10 tác dụng của đu đủ và 3 lưu ý khi ăn loại quả nhiệt đới này

(VOH) - Đu đủ là loại trái cây quen thuộc với nhiều người. Loại trái này không chỉ thơm ngon mà còn hỗ trợ tốt cho sức khỏe. Vậy ăn đu đủ có tác dụng gì mà bạn phải thêm chúng vào bữa ăn hàng ngày?

Có thể nói, quả đu đủ là loại trái cây đang đứng đứng “Top” trong danh mục các loại trái cây có lợi cho sức khỏe. Loại quả này rất giàu khoáng chất, vitamin cùng các chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ giảm viêm, ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời mang đến làn da tươi trẻ và tràn đầy sức sống.

1. Ăn đu đủ có tác dụng gì?

Không chỉ có hương vị thanh mát, dịu ngọt cùng màu sắc bắt mắt, ăn đu đủ có thể giúp bạn nhận được các lợi ích sức khỏe sau đây:

1.1 Cung cấp cho cơ thể nhiều dinh dưỡng

Thành phần dinh dưỡng đa dạng là một trong những lý do khiến cho quả đu đủ được hầu hết mọi người yêu thích. Theo nghiên cứu, một quả đu đủ nhỏ 152gr có chứa các chất dinh dưỡng sau:

  • Calo: 59
  • Carbohydrate: 15gr
  • Chất xơ: 3gr
  • Chất đạm: 1gr
  • Vitamin C: 157% RDI
  • Vitamin A: 33% RDI
  • Folate (vitamin B9): 14% RDI
  • Kali: 11% RDI
10-tac-dung-cua-du-du-va-3-luu-y-khi-an-loai-qua-nhiet-doi-nay-voh-0
Đu đủ chứa thành phần dinh dưỡng đa dạng (Nguồn: Internet)

Trong đu đủ còn chứa các chất như canxi, magie, vitamin B1, B3, B5, E và K, cùng chất chống oxy hóa lành mạnh như lycopene. Ngoài ra, trong đu đủ cũng chứa một loại enzyme gọi là papain, có tác dụng phá vỡ các chuỗi protein dai trong thịt. Đó là lý do, con người đã sử dụng đu đủ để làm mềm các loại thịt trong chế biến.

1.2 Chống oxy hóa mạnh mẽ

Các chất chống oxy hóa trong đu đủ bao gồm cả carotenoid có thể giúp trung hòa các gốc tự do.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, đu đủ lên men có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa ở người lớn tuổi và những người bị tiền tiểu đường, suy giáp nhẹ, bệnh gan và bệnh alzheimer. (1) (2) (3) (4) (5)

Các chuyên gia tin rằng, chính làm lượng lycopene trong quả đu đủ đã cho kết quả tích cực trong việc giảm stress oxy hóa cũng như khả năng loại bỏ sắt dư thừa – nguyên nhân sản sinh ra các gốc tự do.

1.3 Giảm nguy cơ ung thư

Hợp chất lycopene có trong đu đủ có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư cũng như làm chậm sự tiến triển của ung thư. Chất lycopene trong đu đủ sẽ làm giảm các gốc tự do có thể gây ra ung thư.

Ngoài ra, đu đủ còn chứa một số tác dụng độc đáo mà các loại trái cây khác không có, chẳng hạn như đu đủ có hoạt tính chống lại các tế bào ung thư vú. (6)

Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết ung thư vú và cách kiểm tra vú tại nhà giúp pháp hiện sớm ung thư vú

Trong một nghiên cứu ở những người lớn tuổi bị viêm và đang có tình trạng tiền ung thư dạ dày, khi sử dụng chế phẩm đu đủ lên men đã làm giảm tổn thương oxy hóa (7)

1.4 Cải thiện sức khỏe tim mạch

Thêm đu đủ vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe tim mạch. Nhờ hàm lượng lycopene và vitamin C dồi dào nên đu đủ có tác dụng ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong quả đu đủ cũng giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol, hạn chế các mảng tiểu cầu gây tắc nghẽn và làm máu khó lưu thông.

