Những lưu ý giúp bạn sơn gel đẹp bền, tránh tổn thương móng

(VOH) - Sơn gel là xu hướng làm móng rất được ưa chuộng nhờ độ bền đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, để hạn chế tác hại cũng như tránh làm tổn thương da và móng thì bạn phải đặc biệt chú ý những điều sau.

Sơn gel thường có độ bền cao, cho màu sắc đẹp mắt nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho móng, thậm chí là cả sức khỏe. Chính vì vậy, để có thể sở hữu một bộ nail đẹp mà vẫn đảm bảo an toàn thì bạn hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi áp dụng phương pháp làm đẹp này.

Chú ý lựa chọn sơn gel

voh-son-gel-voh.com.vn-anh1
Hãy chọn cho mình loại sơn gel phù hợp và không chứa các thành phần độc hại (Nguồn: Internet)

Sơn gel cũng có rất nhiều loại khác nhau nên việc đầu tiên mà bạn cần quan tâm là chọn cho mình loại phù hợp nhất. Ngoài màu sắc hay kết cấu, hãy quan tâm tới cả thành phần của chúng bởi mặc dù được xem là an toàn hơn sơn móng truyền thống nhưng sơn gel vẫn có thể chứa các thành phần độc hại. Việc chúng giữ được lâu và tiếp xúc nhiều với móng hay cơ thể cũng là lý do khiến bạn cần phải chú ý hơn khi lựa chọn. Đặc biệt, hãy tránh xa các loại sơn gel có chứa formaldehyde, toluene, dibutyl phthalate (DBP) hay methyl acrylate… bởi đây là những chất không chỉ ảnh hưởng tới móng và còn có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn.

Bảo vệ tay trước khi sơn gel

voh-son-gel-voh.com.vn-anh2
Việc hong  khô sơn gel với ánh sáng chứa tia Uv có thể khiến da bị tổn thương (Nguồn: Internet)

Sơn gel được áp dụng lên móng tương tự như sơn móng truyền thống nhưng để khiến chúng bền màu và giữ lâu thì thợ làm nail sẽ làm khô chúng bằng ánh sáng chứa tia UV (tia cực tím) hoặc đèn LED. Chúng ta đều biết tia UV có tác hại như thế nào với da và móng (nhất là với móng yếu, mỏng), đặc biệt là khi bạn tiếp xúc với nó một cách trực tiếp ở khoảng cách gần. Do đó, muốn tránh những tổn thương gây ra bởi tia UV trong quá trình sơn gel thì bạn nên thoa kem chống nắng cho cả cổ tay, bàn tay và ngón tay. Bằng cách này, chúng ta vừa ngăn cản được tia cực tím gây hại cho làn da của mình vừa có được bộ móng ưng ý.

Loại bỏ sơn gel đúng cách

Loại bỏ lớp sơn gel không hề đơn giản như bạn nghĩ, thậm chí chúng còn được xem là bước có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tình trạng móng nếu không được thực hiện đúng cách. Ngoài việc cần thời gian thì “phá gel” còn đòi hỏi cả sản phẩm chuyên dụng và kỹ thuật do đó, tốt hơn hết là bạn hãy tìm đến tiệm nail để bảo vệ bộ móng của mình. Đừng tự ý bóc sơn gel tại nhà ngay cả khi chúng bị sứt mẻ vì hành động này có thể kéo theo cả lớp keratin khiến móng mỏng yếu, dễ gãy và đặc biệt là ảnh hưởng đến độ bám của sơn gel sau này.

voh-son-gel-voh.com.vn-anh3
Sơn gel bám móng tốt nên bạn sẽ cần phải loại bỏ cẩn thận và đúng cách (Nguồn: Internet)

Để loại bỏ sơn gel, thông thường bạn sẽ được ủ móng với nước tẩy trước, quá trình này có thể kéo dài 15 – 60 phút tùy vào loại sơn mà bạn sử dụng. Sau đó nếu lớp sơn vẫn chưa tan hẳn thì thợ làm nail sẽ dùng dụng cụ thể cào lớp sơn này ra. Đó cũng chính là lý do mà sơn gel khiến móng tay của bạn trở nên yếu và dễ tổn thương hơn.

