Hướng dẫn 'đọc vị’ nhãn mỹ phẩm chăm sóc da

(VOH) - Đọc nhãn sản phẩm chăm sóc da là cách tốt nhất để biết chúng có gì, phù hợp và an toàn với làn da của bạn hay không. Vì vậy, đừng bỏ qua bước tưởng chừng đơn giản nhưng cần thiết này.

Các sản phẩm chăm sóc da thường được quảng cáo rất hấp dẫn nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả đều hiệu quả hoặc tuyệt vời. Đôi khi chúng có thể chứa các thành phần bạn muốn tránh, gây kích ứng, nhạy cảm hoặc thậm chí là có hại cho làn da. Do đó, trang bị cho mình một vài thông tin hữu ích về cách đọc hiểu nhãn mỹ phẩm skincare là điều nên làm. 

3 điều nên chú ý trên nhãn sản phẩm chăm sóc da

Dù nhãn của các sản phẩm chăm sóc da đều khác nhau nhưng thông tin mà chúng chứa đựng đều tương tự, đó là tên thương hiệu, tên sản phẩm, loại sản phẩm, mục đích và mô tả chung, danh sách thành phần, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin nhà sản xuất… Tuy nhiên, để xem nhanh mà vẫn hiểu rõ thì bạn có thể chú ý vào những điều sau.

  1. Hạn sử dụng

voh-my-pham-cham-soc-da-voh.com.vn-1
Ngày hết hạn và hạn sử dụng sau mở nắp khác nhau (Nguồn: Internet)

Bạn có thể tìm thấy hạn sử dụng của mỹ phẩm chăm sóc da ngay trên bao bì nhưng hãy nhớ rằng chúng có 2 loại đó là ngày hết hạn của sản phẩm và thời gian sử dụng sau khi mở nắp.

  • Ngày hết hạn (expiration date) thường được viết tắt là exp và in kèm với số lô của sản phẩm.
  • Thời gian sử dụng sau mở nắp được biểu thị thông qua kí hiệu chiếc hộp mở nắp đi kèm với các con số như 6M, 9M, 12M… trong đó M là month hay tháng. Nó sẽ cho bạn biết sản phẩm chăm sóc da của mình có thể hoạt động và hoạt động tốt nhất trong thời gian bao lâu sau khi mở nắp để có thể tận dụng tối đa cũng như chủ động thay thế khi cần thiết.
  1. Hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản

voh-my-pham-cham-soc-da-voh.com.vn-2
Mỹ phẩm chăm sóc da cần được bảo quản đúng cách (Nguồn: Internet)

Với mỹ phẩm chăm sóc da, đặc biệt là sản phẩm chứa các thành phần hoạt chất (hoạt động) thì việc nắm rõ được cách sử dụng cũng như bảo quản sẽ giúp bạn dùng chúng an toàn và hiệu quả hơn. Ví như cả vitamin C, retinol đều rất nhạy cảm với ánh sáng, không khí nên cần được bảo quản kín, ở nơi khô thoáng, không có ánh nắng. Chúng cũng không thể sử dụng chung với nhau vì có thể khiến da bị kích ứng. Đây là những thông tin không phải ai cũng biết, hơn nữa mỗi sản phẩm lại có công thức riêng nên điều cần lưu ý đôi khi cũng sẽ có sự khác biệt. Do đó, muốn hiểu về sản phẩm cũng như sử dụng, kết hợp chúng hiệu quả, đúng cách vào quy trình skincare của mình thì bạn nên để ý tới cả hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

  1. Bảng thành phần

voh-my-pham-cham-soc-da-voh.com.vn-3
Bảng thành phần sản phẩm có thể cho bạn biết nhiều điều (Nguồn: Internet)

Bất cứ sản phẩm chăm sóc da nào cũng cần phải có bảng thành phần trên bao bì để người sử dụng có thể theo dõi. Hầu hết chúng đều được liệt kê theo thứ tự nhất định đó là thành phần có nồng độ cao xếp trước, thành phần có nồng độ thấp hơn xếp sau. Ngoài ra, một số nhóm mỹ phẩm cũng liệt kê theo danh sách thành phần hoạt động (active) và không hoạt động (inactive).

voh-my-pham-cham-soc-da-voh.com.vn-4
Thành phần đứng đầu bảng thường chiếm nồng độ cao nhất (Nguồn: Internet)

Dựa vào nguyên tắc xếp theo nồng độ, bạn sẽ phần nào xác định được một sản phẩm chăm sóc da phù hợp với nhu cầu của mình hay không và chúng có hiệu quả như lời quảng cáo. Ví dụ, nếu không thích cồn nhưng nó lại nằm trong 3 – 5 cái tên đầu tiên trên bảng thành phần thì bạn hãy cân nhắc kĩ vì sản phẩm đó chứa nhiều cồn. Tương tự, một sản phẩm được nhấn mạnh vào công dụng chống lão hóa với dầu hoa hồng nhưng thành phần này lại nằm cuối danh sách với nồng độ cực nhỏ thì lợi ích mà bạn nhận được sẽ không nhiều. 