1.5 Giảm viêm 

Trong đu đủ có chứa chất papain, chymopapain và carotenoid có thể giúp kháng viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Đồng thời, thường xuyên tiêu thụ đu đủ cũng sẽ hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh liên quan đến viêm khớp dạng thấp, phù nề hay bệnh gout,…

1.6 Cải thiện hệ miễn dịch

10-tac-dung-cua-du-du-va-3-luu-y-khi-an-loai-qua-nhiet-doi-nay-voh-1
Ăn đu đủ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Các vitamin A, C có trong đu đủ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch. Nó sẽ giúp tạo “lá chắn” bảo vệ cơ thể chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh cúm, cảm lạnh và nhiễm trùng hô hấp.

Xem thêm: 4 lưu ý điều trị cảm lạnh tại nhà bạn nên biết

1.7 Cải thiện hệ tiêu hóa

Chất enzyme papain trong quả đu đủ có thể giúp protein dễ tiêu hóa hơn. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ trong đu đủ cũng rất cao, cho nên nhiều người đã xem việc ăn đu đủ như một phương thuốc chữa các vấn đề của hệ tiêu hóa như tình trạng táo bón hay các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

1.8 Bảo vệ da khỏi tổn thương

Ngoài việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh, ăn quả đu đủ còn giúp bảo vệ da tránh khỏi các tổn thương do tác động từ bên ngoài. Chất lycopene trong quả đu đủ có khả năng làm giảm tình trạng da nổi mẩn đỏ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

1.9 Tăng cường thị lực

Tác dụng của đu đủ còn được kể đến trong việc hỗ trợ giúp tăng cường thị lực. Đu đủ có hàm lượng vitamin A cao rất tốt cho mắt, có tác dụng bảo vệ thị lực của bạn Do đó, ăn đu đủ sẽ giúp bạn ngăn ngừa một số vấn đề về mắt, điển hình như thoái hóa điểm vàng hay đục thủy tinh thể.

Xem thêm: Sự thật về đục thủy tinh thể? Các dấu hiệu và cách điều trị bệnh tốt nhất

1.10 Hạn chế cục máu đông

Cục máu đông trong cơ thể sẽ làm chậm tuần hoàn máu, tắc nghẽn động mạch. Trong một số trường hợp có thể gây đột quỵ hay đau tim. Thật may khi đu đủ có chứa một chất gọi là fibrin có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, làm giảm cục máu đông. Vì vậy, việc bổ sung đu đủ vào thực đơn hàng ngày là rất cần thiết.

2. Tác dụng của đu đủ đối với làn da

Không chỉ tốt cho sức khỏe, đu đủ còn là thực phẩm lành mạnh và an toàn cho làn da. Dưới đây là những lợi ích của đu đủ dành cho làn da và mái tóc:

2.1 Giảm nếp nhăn

Đu đủ giàu chất chống oxy hóa như lycopene có thể giúp chống lại các dấu hiệu lão hóa. Thường xuyên ăn đu đủ cũng giúp cải giúp giảm độ sâu của các nếp nhăn trên gương mặt.

Ngoài ra, đu đủ chứa nguồn vitamin A, C, E dồi dào giúp ngăn tổn thương tế bào, đồng thời, tăng sản xuất collagen và giữ cho làn da của bạn săn chắc, mịn màng. Thêm vào đó, đu đủ chứa các loại dầu giữ độ ẩm cho da và giảm các triệu chứng của các rối loạn về da như bệnh eczema hay bệnh vảy nến.  

2.2 Kiểm soát mụn

10-tac-dung-cua-du-du-va-3-luu-y-khi-an-loai-qua-nhiet-doi-nay-voh-2
Ăn đu đủ có thể giúp giảm mụn (Nguồn: Internet)

Các enzym papain và chymopapain trong đu đủ có thể giúp giảm viêm. Papain hòa tan protein thường xuất hiện nhiều trong các sản phẩm tẩy tế bào chết. Điều này cho thấy, đu đủ có khả năng làm giảm mụn trứng cá bằng cách loại bỏ các tế bào da chết có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Ngoài ra, chất papain cũng giúp loại bỏ chất sừng bị tổn thương có thể tích lũy trên da. Trong một nghiên cứu vào năm 2017 cho rằng, chất papain chính là một trong những phương pháp điều trị sẹo hiệu quả (8)

Đu đủ cũng giàu chất Retinol, một dạng vitamin A, có thể giúp điều trị và ngăn ngừa các tổn thương do mụn viêm.

