Xuất hiện đốm nâu trên da: nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

(VOH) – Đốm nâu trên da có thể xuất hiện bởi rất nhiều nguyên nhân. Mặc dù không tác động đến sức khỏe nhưng chúng lại là vấn đề ảnh hưởng không hề nhỏ đến tính thẩm mỹ.

Khi xuất hiện đốm nâu trên da điều quan trọng là bạn phải xác định được những nguyên nhân gây ra vấn đề. Bởi từ đó chúng ta mới có thể tìm được phương hướng điều trị và phòng ngừa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân xuất hiện đốm nâu trên da

Các đốm nâu trên da hay tăng sắc tố thường xuất hiện với nhiều kích thước, tông màu khác nhau (từ nâu đậm đến nâu nhạt) nhưng về cơ bản chúng vẫn có kết cấu giống với các vùng da khác và không gây đau đớn. Đốm nâu trên da cũng có thể phát triển ở bất cứ đâu song phổ biến nhất sẽ là những bộ phận tiếp xúc nhiều với ánh nắng như: khuôn mặt, mu bàn tay, vai, cánh tay, lưng. Ngoài ra, chúng cũng có thể tập hợp lại với nhau để tạo thành những vùng da sẫm màu lớn.

voh-dom-nau-tren-da-voh.com.vn-1
Xuất hiện đốm nâu trên da mặt khiến chị em lo lắng và kém tự tin (Nguồn: Internet)

Khi bạn thấy xuất hiện đốm nâu trên da thì nó có thể là kết quả của:

  • Tiếp xúc với tia cực tím: bao gồm cả ánh nắng mặt trời lẫn các nguồn nhân tạo như giường tắm nắng. Các đốm nâu trên da có thể phát triển khi bạn không có biện pháp che chắn, bảo vệ và thường sẽ trở nên trầm trọng hơn theo độ tuổi.
  • Thay đổi nội tiết tố: chúng có thể gây ra các tình trạng như nám da, tàn nhang và làm xuất hiện đốm nâu trên da.
  • Viêm: các đốm nâu có thể phát triển sau viêm da, viêm da có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân như mụn trứng cá, bệnh chàm hay bệnh vảy nến.
  • Tổn thương da: trong một vài trường hợp, các tổn thương da cũng có thể dẫn đến đốm nâu trên da song đa số chúng đều sẽ mờ dần theo thời gian.
  • Kích ứng: khi da bị kích ứng mỹ phẩm, chúng có thể gây ra các đốm nâu.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc bệnh: các loại thuốc có thể góp phần vào sự hình thành của đốm nâu vì chúng khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng. Ngoài ra, bệnh gan, Addison, rối loạn cơ thể do hấp thu quá nhiều sắt hay u tuyến yên, tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các đốm hoặc vùng da sậm màu.

Cách trị đốm nâu trên da

  1. Điều trị tại chỗ

voh-dom-nau-tren-da-voh.com.vn-2
Các sản phẩm làm sáng da có thể giúp bạn cải thiện đốm nâu trên da (Nguồn: Internet)

Điều trị tại chỗ là phương pháp sử dụng sản phẩm (bao gồm cả thuốc và mỹ phẩm) cần hoặc không cần kê đơn chứa các thành phần có khả năng cải thiện đốm nâu bằng cách làm sáng chúng, ví như:

  • Vitamin C: chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bạn làm giảm đốm nâu trên da bằng cách ngăn chặn các gốc tự do gây tổn thương da (gốc tự do sẽ khiến da xỉn màu) và ức chế quá trình sản xuất melanin. 
  • Hydroquinone: đây được coi là thành phần cực hiệu quả cho việc điều trị các đốm nâu. Chúng cũng hoạt động thông qua cơ chế ức chế melanin và thường có mặt trong các sản phẩm không kê đơn ở nồng độ 2% hay các sản phẩm kê đơn với mức 3 – 4%. Tuy nhiên, việc sử dụng thành phần này cũng gây khá nhiều tranh cãi vì tác dụng phụ như khô, đỏ, rát hay làm đổi màu (làm sáng) cả những vùng da bình thường nếu áp dụng không cẩn thận nên hãy chú ý.
  • Kojic acid: hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hình thành của tyrosine – axit amin hỗ trợ sản xuất sắc tố melanin gây ra đốm nâu trên da. Chúng thường phát huy hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với hydroquinone.
  • Azelaic acid: ngoài khả năng cải thiện các đốm nâu, thành phần này còn có đặc tính kháng khuẩn nên rất có lợi cho việc loại bỏ mụn trứng cá hay sẹo mụn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm các sản phẩm có chứa retinoids, glycolic acid, arbutin…

voh-dom-nau-tren-da-voh.com.vn-3
Các biện pháp điều trị tại chỗ cần phải có thời gian để cải thiện vấn đề (Nguồn: Internet)

