH xác lập, đó là nối kết TPHCM với 2 thủ đô của nước bạn.

Năm 2018 lần đầu tiên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức được cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa tranh cúp phát thanh VOH mở rộng vòng đua 3 nước Đông Dương. Năm 2019 cũng là vòng đua 3 nước Đông Dương, nhưng lần đầu tiên kết nối được với thủ đô Phnom Penh (Campuchia) và thủ đô Viêng Chăn (Lào). Nỗ lực tạo ra đường đua lịch sử trong làng xe đạp thể thao, quả thật rất đáng được ghi nhận.

Thai nghén đường đua 3 nước Đông Dương

Tìm hiểu về lịch sử những cuộc đua xe đạp tổ chức đi qua 3 nước Đông Dương, chúng tôi tìm được một số tư liệu bổ ích đó là cuộc đua xuyên Đông Dương lần 1 ngày 29/12/1942 và về đích cũng tại Sài Gòn vào ngày 4/2/1943. Đây là cuộc đua hùng vĩ nhất trong lịch sử xe đạp VN, khi các cuarơ tranh tài hơn một tháng trời trên hành trình dài gần 3.000km (cuộc đua Đông Dương lần 2 chỉ dài 2.500km vào năm 1944). Phượng hoàng Lê Thành Các đã chiến thắng ở cuộc đua kỳ vĩ này. Sau đó, ba tháng thì chỉ còn 15 tay đua mạnh nhất vào thời điểm bấy giờ tiếp tục chinh phục đường đua 3 nước Đông Dương, phượng hoàng Lê Thành Các đã được tặng danh hiệu Chúa tể xe đạp Đông Dương. Tuy nhiên, đó là những cuộc đua vào thời Pháp.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), sân chơi thể thao xe đạp được tái hiện với nhiều giải đấu, trong đó lâu đời nhất là Cúp truyền hình TPHCM và Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa tranh cúp phát thanh VOH. Tuy nhiên với Cúp truyền hình chỉ ghi nhận đường đua mở rộng ra nước ngoài vào năm 2006 và 2007 đến thủ đô Viêng Chăn (Lào) và thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chứ không phải là vòng đua khép kín 3 nước Đông Dương như Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức. Dù cũng từng đặt mục tiêu như các đơn vị khác nhưng vẫn chưa thể hiện thực hóa được cung đường này. Một số đơn vị khác từng có kinh nghiệm cũng đánh giá cao những nỗ lực của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM trong việc tổ chức một sân chơi đặc biệt trong làng xe đạp, năm 2018 đua xuyên 3 nước Đông Dương, đến các tỉnh thành của Campuchia và Lào.

Năm 2019, kết nối được TPHCM với thủ đô Phnom Pênh và Viêng Chăn. Ông Võ Hùng Phong, nguyên phó giám đốc Đài PTTH Bình Dương, đơn vị từng tổ chức nhiều giải xe đạp thành công chia sẻ: “Đài Truyền hình Bình Dương đã tổ chức nhiều giải, có cả chuyên nghiệp và phong trào, nhưng đua ra nước ngoài thì chúng tôi chưa làm. Tôi nhận thấy các anh chị tổ chức rất chu đáo, bởi vì khi ra nước ngoài, thủ tục cho các vận động viên, các đội, các thành viên trong đoàn rất phức tạp, nhưng VOH đã tổ chức rất tốt, an toàn. Vừa tổ chức tốt về mặt thủ tục, an toàn, và quảng bá ngoại giao. Đây là 3 yếu tố làm nên thành công của giải mà VOH đã làm được”.

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu cuộc đua Nam Kỳ Khởi Nghĩa 2019

Còn nhớ cách đây 6 năm, vào thời điểm năm 2014, lãnh đạo Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM cùng những đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã nung nấu và thai nghén ý tưởng hình thành đường đua 3 nước Đông Dương. Lúc bấy giờ cũng đã tính đến phương án tiền trạm cùng các thủ tục có liên quan nhưng vẫn chưa thể hiện thực hóa ý tưởng, mấy năm sau đó cũng vậy. Cho đến năm 2018 với sự quyết tâm cao, tập thể Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM - VOH đã vào cuộc thực hiện cuộc đua xuyên Đông Dương lần đầu tiên trong lịch sử giải đua xe đạp thể thao từ sau giải phóng đến nay.

Ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Bình Phước, người đã đóng góp rất nhiều cho công tác tổ chức, nối kết đường, lưu lại những cảm xúc từ ngày đầu tiền trạm cho đến tận bây giờ khi cuộc đua đã khép lại. “Khó khăn thì nhiều nhưng không thể quên được những tình cảm và sự sẻ chia của nước bạn đối với chúng ta khi hiện thực hóa ý tưởng đường đua 3 nước Đông Dương. Đặc biệt là đối với nước bạn Lào, anh em như thể tay chân, tôi không thể quên được sự chào đón của người dân dù dưới trời nắng gắt, điều đó làm chúng ta càng phải cố gắng trân quý và vun đắp cho tình cảm này", ông Minh Hoàng nói.

Chia sẻ cảm giác của năm 2018 và háo hức chờ đợi cuộc đua năm 2019, ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, Trưởng Ban tổ chức vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi khi các cửa khẩu bật tung cho những vòng bánh xe lướt qua, những cái vẫy tay thân thương và tình cảm lưu luyến của người hâm mộ. “Chúng ta đã duy trì được một hoạt động thể thao xuyên suốt trong hơn 25 năm qua, quy mô và mức độ đầu tư thì năm sau cao hơn năm trước, những trải nghiệm và khám phá thì ngày càng thú vị hơn, năm ngoái đi qua được 3 nước Việt Nam Campuchia và Lào, năm nay thì thêm được một tầm cao hơn nữa là vào được thủ đô của Campuchia và Lào và phất cờ xuất phát ngay tại ngã 3 giòng, cũng là niềm mong muốn và niềm vui của nhân dân Hóc Môn. Chúng tôi cảm thấy rất ấm áp, từ đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Lào, cùng các tỉnh thành bạn”.

Quên làm sao được những bàn tay vẫy và tiếng hò reo của người dân tại chặng đua quanh thành phố Pakse, tỉnh Champasak, Lào vào năm 2018, gần cả chục km, dưới trời nắng gắt nhưng những lá cờ tung bay trong gió và những bàn tay chìa ra chỉ để được chạm tay các vận động viên, ông Bùi Thế Dũng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại TP Pakse – tỉnh Champasak – Lào, cảm thấy tự hào khi một đoàn đua của Việt Nam thực hiện được những vòng đua trên đất bạn Lào. “Cảm nhận của tôi, lần đầu tiên VOH tổ chức cuộc đua ở đây, tôi cảm thấy rất vinh dự và hãnh diện khi được cùng tham gia cuộc đua, tôi nghĩ rằng cuộc đua này nên tiếp tục triển khai hàng năm, hi vọng sẽ tiếp tục mang sang những nước khác nữa như Thái Lan và những nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á nói chung chứ không chỉ riêng các nước Đông Dương. Tôi thấy cảm xúc rất khó tả khi mà mình thấy người mình mà đi sang đây, đua nhiệt tình, nhìn thấy nhìn dòng xe chạy vun vút, tôi cảm thấy rất vui và tự hào”, ông Bùi Thế Dũng chia sẻ.

Hành trình vượt khó

Vui và tự hào đó, nhưng với những người làm công tác tổ chức, để đóng được dấu ấn của cuộc đua vào hành trình của các giải xe đạp thể thao thật chẳng dễ dàng gì. Cuộc đua năm 2018, Ban tổ chức hầu như chưa có bất kỳ một kinh nghiệm gì trong việc tổ chức giải, những thông tin phải tìm bằng nhiều phương tiện, các cung đường thì mới mẻ và lạ lẫm, thời gian từ lúc quyết định tổ chức cho đến khi đi 3 chuyến tiền trạm liên tục chỉ cách nhau không bao lâu. Đường thì lạ, rào cản ngôn ngữ, thời tiết cũng có nhiều khác biệt ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Những ngày tiền trạm, có lúc về đến khách sạn là đã quá nửa đêm, 4,5 giờ sáng đã di chuyển cho kịp tiến độ làm việc với các địa phương. Vất vả nhưng ai cũng đồng lòng, dù có khó đến mấy cũng phải thực hiện được nhiệm vụ lịch sử này.

