Bưởi: Tác dụng, tác hại, hướng dẫn cách chọn và lưu ý khi ăn

(VOH) –  Khi các phiên chợ cuối năm chộn rộn cũng là thời điểm thu hoạch bưởi ở khắp các vùng miền. Trái bưởi tròn đầy và bổ sung nhiều dưỡng chất đã trở thành thức quả yêu thích của rất nhiều người.

Tại mỗi vùng miền ở Việt Nam sẽ canh tác những giống bưởi khác nhau như bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi đào, bưởi lá cam. Hình dáng và màu sắc của mỗi loại bưởi có thể khác nhau nhưng công dụng đối với sức khỏe của chúng vẫn luôn được đánh giá cao. 

1. Đặc điểm của cây bưởi 

Bưởi có tên khoa học là citrus maxima, thuộc chi Cam chanh, chủ yếu được canh tác trồng như một cây ăn quả, song vẫn có số ít gia đình lựa chọn bưởi trưng làm cây cảnh vào các dịp lễ Tết. 

1.1 Đặc điểm

Cây bưởi là cây ăn quả thuộc dòng cây thân gỗ, thông thường sẽ sinh trưởng và phát triển đạt tới chiều cao từ 5 - 10m. Nếu quan sát kĩ phần thân cây sẽ thấy có màu vàng nhạt và chảy nhựa ở các kẽ nứt. Trong quá trình thu hoạch bưởi, người làm vườn cần phải cẩn thận, tỉ mỉ để tránh bị thương do gai nhọn trên cành đâm trúng. 

buoi-tac-dung-tac-hai-huong-dan-cach-chon-va-luu-y-khi-an-voh-0
Bưởi thuộc loại cây thân gỗ, thường cao từ 5 - 10m (Nguồn: Internet) 

Ta thường hay nhẫm lẫn bưởi và bòng là cũng một loại trái nhưng thực tế đây lại là hai giống quả khác nhau. Trái bòng thường tròn, nhỏ hơn trái bưởi. Theo đó, mỗi trái bưởi trung bình sẽ có đường kính từ khoảng 18 - 20 cm, còn kích thước này của trái bòng chỉ dao động trong khoảng 13 - 15 cm. Ngoài ra, hương vị của bưởi sẽ đậm đà, ngọt hơn vị của bòng. 

Đặc biệt, cứ vào độ tháng 2 - 3 hàng năm, ở một số tỉnh thành phía Bắc, không khó để bắt gặp hình ảnh bông hoa bưởi xinh xắn trên những gánh hàng hoa, tỏa hương thơm ngát. 

1.2 Phân bố

Theo nhiều tài liệu, cây bưởi vốn có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, thích hợp trồng trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, nhưng chủ yếu phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 - 30 độ C.  

Dọc khắp các vùng miền của Việt Nam, đều có thể tìm thấy nhiều giống bưởi ngon. Ở khu vực phía Bắc, không thể quên nhắc tới các địa danh nổi tiếng canh trồng bưởi như Phúc Diễn (Hà Nội), Đoan Hùng (Phú Thọ). Còn xuôi vào phía Nam, ta biết đến miền đất Đồng Nai, Vĩnh Long hay Đồng Nai.

Phụ thuộc vào tính chất đất của mỗi địa phương, hương vị của trái bưởi cũng có đôi chút khác biệt, có loại bưởi vị ngọt lịm nhưng cũng có loại đem đến vị chua chua giôn giốt. Với lý do khác biệt về điều kiện canh tác, nên thời gian thu hoạch của các giống bưởi cũng không hoàn toàn giống nhau, thời điểm ra trái sẽ rải rác kéo dài từ tháng 7 cho đến hết năm, giáp Tết. 

2. Tác dụng của bưởi 

Bưởi được xếp vào nhóm trái cây cung cấp lượng lớn vitamin C, nước cũng như chất xơ. Tùy theo giống cây trồng, bưởi có thể có vị chua, dôn dốt hoặc ngọt.

Sẽ thật thiếu sót nếu bạn vốn chỉ quen thưởng thức những múi bưởi, vì các bộ phận khác của trái bưởi cũng đem đến rất nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng.

buoi-tac-dung-tac-hai-huong-dan-cach-chon-va-luu-y-khi-an-voh-1
Hầu hết các bộ phận của bưởi đều cung cấp hoạt chất tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet) 

2.1 Múi bưởi 

Phần múi bưởi có chứa các tép bưởi mọng nước, bổ sung dồi dào chất khoáng kali, vitamin C, hỗ trợ giảm cân và bù nước cho cơ thể.

Cùng với đó, kali cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy tuần hoàn máu, phòng tránh các bệnh lý tim mạch cũng như giảm nguy cơ bệnh tiểu đường tiến triển nặng. 