Cách điều trị tại chỗ này thường phù hợp với các tình trạng nhẹ hoặc ít đốm nâu tuy nhiên chúng cũng bao gồm cả những tác dụng phụ như đỏ, sưng, ngứa… nên bạn hãy cẩn thận. Ngoài ra, vì các thành phần này sẽ khiến da nhạy cảm hơn với tia UV nên việc dùng kem chống nắng đầy đủ trong suốt quá trình điều trị là điều rất quan trọng và là yêu cầu bắt buộc.

  1. Phương pháp thẩm mỹ

Các biện pháp thẩm mỹ có thể giúp bạn điều trị đốm nâu trên da ở bất kỳ bộ phận nào tuy nhiên chúng cần được thực hiện tại các cơ sở, viện thẩm mỹ uy tín với bác sĩ có chuyên môn. Để tăng cường hiệu quả, một số trường hợp sẽ được kết hợp cùng phương pháp điều trị tại chỗ.

voh-dom-nau-tren-da-voh.com.vn-4
Các phương pháp thẩm mỹ sẽ cho hiệu quả nhanh hơn nhưng thường khá tốn chi phí (Nguồn: Internet)

  • Laser: sử dụng năng lượng ánh sáng để đốt cháy, phá vỡ các đốm nâu (tác dụng phụ: bầm tím, sưng, đỏ, sẹo, nhiễm trùng, thay đổi kết cấu da)
  • Peel da: phương pháp loại bỏ lớp trên cùng của da bằng các hoạt chất như glycolic acid, salicylic acid để lớp da mới phát triển từ đó làm mờ đốm nâu.
  • Microdermabrasion: quá trình loại bỏ lớp ngoài của da bằng dụng cụ chuyên dụng với mục đích thay thế lớp da cũ bằng lớp da mới để làm mờ dần đốm nâu.
  • Phẫu thuật lạnh: sử dụng nitơ lỏng để làm cho vùng da sẫm màu bong ra (tác dụng phụ: làm trắng vĩnh viễn các vùng được điều trị).

Phòng ngừa sự xuất hiện đốm nâu trên da

voh-dom-nau-tren-da-voh.com.vn-5
Bảo vệ da đóng vai trò quan trọng trong cả việc ngăn ngừa và điều trị đốm nâu (Nguồn: Internet)

Mặc dù bạn không thể hoàn toàn tránh khỏi các đốm nâu trên da đặc biệt là khi bắt đầu có tuổi nhưng áp dụng những biện pháp ngăn ngừa vẫn là cách tốt nhất để hạn chế tối đa và tránh làm trầm trọng thêm vấn đề:

  • Dùng kem chống nắng: luôn luôn thoa kem chống nắng có SPF ít nhất là 30 mỗi khi phải ra ngoài, kể cả khi trời không có nắng.
  • Che chắn cẩn thận: đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, mặc quần áo dài để tăng cường hiệu quả bảo vệ da khỏi tia UV.
  • Tránh khung giờ nắng cao điểm: 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều thường là khoảng thời gian tia cực tím hoạt động mạnh nhất do đó bạn nên hạn chế ra ngoài.
  • Điều trị kịp thời các vấn đề da: các vấn đề da như mụn trứng cá nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến viêm từ đó làm tăng nguy cơ phát triển đốm nâu trên da. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên giải quyết chúng nhanh chóng và đúng cách.

Đốm nâu trên da thường vô hại và không cần phải điều trị nhưng nếu bạn cảm thấy chúng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mình thì có thể thử áp dụng một trong những cách giải quyết trên. Mặc dù hiệu quả còn phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ hay tình trạng của từng trường hợp hoặc cần thời gian để đáp ứng song chắc chắn nó cũng sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể cho làn da của bạn.

Đồi mồi là gì, bao nhiêu tuổi thì da có đồi mồi?: (VOH) - Một trong những dấu hiệu của chứng lão hóa da là xuất hiện các đốm đồi mồi trên da. Vậy đồi mồi là gì và có phòng tránh được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này.

6 nguyên nhân không ngờ khiến da sạm đen, xỉn màu: (VOH) – Dù skincare đều đặn nhưng da vẫn sạm đen, thô ráp và không mấy cải thiện? Vậy thì rất có thể làn da của bạn đang bị ‘tấn công’ bởi một trong những tác nhân này.