Để khoa học và công nghệ thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội

(VOH) - Hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra sâu và rộng hơn, quy luật đào thải ngày càng khắc nghiệt hơn trong cuộc cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nhìn lại quá trình phát triển của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới để thấy rằng khoa học công nghệ chính là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội.

Mạnh dạn đổi mới

Nhà sáng chế Trần Quốc Hải từng được biết đến với quá trình chế tạo máy bay trực thăng và mới đây ông đã sửa chữa và hoàn thiện thêm một số xe tăng bọc thép cho Campuchia, cho rằng, ông khá tâm tư với việc nước ta đi sau Thái Lan vài chục năm về trình độ khoa học công nghệ. Bởi cơ chế chính sách của nước ta còn nhiều bó buộc đối với người làm khoa học. Bản thân ông đã từng chế tạo rất nhiều máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh nhà và nhiều địa phương khác, nên hiểu rõ những khó khăn mà mình gặp phải, nhất là trong khâu thẩm định máy móc.

Rõ ràng Việt Nam coi trọng việc học nhưng nặng về lý thuyết, giáo dục nên nghiêng về thực tiễn. Khi thẩm định máy móc thì nên mời những người đã từng làm ra chứ đừng nên mời những người chưa từng có sản phẩm nào”, ông Hải nói.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN Thành phố, thì nước ta đang ở trình độ phát triển thấp, có đến khoảng 90% doanh nghiệp nhỏ, nên nếu vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu thì năng suất lao động sẽ rất thấp và chất lượng sản phẩm không cao.

Do vậy, doanh nghiệp cần sự mạnh dạn trong đổi mới công nghệ. Để làm được như vậy không chỉ có nỗ lực từ phía doanh nghiệp mà Nhà nước cũng cần thực hiện tốt hơn việc kết nối giữa Nhà khoa học và doanh nghiệp. Điều này đã được thực hiện nhưng chưa chặt.

Đổi mới công nghệ đâu chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn có cả một hệ thống quản lý tiên tiến kèm theo cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Muốn đuổi kịp các nước xung quanh thì phải coi trọng tác dụng của trí tuệ toàn dân, tập trung cho vấn đề phát triển có trọng tâm, trọng điểm từng bước chứ không thể nói chung chung. Muốn phát triển khoa học công nghệ phải có tác phong công nghiệp”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh chia sẻ.

Ảnh minh họa – Nguồn: Tuyengiao.

Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2020, Thủ tướng đã yêu cầu, mỗi năm các doanh nghiệp cần đổi mới khoảng 15-20% thiết bị công nghệ của mình, nghĩa là sau khoảng 5 năm mới được một thế hệ công nghệ.

Cần cơ chế thoáng hơn

PGS TS Phan Minh Tân, Nguyên giám đốc Sở khoa học và công nghệ TPHCM nêu ý kiến: “Năng suất lao động còn thấp, công nghệ sản xuất chậm thay đổi, chính vì vậy sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, doanh nghiệp còn chưa chú trọng vào việc đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh. Trên thực tế khoa học công nghệ chưa trở thành động lực quan trọng để phát triển bền vững. Cần phải có những giải pháp cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động mọi nguồn lực cùng tham gia”.

Trong nhiều năm qua, TPHCM đã có những bước đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong cách mua đề tài, đặt hàng nhà nghiên cứu, chuyển dịch theo hướng sản xuất – kinh doanh có hàm lượng chất xám cao và phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như: Công nghiệp cơ khí chế tạo, tự động hoá, Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu, Điện tử - Công nghệ Thông tin, Công nghệ nano và vật liệu mới, phát triển các sản phẩm hoá dược và dược liệu trong nước...

Song, ở bất kỳ lĩnh vực nào thì cũng cần có sự đầu tư nghiêm túc và cần phải có sự quan tâm của người đầu tàu thì mới có thể phát triển được.  Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ TP cho hay: “Lãnh đạo thành phố, Thành ủy cũng như Ủy ban nhân dân thành phố luôn luôn quan tâm làm sao để khoa học công nghệ có thể trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội. Quan tâm đầu tư khoa học công nghệ nhưng tập trung cho các ngành trọng điểm để nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố”.

Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.

Nhiều nhà khoa học rất mệt mỏi với cơ chế tài chính, thủ tục rườm rà, mất nhiều cơ hội. Nhà nước cần 'cởi trói' cho các nhà khoa học. Phải tiếp cận một cách bình đẳng không chỉ các nhà khoa học trong cơ quan nhà nước mà còn kết nối với các nhà khoa học trong khối doanh nghiệp. Quan trọng nhất là nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ mới trở thành cú hích để phát triển khoa học công nghệ”, ông Tân cho biết.

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của khoa học công nghệ gắn liền với quá trình phát triển kinh tế. Nước ta đang có một đội ngũ các nhà khoa học tương đối đông đảo, chưa kể lực lượng trí thức kiều bào ở nước ngoài. Trong họ luôn sôi sục nhiệt huyết được cống hiến. Nhưng để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, các nhà khoa học có điều kiện và cơ hội để cống hiến thì vẫn rất cần những cơ chế thoáng và những cú hích mang tính đột phá.