Xem thêm: Nhâm nhi múi bưởi mọng nước suốt bao mùa mà không chán vì nhiều chất dinh dưỡng giúp bạn ‘đẹp từ trong ra ngoài’

2.2 Cùi bưởi  

Cùi bưởi có màu trắng, bao quanh các múi bưởi, vị hơi đắng. Cùi bưởi chứa hoạt chất pectin giúp cơ thể hạn chế hấp thu chất béo, khống chế tình trạng rối loạn mỡ máu xảy ra. 

2.3 Hạt bưởi

Cũng giống như cùi bưởi, hạt bưởi tươi có chứa tới 16% hàm lượng chất pectin, đóng vai trò như một chất xơ hòa tan giúp làm giảm đường huyết trong máu, đây cũng là thành phần quan trọng trong các loại thuốc cầm máu. 

Xem thêm: ‘Sành ăn’ bưởi thì chớ quên ‘để dành’ hạt bưởi kẻo bỏ phí tinh chất phòng và chữa bệnh cực kì tốt

2.4 Vỏ bưởi 

Hầu hết tinh dầu bưởi được chiết xuất từ vỏ bưởi để sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc và làm đẹp da cho các chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, nhờ có tính ấm, vị cay và hơi đắng, vỏ bưởi cũng góp mặt trong khá nhiều bài thuốc điều trị các bệnh đường hô hấp. 

Xem thêm: 8 lợi ích của vỏ bưởi giúp chị em vừa đẹp vừa thơm

2.5 Lá bưởi

Lá bưởi có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng, thường kết hợp với lá chanh, sả, hương nhu, lá tre để xông hơi hay đắp trực tiếp nhằm giảm đau đầu, sưng viêm. 

Xem thêm: Không hề ‘kém cạnh’ các loại thảo dược khác, lá bưởi là dược liệu ‘cực xịn’ với 6 tác dụng thần kì

3. Bà bầu ăn bưởi được không?

Trong giai đoạn dưỡng thai bà bầu hoàn toàn có thể ăn bưởi. Vị chua chua của bưởi chắc chắn sẽ “lấy lòng” được các chị em, đặc biệt trong thời kì mang thai, những tép bưởi còn giúp mẹ bầu vượt qua cơn ốm nghén, chán ăn.

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe từ việc ăn bưởi dành cho cả mẹ và bé: 

  • Bổ sung axit folic, ngăn ngừa dị tật thai nhi. 
  • Cung cấp lượng vitamin C dồi dào, cải thiện tình trạng rạn da.
  • Tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm. 
  • Kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. 
  • Hoạt chất kali giúp bù nước cho cơ thể. 
  • Thúc đẩy vận động, giảm đau nhức xương khớp nhờ hàm lượng canxi. 
buoi-tac-dung-tac-hai-huong-dan-cach-chon-va-luu-y-khi-an-voh-2
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn bưởi trong thai kì (Nguồn: Internet) 

Cần lưu ý rằng mẹ bầu không nên ăn quá nhiều bưởi liền một lúc, dẫn đến dư thừa vitamin C, gây chứng ợ nóng, tiêu chảy. 

Xem thêm: Mẹ bầu vốn đã đổ 'đứ đừ' với bưởi nhưng sẽ càng thích ăn hơn nữa nếu biết 11 lợi ích này

4. Tác dụng của bưởi với trẻ 

Trong chế độ ăn dặm của trẻ 12 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể cho bé dùng thêm bưởi sau mỗi bữa ăn chính. Với vị ngọt thanh, chua nhẹ, bưởi có thể trở thành món khoái khẩu của các bạn nhỏ. Không chỉ ăn ngon miệng mà bưởi còn giúp cải thiện sức khỏe của trẻ với những công dụng sau đây: 

  • Duy trì hoạt động của nhu động ruột, kích thích tiêu hóa. 
  • Cải thiện khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn, vi rút gây bệnh. 
  • Tăng cường sản xuất collagen, góp phần hình thành nên phần nướu, lợi. 
  • Hỗ trợ làm lành các vết thương ngoài da. 

Khi cho trẻ ăn bưởi, mẹ cần đảm bảo rằng con không mắc tiêu chảy hay đang điều trị thuốc. Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bưởi, mỗi ngày chỉ cần ăn từ 2 – 3 múi bưởi hoặc uống khoảng 120-180ml nước ép bưởi.  

Xem thêm: 6 tác dụng không ngờ khi cho trẻ ăn bưởi mẹ không nên bỏ qua

5. Hướng dẫn cách chọn bưởi ngon

Mỗi giống bưởi sẽ có những tiêu chí đánh giá mức độ ngon riêng biệt, tuy nhiên để chọn được trái bưởi ưng ý, nhìn chung có một số bí quyết sau. 

buoi-tac-dung-tac-hai-huong-dan-cach-chon-va-luu-y-khi-an-voh-3
Bưởi có vỏ càng mỏng càng ngon (Nguồn: Internet) 
  • Nên chọn những trái bưởi có vỏ mỏng, các nốt gai trên vỏ to và đều nhau. 
  • Có thể vỗ thử, nghe thấy âm thanh "tách tách" thì trái già, mọng nước. 
  • Cuống lá còn tươi, gắn chặt với trái. 
  • Chọn trái to vừa phải, nặng khoảng 1 - 1.5kg.

Xem thêm: Mẹo giúp bạn chọn được bưởi ngọt ngon, không phải ‘bàng hoàng’ khi bóc mở ‘sản phẩm’

6. Một số món ngon từ bưởi 

Bên cạnh việc ăn trực tiếp, bưởi cũng là nguyên liệu gia tăng thêm vị ngon cho rất nhiều món ăn, từ món tráng miệng tới các món ăn chính. 

  • Gỏi bưởi
  • Salad bưởi 
  • Chả lá bưởi 
  • Mứt bưởi
  • Chè bưởi 
  • Sữa chua nóng vị bưởi

Những món ăn ngọt mát có vị bưởi rất dễ thực hiện, ăn kèm cùng các món ăn chiên xào nhiều giàu mỡ, bạn sẽ không còn cảm thấy ngán ngấy.

Xem thêm: Tận dụng ngay loại trái cây thường ăn nhiều dịp đầu năm để làm ra nhiều món ngon hấp dẫn

7. Tác hại của bưởi 

Dù là một loại trái cây nhiệt đới đem đến rất nhiều vitamin C, chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể nhưng khi sử dụng quá nhiều bưởi, các lợi ích sẽ giảm xuống đáng kể. Cùng với đó, nguy cơ cao sẽ mắc phải những vấn đề sức khỏe sau đây: 

buoi-tac-dung-tac-hai-huong-dan-cach-chon-va-luu-y-khi-an-voh-4
Không nên ăn quá nhiều bưởi cùng một lúc vì có thể hạ nhiệt cơ thể quá mức (Nguồn: Internet) 
  • Hệ tiêu hóa chứa nhiều nước, gây tiêu chảy.
  • Rối loạn nhịp tim do dư thừa kali trong máu. 
  • Làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh suy thận. 
  • Hạ nhiệt cơ thể quá mức, ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ, gây chóng mặt, đau đầu. 

Xem thêm: Hội mê ăn bưởi đâu rồi, hãy nhớ ăn bưởi theo cách này để tránh 'nguy to' mang bệnh vào người

8. Lưu ý ăn bưởi đúng cách 

Nhằm hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra khi ăn bưởi, cần thực hiện một số lưu ý quan trọng để ăn bưởi đúng cách:

  • Không ăn bưởi khi bụng còn đói vì lượng axit citric trong bưởi sẽ gây viêm loét dạ dày. 
  • Thời điểm tốt nhất để ăn bưởi là sau bữa sáng khoảng 30 phút – 1 tiếng. 
  • Tuyệt đối không ăn bưởi khi đang mắc tiêu chảy, mất nước. 
  • Nếu đang điều trị và sử dụng thuốc, nên hạn chế ăn bưởi. 
  • Không ăn bưởi cùng cà rốt, dưa chuột, gan lợn, các loại hải sản, đặc biệt là cua. 
  • Có tiền sử bệnh lý tim mạch, suy thận thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bưởi. 

Xem thêm: 8 dấu hiệu suy thận mà nhiều người thường chủ quan bỏ qua

9. Thành phần dinh dưỡng của bưởi 

Dưới đây là các chỉ số hàm lượng dinh dưỡng trong 100g bưởi:

  • Nước: 91.4 g
  • Năng lượng: 30 Kcal
  • Chất đạm: 0.2 g
  • Chất xơ: 0.7 g
  • Canxi: 23 mg
  • Sắt: 0.5 mg
  • Magie: 6 mg
  • Mangan: 0.02 mg
  • Photpho: 18 mg
  • Kali: 159 mg
  • Natri: 3 mg
  • Kẽm: 0.16 mg
  • Đồng: 120 µg
  • Vitamin C: 95 mg
  • Vitamin B1: 0.04 mg
  • Vitamin B2: 0.02 mg
  • Vitamin PP: 0.3 mg
  • Vitamin B6: 0.036 mg

Có thể thấy, bưởi là loại trái cây bổ dưỡng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên dù có “mê tít” vị thanh mát của trái bưởi thì hãy nhớ rằng cần ăn một lượng hợp lý, để không mắc phải các tác dụng phụ nguy hiểm nhé.