Sự căng thẳng, lo lắng tột cùng của Ban tổ chức ở từng cung đường, nhất là hành trình xuyên qua nước bạn Lào và Campuchia đã thật sự vỡ khi các tay đua chinh phục nhiều chặng thi đấu gian nan vượt qua những ngọn đèo khúc khuỷu quanh co, mà tình cảm của người hâm mộ và của cả các lãnh đạo địa phương sao mà thiêng liêng quá đỗi. 12 chặng thi đấu của giải 2018, dài nhất trong lịch sử của giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa qua 25 năm tổ chức, không bút mực nào có thể tả xiết.

Ông Nguyễn Công Vinh – Trưởng Ban điều hành cuộc đua năm 2018 nói: “Cả êkíp theo đoàn đua và Ban tổ chức rất là hạnh phúc khi mà lần đầu tiên chúng ta tổ chức một cuộc đua chuyên nghiệp đi qua 3 nước Đông Dương, và niềm hạnh phúc nhất là sự tiếp đón hết sức nồng hậu của các địa phương trong nước và ở 2 nước bạn Lào và Campuchia. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức như vậy là đã quá thành công - thành công về mối quan hệ giữa 3 nước và thành công cả về mặc chuyên môn. Có lẽ trong suốt 20 lần tổ chức cuộc đua Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì có thể nói rằng, lần tổ chức này thật sự hạnh phúc khi chúng ta thực hiện vòng đua qua 3 nước Đông Dương”.

Đoàn đua đã chinh phục lộ trình hơn 1.000km với nhiều thử thách

Năm 2019 cũng vậy, dù đã xác định từ trước nhưng gần sát ngày diễn ra cuộc đua lộ trình được thu gọn lại vì đường xấu và nhiều yếu tố khách quan, các vận động viên đua gần 1.000 km nhưng hành trình di chuyển lên tới 2.000 km là một sự lo lắng rất lớn cho đội mô tô bảo vệ lộ trình, nhưng “các chiến binh vàng” của Hội mô tô thể thao TPHCM đầy bản lĩnh, gan góc và đầy trách nhiệm đến tận giờ chót, đã đảm bảo được tính chuyên môn và mục tiêu đề ra từ ban đầu.

Từng rất nhiều năm 'chung lưng đấu cật' với giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Mô tô xe đạp thể thao Việt Nam cho rằng những đóng góp của giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa đối với phong trào xe đạp thể thao của cả nước là rất đáng trân trọng. Ông Vinh cho hay: "Trước đây, cũng có nhiều đơn vị đã làm, nhưng chỉ đua qua được từng nước chứ chưa phải là xuyên 3 nước Đông Dương. Cũng có đơn vị đặt hàng trao đổi với những nhà chuyên môn như chúng tôi để tổ chức qua 3 nước Đông Dương. Chúng tôi lúc nào cũng mong muốn mang thể thao, nhất là xe đạp đóng góp vào sự giao lưu, hữu nghị giữa các nước, nhưng mà chưa thực hiện được. Việc VOH tổ chức được đường đua này thật sự rất ý nghĩa”.

Riêng đối với đội mô tô bảo vệ lộ trình, cuộc đua năm 2019, các anh cũng xác lập thêm một kỷ lục mới cho mình, di chuyển nhiều nhất và hạn chế thấp rủi ro. Không nói nhiều về những khó khăn của bản thân, “các chiến binh vàng” chọn cách chia sẻ niềm vui trong thành công chung của cuộc đua. Ông Đoàn Kim Tú, Hội phó Hội mô tô thể thao TPHCM nói: “Năm nay là Hội mô-tô Thành phố đã chuẩn bị rất kỹ cho giải này. Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ thành công giải. Rất hạnh phúc khi đã đi qua 2 thủ đô, và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Hạnh phúc trào dâng đó là cảm xúc chung của tất cả thành viên VOH khi đoàn đua trở về an toàn, thêm một kỷ lục mới mà Giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa tranh cúp phát thanh VOH xác lập, đó là nối kết TPHCM với 2 thủ đô của nước bạn. Quan trọng hơn nữa, cuộc đua còn góp phần vun đắp tình hữu nghị của 3 quốc gia, mở ra thêm nhiều cơ hội trong tương lai để phát triển về văn hóa, du lịch cũng như phong trào xe đạp thể thao cùng nhiều lĩnh vực khác nữa.