2.3 Điều trị nám

Đu đủ dường như có thể giúp bạn giảm tình trạng nám trên da mặt. Các enzym, beta-carotene, vitamin và chất phytochemical trong đu đủ có đặc tính làm sáng da.

2.4 Dưỡng tóc

Hàm lượng vitamin A trong đu đủ có tác động tích cực đến tóc bằng cách giúp da đầu sản xuất bã nhờn để nuôi dưỡng tóc, củng cố và bảo vệ mái tóc của bạn.

2.5 Giúp mọc tóc

Theo một nghiên cứu vào năm 2018, các hợp chất trong đu đủ, bao gồm lycopene cho thấy chúng có khả năng kích thích mọc tóc mạnh mẽ. (9)

2.6 Ngăn ngừa gàu

Một trong những nguyên nhân chính gây ra gàu là do một loại nấm men có tên malassezia và hạt đu đủ có thể giúp hỗ trợ việc kiểm soát và ngăn ngừa gàu (10)

Xem thêm: Mùa hanh khô, không muốn 'gàu trắng đầu' thì nên tránh ngay 6 điều này

3. Ăn đu đủ có giúp giảm cân không?

Đu đủ giàu dưỡng chất nhưng loại trái cây này không nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên, đu đủ có thể cung cấp cho bạn một thành phần dinh dưỡng có thể hỗ trợ một chế độ ăn kiêng lành mạnh.

10-tac-dung-cua-du-du-va-3-luu-y-khi-an-loai-qua-nhiet-doi-nay-voh-3
Đu đủ có thể góp phần vào một chế độ ăn kiêng lành mạnh (Nguồn; Internet)

Đu đủ nhiều nước và ít calo nên có thể giúp bạn no lâu mà không có quá nhiều calo. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ dồi dào cũng có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, tăng cảm giác no và giảm nguy cơ ăn quá nhiều.

4. Ăn đu đủ lúc nào là tốt? 

Để hấp thu tối đa dưỡng chất, bạn có thể dùng các món ăn từ đu đủ bất cứ thời điểm nào, buổi sáng, trưa, tối hay dùng như bữa ăn nhẹ đều được, nhưng phải áp dụng đúng cách.

Với người đang bắt đầu chế độ ăn kiêng, nên sử dụng salad đu đủ vào bữa ăn đầu tiên trong ngày. Nhưng trước đó 30 phút, bạn nên dùng trước một ly sữa hạt hạnh nhân pha loãng thơm ngon hoặc một ly bột yến mạch ngũ cốc chất lượng để giúp cơ thể khỏe mạnh và làm sạch đường ruột;

Sau bữa tối, bạn hãy uống một ly sinh tố đu đủ cùng với cần tây, hành tây và nước cốt chanh hoặc ăn tráng miệng bằng đu đủ thái hạt lựu;

Có thể ăn hạt đu đủ, nhưng chỉ ăn với lượng thích hợp bởi chúng có chứa chất độc gọi là carpine. Nếu hấp thụ một lượng lớn sẽ làm bạn bị rối loạn tim mạch và làm suy nhược hệ thần kinh.

5. Những lưu ý khi ăn đu đủ

Đu đủ rất tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn đu đủ. Dưới đây là những đối tượng nên hạn chế ăn đu đủ:

  • Không ăn đu đủ khi đang bị tiêu chảy.
  • Không nên ăn đu đủ khi đã để trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên cho ăn nhiều đu đủ vì sẽ gây đi ngoài phân lỏng, bị mất nước khi bị tiêu chảy.
  • Người mắc bệnh về đường hô hấp, bị bệnh loãng máu, mắc bệnh thận, đang có vấn đề về dạ dày ruột, người cơ địa dị ứng; người đường huyết thấp, bị tiêu hóa kém hay đang tiêu chảy,… cũng không nên ăn đu đủ.
  • Phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên ăn đu đủ xanh, bởi sẽ gây co bóp tử cung dữ dội, dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non, gây hiện tượng thai lưu hay trẻ sinh ra gặp những bất thường về cơ thể.

Đu đủ vốn rất ngon và bổ dưỡng, do đó bạn hãy thêm loại trái cây ngon và lành mạnh này vào chế độ ăn uống của bạn hàng ngày để giúp da dẻ hồng hào, cơ thể khỏe mạnh nhé!