Bấm lỗ tai: tất tần tật những điều cần biết

(VOH) - Bạn đang có ý định bấm lỗ tai để thỏa thích diện những chiếc hoa tai thời trang? Vậy thì đây là những thông tin bạn cần biết trước khi thực hiện bấm lỗ tai.

Bấm lỗ tai là cách làm đẹp có từ rất lâu đời và hiện nay trở thành sở thích cả ở hai giới nam và nữ. Bấm lỗ tai cũng không đơn giản chỉ một hai vị trí cố định mà cũng có thể bấm nhiều vị trí khác nhau, tùy theo mục đích làm đẹp hay thể hiện cá tính của bản thân mỗi người.

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-1
Bấm lỗ tai là sở thích mà nhiều người theo đuổi (Nguồn: Internet)

Thế nhưng không phải ai cũng biết những vị trí bấm lỗ tai khác nhau sẽ có thời gian lành khác nhau, độ đau khác nhau hay chăm sóc thế nào cho đúng cách. Dưới đây là những điều bạn cần biết trước và sau khi bấm lỗ tai.

12 vị trí bấm lỗ tai đẹp

Về cơ bản, các vị trí bấm lỗ tai được chia thành hai vùng lớn là phần dái tai và vùng sụn. Nhiều người cho rằng bấm lỗ tai các vị trí sụn tai sẽ đẹp nhưng thực sự mỗi vị trí đều có vẻ đẹp và sức quyến rũ riêng.

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-2
Các vị trí bấm lỗ tai đẹp và phổ biến (Nguồn: Internet)

Những năm gần đây, việc bấm lỗ tai tại vị trí sụn rất thịnh hành và được ưa chuộng nhờ ưu điểm vừa lạ mắt lại vừa có thể giúp chúng ta thử những kiểu hoa tai có thiết kế độc lạ, thu hút. Ngoài ra, số lượng lỗ bấm cũng không hề bị giới hạn do đó muốn bấm lỗ tai đẹp thì bạn nhớ tham khảo ngay các vị trí bấm lỗ tai phổ biến sau.

  1. Bấm lỗ Lobe

Bấm lỗ đơn là cách xỏ 1 lỗ duy nhất ở phần dái tai. Chúng vô cùng phổ biến, ít gây đau đớn, có thời gian hồi phục nhanh và cũng khá linh hoạt trong việc giúp bạn trải nghiệm các phong cách khá nhau với nhiều kiểu bông tai.

  1. Bấm lỗ Transverse Lobe 

Với cách bấm lỗ tai này, khuyên sẽ chạy ngang dái tai thay vì từ ngoài vào trong như thông thường, vị trí này thường mất thời gian chữa lành lâu hơn và cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao nên cần được chăm sóc cẩn thận.

  1. Bấm lỗ Industrial 

Là kiểu bấm cùng lúc 2 lỗ ở vành tai trên, vô cùng bắt mắt và mạnh mẽ.

  1. Bấm lỗ Helix

Kiểu bấm lỗ sụn này không quá đau đớn tuy nhiên sẽ cần kha khá thời gian hồi phục và chăm sóc thường xuyên.

  1. Bấm lỗ Orbital

Cách bấm lỗ tai này được thực hiện bằng cách xỏ 2 lỗ được nối với nhau bằng 1 món trang sức, chúng thường được áp dụng cho vùng dái tai.

  1. Bấm lỗ Forward Helix

Sự khác biệt của vị trí bấm này so với kiểu Helix thông thường là chúng có vị trí xỏ lỗ nằm ở gần gốc của vòng xoắn ốc trên tai (gần thái dương). 

  1. Bấm lỗ Daith

Kiểu bấm lỗ tai này khá linh hoạt, phù hợp với tất cả mọi người và có vị trí nằm ở phần vòng ôm sụn nằm phía bên trong tai.

  1. Bấm lỗ Tragus

Lỗ bấm Tragus có vị trí nằm dưới lỗ bấm Daith, khá linh hoạt tuy nhiên có thể gây đau vì chúng phụ thuộc vào kích thước của vành tai ngay trước ống tai.

  1. Bấm lỗ Anti-Tragus

Anti-Tragus là loại bấm lỗ tai vào phần sụn ngay phía trên dái tai.

  1. Bấm lỗ Snug

Vị trí của lỗ bấm này nằm ở phần sụn bên trong gần vành ngoài của tai và có thể đem lại diện mạo cực độc đáo, cá tính.

  1. Bấm lỗ Conch

Đây là một vị trí bấm sụn ở phía trong tai và cần được chăm sóc khá nhiều.