Dùng dưỡng móng sau khi loại bỏ sơn gel

voh-son-gel-voh.com.vn-anh4
Dưỡng móng giúp bạn cấp và phục hồi độ ẩm cho móng cũng như vùng da xung quanh (Nguồn: Internet)

Sau khi loại bỏ sơn gel, móng tay và vùng da xung quanh thường khá khô do phải tiếp xúc lâu với lớp sơn cũng như nước ngâm móng và hoạt động “phá gel”. Để khắc phục vấn đề này đồng thời hạn chế tình trạng móng khô gãy, bạn cần thoa một chút dầu dưỡng để làm mềm, phục hồi và giữ độ ẩm cho chúng. Nếu có thời gian hoặc cẩn thận hơn thì hãy ngâm móng trong dầu dừa, dầu ô liu… từ 5 – 7 phút rồi mới dùng dầu dưỡng.

Gợi ý cách loại bỏ sơn gel tại nhà

Để bảo vệ móng tay, loại bỏ sơn gel tại nhà thường không được khuyến khích. Song trong những trường hợp cần thiết thì bạn cũng nên biết cách “phá gel” tại nhà để có thể hạn chế tối đa việc làm hại móng tay của mình.

voh-son-gel-voh.com.vn-anh5
Hãy cẩn thận khi loại bỏ sơn gel tại nhà, tránh làm tổn thương móng (Nguồn: Internet)

  • Tìm không gian thoáng: thông thường việc tẩy sơn móng tay tại nhà sẽ dùng acetone, để tránh việc hít phải chúng quá nhiều, bạn nên chọn nơi thoáng đãng để thực hiện tẩy móng.
  • Loại bỏ độ bóng của lớp sơn gel: dùng dũa nhẹ nhàng chà vào lớp trên cùng của sơn gel để tạo ra một bề mặt nhám.
  • Bảo vệ da quanh móng: thoa một chút dầu dưỡng hoặc một loại kem đặc cho vùng da quanh móng để hạn chế việc chúng bị khô bởi acetone.
  • Bọc móng tay bằng bông ngâm acetone: thấm dung dịch acetone vào bông rồi đặt lên móng và cố định bằng cách cuốn giấy bạc xung quanh. Ủ chúng 15 – 60 phút và kiểm tra 15 phút/ lần.
  • Loại bỏ lớp sơn gel: khi lớp sơn bắt đầu bong ra và trượt khỏi móng, hãy bỏ giấy bạc và dùng bông thấm acetone lau đi nhẹ nhàng. Với những vùng sơn còn sót lại, bạn có thể sử dụng một chiếc que nhỏ có đầu bọc cao su để đẩy lớp sơn đi.
  • Dùng dầu dưỡng cho móng và vùng da xung quanh: sau khi loại bỏ được lớp sơn, bạn nên ngâm móng trong dầu dừa hoặc dầu ô liu vài phút rồi tiếp tục thoa dầu dưỡng để cung cấp độ ẩm giúp móng mau hồi phục hơn.

Vốn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội nên sơn gel nhanh chóng trở thành xu hướng chăm sóc móng và làm đẹp của chị em phụ nữ. Song nếu không lưu ý trong quá trình sử dụng thì ngược lại chúng sẽ dễ gây nên những tổn thương cho da, móng, thậm chí là cả sức khỏe. Chính vì vậy, bạn hãy luôn luôn ghi nhớ và đảm bảo cả yếu tố an toàn khi sơn gel để có thể làm đẹp hiệu quả hơn.

Cách làm sạch móng tay, ‘đánh bay’ ố vàng đơn giản tại nhà: (VOH) - Móng tay ố vàng, khô yếu là kết quả của việc không được làm sạch và chăm sóc thường xuyên. 5 cách làm sạch móng tay đơn giản này sẽ giúp công cuộc ‘refresh’ đôi tay của bạn hiệu quả hơn.

Những mẫu móng tay đẹp cho đôi bàn tay bạn gái thêm ngọc ngà: (VOH) - Những kiểu móng tay đẹp dưới đây sẽ giúp bạn luôn cảm thấy tự tin và nổi bật mỗi khi xuất hiện.