Dị ứng đậu phộng: Triệu chứng, nguyên nhân và phòng ngừa

(VOH) - Đậu phộng là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể thoải mái sử dụng vì chúng có thể khiến bạn bị dị ứng. Vậy làm sao nhận biết được dị ứng đậu phộng để có thể phòng ngừa?

Đối với người mắc chứng dị ứng đậu phộng, chỉ cần tiếp xúc với một lượng nhỏ đậu phộng cũng rất nguy hiểm. Tùy thuộc vào cơ địa, phản ứng của mỗi người khi ăn đậu phộng sẽ khác nhau. 

1. Triệu chứng của dị ứng đậu phộng 

Bước đầu để xác định có mắc dị ứng đậu phộng hay không, bạn cần quan sát những chuyển biến bất thường trên cơ thể khi ăn đậu phộng hoặc các chế phẩm từ đậu phộng. Một số triệu chứng điển hình của dị ứng đậu phộng bao gồm:

  • Phát ban: Trên da có thể xuất hiện những nốt nhỏ, màu đỏ, gây ngứa ngáy. Trong trường hợp nặng, có thể nổi mề đay, sưng to xung quanh vùng miệng hoặc mắt. Đây có thể coi là dấu hiệu phổ biến nhất để nhận biết dị ứng. 
  • Tiêu chảy: Khi mắc dị ứng, hệ tiêu hóa của cơ thể sẽ không hoạt động như bình thường, bạn có thể đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày.
  • Nôn/Ói: Cơ thể không tiếp nạp các chất có trong đậu phộng sẽ dẫn đến đến tình trạng cồn cào trong bụng và cảm thấy buồn nôn. 
  • Khó thở: Các cơ quan của hệ hô hấp làm việc không hiệu quả, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thở khò khè, thậm chí là khó thở hoặc không thở được.
  • Ngất xỉu: Khó thở gây ảnh hưởng tới quá trình cung cấp oxy cho não bộ, việc không nhận đủ lượng oxi dẫn đến choáng váng, ngất xỉu và mất ý thức. 
voh.com.vn-di-ung-dau-phong-0
Phát ban đỏ là dấu hiệu để nhận biết dị ứng đậu phộng (Nguồn: Internet)

Xem thêm: Những điều cần biết để chăm sóc người bệnh sốt phát ban đúng cách

2. Nguyên nhân gây dị ứng đậu phộng

Dù thơm ngon và bổ dưỡng nhưng đậu phộng lại được xem là một trong các loại thực phẩm gây dị ứng nghiệm trọng. 

Hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể đặc hiệu có tên gọi là immunoglobulin E (lgE ) - kháng thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân được cho là có hại khi cơ thể nhận diện protein “lạ” có trong đậu phộng. Đây được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng đậu phộng. 

Bạn có thể bị dị ứng đậu phộng theo các con đường trực tiếp (ăn đậu động phộng hoặc các chế phẩm từ đậu phộng) và gián tiếp (hít phải bụi hoặc khí dung có chứa đậu phộng từ bột đậu phộng, dầu đậu phộng).

2.1. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc dị ứng đậu phộng 

Cũng giống như các bệnh dị ứng khác, dị ứng đậu phộng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên, cần đặc biệt lưu tâm các nhóm đối tượng được nhắc tới dưới đây.

  • Trẻ nhỏ: Trẻ em là nhóm có tỉ lệ mắc dị ứng khá cao vì hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, cơ thể khá nhạy cảm với các hoạt chất lạ. Có thể theo thời gian, khi các cơ quan dần phát triển hoàn thiện, chứng dị ứng đậu phộng sẽ tự hết.
  • Gia đình có tiền sử bị dị ứng: Trong trường hợp gia đình bạn có thành viên bị dị ứng đậu phộng, khả năng bạn bị dị ứng đậu phộng rất dễ xảy ra. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra gen EMSY (mã hóa protein đậu phộng) chịu trách nhiệm cho di truyền và dẫn đến sự gia tăng nguy cơ dị ứng đậu phộng. 
  • Cơ địa dị ứng: Khi bạn đã bị dị ứng với một loại thức ăn khác, bạn có thể có nguy cơ cao bị dị ứng với đậu phộng. 
  • Viêm da dị ứng: Nếu đang mắc viêm da dị ứng (eczema), nguy cơ mắc dị ứng đậu phộng khá lớn. 

3. Biến chứng từ dị ứng đậu phộng

Không chỉ dừng lại ở phát ban đỏ hay ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dị ứng đậu phộng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.  

voh.com.vn-di-ung-dau-phong-1
Dị ứng đậu phộng có thể gây sốc phản vệ (Nguồn: Internet)
  • Sốc phản vệ: Dị ứng đậu phộng có thể gây sốc phản vệ, huyết áp giảm nhanh, đường hô hấp co thắt, gây khó thở và dẫn đến bất tỉnh, nếu không kịp thời đưa tới các cơ sở y tế có thể tắt thở.
  • Tổn thương niêm mạc: Khi dị ứng đậu phộng diễn biến nặng có thể dẫn tới tổn thương niêm mạc mắt hoặc miệng, sưng đỏ, gây đau nhức. 
  • Tắc nghẽn đường hô hấp: Tắc nghẽn đường hô hấp xảy ra khi khí quản, thanh quản và cuống họng bị chặn lại, đường thở bị sưng phồng dẫn đến không có đủ oxy vào cơ thể.

Xem thêm: ‘Nằm lòng’ những biện pháp này để chủ động phòng bệnh đường hô hấp khi nắng – mưa thất thường

4. Chẩn đoán và phòng tránh dị ứng đậu phộng

Nếu có những dấu hiệu khác lạ khi sử dụng đậu phộng, cần dừng ăn và theo dõi tình hình sức khỏe. Tiếp đó,  bạn cần nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán nguy cơ mắc dị ứng đậu phộng và được tư vấn hướng điều trị. 

4.1. Các phương pháp chẩn đoán dị ứng đậu phộng 

Muốn chẩn đoán đúng và xác định liệu bạn có mắc dị ứng đậu phộng hay không, các chuyên gia y tế cần tiến hành thăm khám, xét nghiệm nghiêm ngặt. 

  • Kiểm tra thực đơn ăn uống: Các bác sĩ sẽ xác định loại thực phẩm bạn ăn vào thời điểm gần nhất trước khi xuất hiện các triệu chứng, tính toán triệu chứng kéo dài bao lâu thì thuyên giảm.
  • Thử nghiệm trực tiếp: Bạn được yêu cầu sử dụng đậu phộng hoặc các sản phẩm từ đậu phộng với liều lượng tăng dần trong một khoảng thời gian tại cơ sở ý tế. (đảm bảo có thuốc đặc trị như epinephrine và các thiết bị hỗ trợ khẩn cấp để xử lý nếu bạn có một phản ứng nghiêm trọng.)

4.2. Phòng tránh dị ứng đậu phộng

Điều trị dứt điểm chứng dị ứng đậu phộng là điều không dễ dàng, chính vì vậy bạn cần ghi nhớ một vài lưu ý sau để phòng tránh cũng như không để tình trạng dị ứng trở nên nặng hơn. 

  • Kiểm soát thành phần các món ăn hàng ngày của mình, cẩn trọng với thực phẩm chế biến từ đậu phộng.
  • Quá trình chọn mua hạt đậu phộng cần cẩn thận, mặc dù đây là loại thực phẩm lành tính nhưng trong thành phần của nó có thể chứa các chất không phù hợp với cơ địa của chúng ta.
  • Với người dị ứng đậu phộng, nên sử dụng loại dầu đậu phộng tinh luyện, đã được tách thành phần protein ra khỏi đậu phộng bằng các quá trình cơ học và hóa học, loại bỏ hầu như tất cả các chất gây dị ứng. 

Tuy là loại thực phẩm dễ chế biến, đem lại cảm giác ngon miệng nhưng khi sử dụng đậu phộng nên theo dõi và để ý những dấu hiệu lạ của cơ thể để kịp thời điều trị chứng dị ứng đậu phộng. Nếu bị dị ứng đậu phộng tốt nhất cần tìm kiếm và sử dụng các nguồn thực phẩm khác để bổ sung thêm các dưỡng chất.