  1. Bấm lỗ Rook

Lỗ bấm này được thực hiện ở phần sụn bên trong song song với vành ngoài của tai, khá đau nhưng cực kỳ ấn tượng và thu hút.

Xem thêm: Chẳng lo bị ‘dìm’ nhan sắc nhờ bí kíp chọn bông tai cho từng khuôn mặt

Bấm lỗ tai có đau không?

Bấm lỗ tai thực chất không có 1 độ đau đồng nhất mà tùy vào vị trí mà bạn muốn bấm. Ví dụ các vị trí ở dái tai sẽ ít đau hơn, ít chảy máu và thời gian lành cũng chỉ khoảng trên dưới 1 tuần, tùy theo cơ địa của từng người.

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-3
Tùy vào vị trí bấm lỗ tai mà bạn sẽ có cảm nhận khác nhau (Nguồn: Internet)

Vị trí bấm lỗ tai không đau?

Bấm lỗ tai tại dái tai được xem là vị trí phố biến nhất, ít đau nhất và cũng nhanh lành nhất. Còn những vị trí sụn tai như vành tai trên, vành tai trong, lỗ helix, lỗ ngang scaffold, lỗ rook, lỗ daith… thì đều khá đau. Lý do đó là vùng sụn tai chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh nên sẽ nhạy cảm và mất nhiều thời gian để lỗ bấm lành (có thể từ 6 – 9 tháng).

Bấm lỗ tai có nguy hiểm không?

Trên thực tế, đã có khá nhiều trường hợp gặp biến chứng sau khi bấm lỗ tai. Tuy nhiên, điều này cũng không thể giúp chúng ta đưa ra kết luận rằng việc bấm lỗ tai nguy hiểm hay không vì nó còn phụ thuộc vào vị trí bấm, độ tuổi bấm, cách bấm, cách chăm sóc sau khi bấm… cũng như cơ địa của từng người. 

Xem thêm: Bấm lỗ tai làm đẹp cho bé, nguy hiểm tiềm ẩn phía sau các mẹ đã biết chưa?

Bấm lỗ tai bị chảy máu có bình thường không?

Sau khi bấm lỗ tai, vị trí bấm sẽ xuất hiện các hiện tượng như đau, nóng, đỏ, sưng nhẹ và bao gồm cả chảy máu hay bầm tím do máu tụ. Thông thường, tình trạng này sẽ tự hết tuy nhiên nếu mức độ chảy máu nhiều kèm theo các triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng thì bạn nên lập tức tìm gặp bác sĩ để thăm khám, xử lý nếu cần thiết.

Những lưu ý trước và sau khi bấm lỗ tai

Bấm lỗ tai ở đâu?

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-4
Nếu mới bấm lỗ tai thì bạn nên tránh những đôi bông tai to bản, họa tiết rắc rối để vết thương không bị ảnh hưởng (Nguồn: Internet)

Chúng ta không chỉ cần chuẩn bị tâm lý mà cần hiểu biết rõ về vị trí mà mình muốn bấm lỗ tai. Đặc biệt, bạn cần tìm hiểu các cơ sở bấm lỗ tai uy tín, chuyên nghiệp hoặc các bệnh viện, thẩm mỹ viện... để hạn chế rủi ro và được tư vấn, chăm sóc tốt trước và sau khi bấm lỗ tai.

Ngoài ra, hãy cân nhắc lựa chọn các loại khuyên tai sát tai, đơn giản, tránh các loại hoa tai cầu kỳ, có nhiều khuyên mắc hay có vòng lớn vì chúng sẽ bị vướng/ mắc khi chải đầu, mặc áo, dính vào tóc… khiến vết thương ở lỗ bấm lâu lành hơn. Chất liệu hoa tai cũng cần chọn loại làm từ thép y tế hoặc vật liệu không rỉ để đảm bảo an toàn.

Vết bấm bao lâu thì lành?

Sau khi bấm lỗ tai, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là mất bao lâu để vết bấm có thể lành hẳn. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng chúng ta khó có thể xác định được khoảng thời gian cụ thể dành cho từng trường hợp vì ngoài yếu tố cơ địa khác nhau thì vị trí bấm lỗ tai, độ tuổi hay cách chăm sóc cũng tác động rất nhiều đến quá trình hồi phục. Với các vị trí bấm phổ biến như dái tai, thời gian lành lành có thể rơi vào khoảng 6 – 8 tuần, với các vị trí bấm “hiểm hóc” hơn, đi qua sụn thì bạn có thể phải chờ từ 3 – 9 tháng thì vết bấm mới lành hẳn.

Ngoài ra, hãy lưu ý rằng vết bấm lành khi bạn không còn các dấu hiệu như bị đau, sưng, đỏ, chảy nước… nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn và kéo dài thì hãy theo dõi cẩn thận để tránh gặp phải biến chứng.