Với các sản phẩm chăm sóc da được liệt kê theo kiểu thành phần hoạt động (có chức năng cụ thể) và không hoạt động (hỗ trợ cho hoạt chất hoặc đem lại lợi ích khác như dưỡng ẩm) thì thông thường tỉ lệ phần trăm của thành phần hoạt động sẽ được công khai luôn. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng một số sản phẩm chăm sóc da Mỹ có thể sắp xếp các thành phần theo bảng chữ cái thay vì nồng độ (với điều kiện nhãn có thành phần hoạt động). Vì vậy, bạn hãy xem xét kĩ để tránh bị nhầm lẫn.

Một số thành phần chăm sóc da dễ bị “hiểu lầm”

voh-my-pham-cham-soc-da-voh.com.vn-5
Một số thành phần chăm sóc da không hề xấu như bạn nghĩ (Nguồn: Internet)

Trong mỹ phẩm chăm sóc da, một số thành phần thực sự có lợi nhưng lại bị hiểu lầm là xấu. Điều này có thể khiến bạn bỏ lỡ những sự lựa chọn phù hợp và hiệu quả với làn da cũng như vấn đề của mình.

  • Tocopherol: đây thực chất là tên gọi khác của vitamin E – chất chống oxy hóa giúp bạn bảo vệ, làm mềm và giữ ẩm tuyệt vời cho da.
  • Palmitoyl tetrapeptide-7: peptide tái sinh có khả năng kích thích sản sinh collagen và ngăn chặn viêm.
  • Tetrahexyldecyl ascorbate: một dạng vitamin C ổn định, được xem là một chất tương tự ascorbic acid có công dụng làm sáng da, kích thích sản xuất collagen, cải thiện nếp nhăn, chống lão hóa.
  • Ferulic acid: chất chống oxy hóa giúp chống lão hóa và thường được kết hợp với vitamin C để tăng cường hiệu quả bảo vệ và dưỡng da.
  • Caprylic glycerides: axit béo có nguồn gốc từ dừa với công dụng làm mềm và giữ ẩm.
  • Dipotassium glycyrrhizate: chiết xuất cam thảo làm dịu da.
  • Tetrahydrodiferuloylmethane: chiết xuất từ nghệ, là chất chống oxy hóa, làm dịu, làm sáng và chống viêm.

Một số thành phần chăm sóc da nên tránh/ cân nhắc

voh-my-pham-cham-soc-da-voh.com.vn-6
Một số thành phần chăm sóc da bạn nên thực sự cân nhắc dựa trên làn da và nhu cầu của mình (Nguồn: Internet)

  • Parabens (methylparaben, propylparaben, butylparaben): chất bảo quản mỹ phẩm vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh được mối liên quan giữa parabens và ung thư nhưng nếu bạn có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng thì hãy chú ý đến nồng độ của chúng trong sản phẩm và cân nhắc việc sử dụng.
  • Sulfates (sodium laureth sulfate, alkylbenzene sulfonate, sodium cocoyl sarcosinate): chất hoạt động bề mặt giúp các sản phẩm như dầu gội, sữa rửa mặt… loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa khỏi da. Nồng độ cao của thành phần này có thể gây khô, kích ứng, mất cân bằng da.
  • Hương liệu nhân tạo và thuốc nhuộm: có thể gây kích ứng da, đặc biệt là với da nhạy cảm hoặc da mụn.
  • Formaldehyde: chất bảo quản có thể gây kích ứng da và gây hại cho hệ hô hấp.
  • Hydroquinone: chất làm trắng da có tác dụng phụ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đọc hiểu thông tin các sản phẩm chăm sóc da là bước thực sự cần thiết và có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc lựa chọn cũng như quá trình sử dụng. Do đó, dù là bất cứ loại mỹ phẩm nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên hình thành cho mình thói quen tìm hiểu rõ ràng và cẩn thận để đảm bảo cả hiệu quả và sự an toàn.

Bảo quản mỹ phẩm trong tủ lạnh có thực sự cần thiết và hiệu quả?: (VOH) – Bảo quản mỹ phẩm là vấn đề ít khi được chị em để ý. Chỉ đến khi xu hướng bảo quản mỹ phẩm trong tủ lạnh trở nên ‘hot’ thì chúng mới thực sự được quan tâm, thậm chí là gây nên nhiều tranh cãi.

'Hé lộ’ 9 lầm tưởng làm đẹp ai cũng nghĩ là đúng: (VOH) – Chúng ta vẫn thường nghe, thấy rất nhiều lời khuyên về việc làm đẹp từ mọi người, trên internet hoặc chỉ đơn giản là tự bản thân cảm thấy hợp lý. Nhưng có bao nhiêu trong số đó thực sự đúng?