13 tác dụng của tảo xoắn với sức khỏe và sắc đẹp

(VOH) - Tác dụng của tảo xoắn được rất nhiều các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận và khuyên dùng. Tuy nhiên, nếu sử dụng loại tảo này không đúng cách, sẽ gây ra những kết quả ngược.

1. Tảo xoắn là gì?

Tảo xoắn (còn gọi là tảo spirulina hay tảo xoắn Nhật) là một loại vi tảo, dạng sợi, có màu xanh lục rất đặc trưng.

Nó là một loại vi khuẩn lam. Cũng giống như thực vật, vi khuẩn lam có thể sản xuất năng lượng từ ánh sáng mặt trời thông qua quá trình quang hợp.

Tảo xoắn sống chủ yếu ở biển và các vùng nước ngọt của khu vực khí hậu cận nhiệt đới, với điều kiện môi trường ẩm, nhiều ánh sáng mặt trời. 

14-tac-dung-cua-tao-xoan-voi-suc-khoe-va-sac-dep-voh
Tảo xoắn là một loại vi tảo có màu xanh lục (Nguồn: Internet)

Loại tảo này được tiến sĩ Clement người Pháp tình cờ phát hiện vào những năm 1960 khi đến hồ Tchad ở Trung Phi. Khi nghiên cứu, tiến sĩ Clement kết luận rằng, tảo xoắn không chỉ là một loài tảo đơn bào cổ điển mà nó còn tồn tại từ rất lâu trên Trái Đất, cùng với những mô hình đầu tiên của sự sống.

Về sau, dựa trên cơ sở những hiểu biết về di truyền, sinh lý học và các đặc tính hóa sinh, các nhà khoa học đã xếp tảo xoắn vào nhóm vi khuẩn gọi là vi khuẩn lam (Cyanobacteria).

2. Khám phá 13 tác dụng của tảo xoắn với sức khỏe và sắc đẹp

Người ta coi tảo xoắn là một loại "siêu thực phẩm" do hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời và những lợi ích sức khỏe của nó. Dưới đây là 13 lợi ích mà bạn có thể nhận được khi thêm tảo xoắn vào chế độ ăn uống của mình.

2.1 Giàu chất dinh dưỡng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO/OMS) công nhận tảo xoắn là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người bởi các thành phần dinh dưỡng sau đây:

Protein dồi dào

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận tảo xoắn là một trong những nguồn protein thực vật tốt nhất. Cụ thể, hàm lượng protein trong tảo xoắn đạt mức 56% - 77% trọng lượng khô, cao hơn 3 lần so với thịt bò và 2 lần so với đậu tương.

Hàm lượng vitamin cao

Trong 28g tảo xoắn chứa:

  • Vitamin B1:  44%DV (DV: Daily value - Giá trị hàng ngày)
  • Vitamin B2: 60%DV 
  • Vitamin B3: 18% 
  • Caroten: 4000mg trong đó β-Caroten khoảng 1700 mg (cao hơn 1000% so với cà rốt)
  • Axit folic: 0.5 mg
  • Inosit: 500 - 1000 mg

Cùng nhiều vitamin khác như vitamin A,C và vitamin E với nồng độ đáng kể.

Giàu khoáng chất

Với 28g tảo xoắn có thể cung cấp:

  • Sắt: 44%DV (cao hơn 5.000% trong rau chân vịt)
  • Đồng: 85%DV
  • Mangan: 27%DV
  • Magie: 14%DV
  • Selenium: 3%DV

Đặc biệt, hàm lượng canxi, kali, photpho đều nằm trong khoảng 1000 - 3000 mg/kg hoặc cao hơn.

Ngoài ra, trong tảo xoắn phần lớn chứa axit béo không no, trong đó axit linoleic 13.784 mg/kg, γ-linoleic 11.980 mg/kg. Đây là điều hiếm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên khác.

Bên cạnh đó, hàm lượng cacbonhydrat chiếm khoảng 16.5% có trong loại tảo này đang được nghiên cứu về tác dụng chống ung thư.

2.2 Giúp hạ huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ

Tình trạng huyết áp cao chính là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đau tim và tăng nguy cơ đột quỵ.

Các nghiên cứu đã cho thấy, dùng khoảng 4.5g tảo xoắn mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp đáng kể và trở về mức điều hòa ổn định.

14-tac-dung-cua-tao-xoan-voi-suc-khoe-va-sac-dep-1voh
Tảo xoắn hỗ trợ kiểm soát huyết áp (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân nằm ở việc tảo xoắn có khả năng làm gia tăng việc sản xuất oxit nitric - phân tử giúp giãn mạch máu.

2.3 Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim 

Tim mạch là bệnh lý xuất hiện âm thầm nhưng đem đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Tác dụng của tảo xoắn là làm giảm lượng triglyceride, cholesterol xấu (LDL) và tăng lượng cholesterol tốt (HDL) trong máu, từ đó đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Ngoài ra, khi quá trình peroxy hóa lipid tăng cao, cấu trúc lipid bị tổn thương, dẫn đến Lipoprotein LDL trong máu bị oxy hóa làm tăng nguy cơ tim mạch.

Với đặc tính chống oxy hóa, tảo xoắn sẽ làm giảm quá trình peroxy hóa lipid. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, tảo xoắn cũng làm tăng lượng enzyme chống oxy hóa trong máu.

Xem thêm: Điều bạn nên biết sớm về rối loạn chuyển hóa lipid máu (rối loạn mỡ máu)

2.4 Tác dụng của tảo xoắn điều trị ung thư gan

Các vi chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch như beta-carotene, phycocyanin và polysaccharide, tất cả đều được tìm thấy trong tảo xoắn với hàm lượng cao.

Những chất này giúp tăng số lượng bạch cầu, phá hủy các gốc tự do (nguyên nhân chính gây ra các khối u ở gan) và giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

2.5 Chống oxy hóa và chống viêm

Các phản ứng oxy hóa có thể gây tổn thương lên ADN và các tế bào trong cơ thể, gây ra viêm mãn tính, dẫn đến mắc phải các bệnh lý phức tạp và nguy hiểm.

14-tac-dung-cua-tao-xoan-voi-suc-khoe-va-sac-dep-2voh
Tảo xoắn hỗ trợ quá trình chống viêm (Nguồn: Internet)

Do đó, việc sử dụng tảo xoắn chính là một sự lựa chọn hoàn hảo, bởi trong thành phần của chúng chứa hàm lượng phycocyanin dồi dào. Đây chính là chất có khả năng chống lại các gốc tự do và ức chế sản xuất các phân tử làm nhiệm vụ truyền tín hiệu gây viêm. Từ đó, cơ thể hạn chế được các nguy cơ do oxy hóa và tình trạng viêm xảy ra.

2.6 Chống ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng

Nhiều thí nghiệm trên động vật đã cho thấy tác dụng của tảo xoắn là giảm nguy cơ xuất hiện các khối u cũng như bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng.

Sử dụng tảo xoắn giúp các triệu chứng có sự cải thiện đáng kể. Điều này đã được chứng minh trong một vài nghiên cứu ở Ấn Độ. Tuy nhiên, khi ngưng sử dụng loại tảo này thì các triệu chứng lại có dấu hiệu quay trở lại. 

Trong một nghiên cứu khác, so với việc dùng thuốc Pentoxyfilline, bổ sung tảo xoắn còn giúp cải thiện sức khỏe hiệu quả hơn cho các bệnh nhân tiền ung thư.

2.7 Tác dụng của tảo xoắn chữa viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng giống như cảm lạnh bao gồm sổ mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, hắt hơi và tăng áp lực xoang.

Nhưng không giống như cảm lạnh, viêm mũi dị ứng không phải do virus gây ra mà do phản ứng của cơ thể với các dị nguyên, chẳng hạn như phấn hoa, bụi hoặc lông của mèo, chó và các động vật khác.

Sử dụng tảo xoắn làm giảm đáng kể các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. 

2.8 Giúp chống thiếu máu

Có nhiều dạng thiếu máu khác nhau. Phổ biến nhất là giảm hemoglobin hoặc hồng cầu trong máu. Thiếu máu khá phổ biến ở người lớn tuổi, dẫn đến cảm giác suy nhược và mệt mỏi kéo dài.

Trong một nghiên cứu ở 40 người lớn tuổi có tiền sử thiếu máu, việc bổ sung tảo xoắn làm tăng hàm lượng hemoglobin của tế bào hồng cầu và cải thiện chức năng miễn dịch.

2.9 Cải thiện sức mạnh và độ bền của cơ

Tổn thương oxy hóa do tập thể dục là nguyên nhân chính gây ra mệt mỏi cơ. Một số loại thực phẩm thực vật có đặc tính chống oxy hóa có thể giúp các vận động viên và những người hoạt động thể chất giảm thiểu tình trạng này.

14-tac-dung-cua-tao-xoan-voi-suc-khoe-va-sac-dep-3voh
Tảo xoắn giúp tăng độ bền cơ (Nguồn: Internet)

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác dụng của tảo xoắn giúp cải thiện sức mạnh và độ bền của cơ bắp, làm tăng đáng kể thời gian hoạt động thể chất của cơ thể.

2.10 Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu

Các nghiên cứu cho thấy tảo xoắn làm giảm đáng kể lượng đường trong máu. Trong một số trường hợp, nó có còn cho hiệu quả tốt hơn Metformin - một loại thuốc thường dùng để điều trị tiểu đường.

Ngoài ra, tảo xoắn giúp giảm chỉ số HbA1c từ 9% xuống 8%. Các nghiên cứu ước tính rằng giảm 1% HbA1c có thể làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh tiểu đường xuống 21%.

2.11 Tác dụng của tảo xoắn hỗ trợ sức khỏe tâm thần

Tảo xoắn là nguồn cung cấp tryptophan - một axit amin hỗ trợ sản xuất serotonin. Serotonin đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần.

Những người mắc một số tình trạng bệnh lý tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng sẽ bị giảm mức serotonin. Bổ sung tryptophan giúp duy trì mức serotonin có lợi cho sức khỏe. Từ đó, hỗ trợ điều trị hiệu quả các triệu chứng về tâm thần.

Xem thêm: Muốn hết bệnh trầm cảm bạn nên biết các loại thực phẩm sau

2.12 Tảo xoắn giảm cân

Tảo xoắn là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và ít calo. Trong 28g tảo xoắn có tới 16g protein nhưng chỉ chứa 80 calo. Thêm tảo xoắn vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm cân mà không bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Trong một nghiên cứu, những người thừa cân thường xuyên ăn tảo xoắn trong 3 tháng có chỉ số BMI được cải thiện.

Dùng tảo xoắn có thể làm tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng. Nó cũng làm tăng số lượng calo đốt cháy mỗi ngày và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

2.13 Tác dụng của tảo xoắn với làn da

Khi dùng ngoài da, tảo xoắn giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và vẻ đẹp rạng rỡ cho làn da, góp phần làm giảm viêm, làm săn chắc da và tăng cường sự thay đổi tế bào để thúc đẩy làn da trẻ trung hơn.

14-tac-dung-cua-tao-xoan-voi-suc-khoe-va-sac-dep-4voh
Tảo xoắn giúp trẻ hóa làn da (Nguồn: Internet)

Chứa đầy năng lượng với các chất chống oxy hóa, tảo xoắn là chất giải độc tối ưu mà làn da cần.

3. Cách sử dụng tảo xoắn

Liều tiêu chuẩn hàng ngày của tảo xoắn là 1-3 gam, nhưng có thể dùng tối đa đến 10 gam mỗi ngày tùy mục đích sử dụng.

Tảo xoắn được mọi người dùng như một thực phẩm, một chất bổ sung trong chế độ ăn uống. Dưới dạng bột, mọi người có thể:

  • Thêm vào sinh tố, làm cho đồ uống có màu xanh lục.
  • Rắc bột tảo xoắn lên món salad hoặc trong súp.
  • Kết hợp trong thanh protein.
  • Uống chung nước ép trái cây hoặc rau củ.

Tảo xoắn cũng được sử dụng như một chất bổ sung dưới dạng viên nén.

Với tác dụng dưỡng da, trộn 1 muỗng canh bột tảo xoắn với mật ong, sữa chua hoặc sữa tươi không đường. Rửa mặt sạch và đắp hỗn hợp vừa trộn lên da. Giữ nguyên trong 20 phút rồi rửa lại bằng nước ấm.

4. Một số điểm cần lưu ý trước khi dùng tảo xoắn

Tảo xoắn có rất nhiều tác dụng và là chất bổ sung tuyệt vời. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng nó. Trước khi quyết định thêm tảo xoắn vào chế độ ăn, hãy cùng tìm hiểu những lưu ý dưới đây.

4.1 Những người không nên dùng tảo xoắn

Người mắc bệnh đa xơ cứng, bệnh lupus ban đỏ, bệnh viêm khớp không nên sử dụng loại tảo này vì nó có thể tăng cường hệ miễn dịch, làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Người mắc bệnh Phenylketonuria cũng nên hạn chế tránh sử dụng tảo xoắn.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng loại tảo này.

 4.2 Tương tác với thuốc

Những người đang sử dụng một số loại thuốc sau cần hạn chế hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi quyết định dùng tảo xoắn.

  • Người đang sử dụng loại thuốc chống đông thì không nên sử dụng tảo xoắn, ảnh hưởng của 2 thành phần này sẽ gây hại đến cơ thể, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khó lường.
  • Tảo xoắn có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng để điều trị các bệnh tự nhiễn và chống loại thải miễn dịch khi cấy ghép nội tạng.

4.3 Tác dụng phụ khi sử dụng tảo xoắn

Tảo xoắn an toàn với người sử dụng nhưng nếu chất lượng tảo xoắn không đảm bảo hoặc dùng quá liều có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn sau.

Tảo xoắn có thể chứa kim loại nặng

Một trong những đặc tính nổi bật của tảo xoắn là có khả năng hấp thụ các kim loại nặng, từ đó giúp cơ thể thải các chất độc trong cơ thể.

Tuy nhiên, đó cũng là một mối tiềm ẩn rất nguy hiểm nếu nguồn tảo được nuôi trồng hay khai thác trong môi trường ô nhiễm.

14-tac-dung-cua-tao-xoan-voi-suc-khoe-va-sac-dep-5voh
Tảo xoắn được khai thác từ môi trường ô nhiễm rất nguy hiểm cho người dùng (Nguồn: Internet)

Điều này có thể làm tổn thương đến gan, gây buồn nôn, khát nước, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, sốc và thậm chí gây tử vong, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Gây nhiễm độc thận

Hàm lượng protein trong tảo xoắn dồi dào, giúp thúc đẩy sản sinh nhiều amoniac để phục vụ cho quá trình chuyển hóa. Chính điều này khiến cơ thể tích tụ nhiều ure.

Khi lượng ure cao, thận phải làm việc vất vả hơn để loại bỏ một lượng ure đáng kể ra khỏi máu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận hay suy thận.  

Gây phù chân tay hoặc biến đổi trọng lượng cơ thể, đặc biệt là ở bệnh nhân cường giáp

Một trong những khoáng chất được tìm thấy nhiều nhất trong tảo xoắn là iod. Bổ sung quá nhiều iod có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp và tuyến cận giáp. Những triệu chứng này rõ rệt hơn ở những người bị cường giáp, gây phù nề hoặc làm trọng lượng cơ thể biến động.

Tảo xoắn có hàm lượng protein và vitamin cao, nên nó trở thành một chất bổ sung chế độ ăn uống tuyệt vời cho những người ăn chay hoặc thuần chay. Tác dụng của tảo xoắn đối với cơ thể đã được rất nhiều nghiên cứu chứng minh và các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Tuy nhiên cần chú ý sử dụng đúng liều lượng để không làm phản tác dụng của loại tảo này.