Sau khi bấm lỗ tai cần chú ý gì?

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-5
Sau khi bấm lỗ tai, nên vệ sinh và chăm sóc lỗ bấm hằng ngày (Nguồn: Internet)

Sau khi bấm lỗ tai, khâu chăm sóc rất quan trọng và cần được thực hiện cho đến khi lỗ bấm lành hẳn.

  • Thực hiện vệ sinh vết bấm lỗ tai hằng ngày. Trước khi thực hiện cần vệ sinh tay, đảm bảo sạch sẽ. Khi vệ sinh lỗ bấm nên sử dụng tăm bông và rửa bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng. Dùng bông y tế thấm cho khô ráo.
  • Có thể dùng dung dịch povidon iod (Betadine, Povidine) để sát trùng vết thương trong những ngày đầu.
  • Đợi lỗ bấm lành hẳn mới được tháo hoa tai hoặc thay hoa tai. Hạn chế đụng chạm, sờ nắn nơi lỗ bấm.
  • Một số cơ sở bấm lỗ tai sẽ có thể kê thêm thuốc kháng sinh kèm theo để phòng tránh nhiễm trùng. Bạn có thể cân nhắc sử dụng. 

Trong trường hợp nếu vị trí bấm lỗ tai không lành, bị sưng tấy, hành đau, hành sốt, có mủ… thì tốt nhất bạn nên tháo khuyên ra và vệ sinh, sát trùng sạch sẽ. Nếu trình trạng trở nặng và kéo dài qua nhiều ngày, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám, kê đơn thuốc đúng lúc, tránh để nhiễm trùng.

Bấm lỗ tai kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Bấm lỗ tai kiêng ăn gì?

Chế độ ăn uống rất quan trọng khi bạn đang trong thời gian bấm lỗ tai và chờ lành vết thương. Việc tránh ăn các thực phẩm gây sưng, dị ứng hay gây sẹo sẽ giúp lỗ bấm nhanh lành và đẹp hơn.

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-6
Hải sản là một trong những thực phẩm bạn nên kiêng khi bấm lỗ tai (Nguồn: Internet)

  • Thịt bò: Đây là thực phẩm khiến vết thương biến thành tình trạng sẹo thâm, không tốt về mặt thẩm mỹ.
  • Thịt gà: Thịt gà luôn là món kiêng kị với những vết thương hở vì chúng sẽ gây sưng tấy và mưng mủ. Hãy cố gắng kiêng thịt gà cho tới khi lỗ bấm lành hẳn bạn nhé.
  • Hải sản: Những món hải sản dù hấp dẫn nhưng chúng không tốt cho cơ thể nếu như bạn vừa bấm lỗ tai xong. Hải sản dễ gây dị ứng và khiến vết thương lâu lành hơn.
  • Rau muống: Nếu bạn không muốn cơ thể mình bị sẹo lồi thì hãy bỏ rau muống ra khỏi thực đơn hằng ngày nhé.
  • Gạo nếp: Tránh hẳn các thực phẩm được làm từ gạo nếu nếu như bạn không muốn vết thương mưng mủ và cứ đau nhức hết ngày này sang ngày khác nhé. Gạo nếp còn khiến cho lỗ bấm của bạn lâu lành hơn.

Những thực phẩm nên bổ sung sau khi bấm lỗ tai

Ngoài việc tránh những thực phẩm kể trên, bạn cũng nên bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của mình những thực phẩm dưới đây để lỗ bấm nhanh hồi phục.

voh-bam-lo-tai-voh.com.vn-7
Cá hồi là thực phẩm rất tốt cho người bấm lỗ tai (Nguồn: Internet)

  • Cá hồi: Cá hồi rất giàu acid béo omega-3, giúp chống viêm, giảm sưng tấy và giảm đau cho cơ thể và giúp lỗ bấm mau lành.
  • Lựu: Lựu rất giàu vitamin A và C, đồng thời chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa khác. Ăn lựu sau khi bấm lỗ tai sẽ giúp giảm viêm nhiễm tự nhiên và rút ngắn thời gian lành.
  • Cam: Cam là loại trái cây rất giàu vitamin C - dưỡng chất quan trọng nhất cần bổ sung cho quá trình phục hồi các vết thương hở. Bổ sung vitamin C sau khi bấm lỗ tai sẽ giúp thúc đẩy cơ thể sản sinh các protein để hồi phục.

Hy vọng với bài viết này, bạn đã có đủ thông tin trước khi thực hiện bấm lỗ tai để làm đẹp một cách thời thượng nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe.

>>>Xem thêm: