Có nên áp dụng phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể không?

(VOH) – Nhịn ăn thanh lọc cơ thể đang trở thành một phương pháp ‘detox’ nhận được khá nhiều tín nhiệm và áp dụng khá rộng rãi. Nhưng liệu rằng trào lưu ‘làm sạch cơ thể’ như vậy có thực sự an toàn?

Chúng ta biết rằng cơ thể con người vốn đã được trang bị sẵn các “bộ lọc” tự nhiên như gan, thận hay da,…đảm nhiệm vai trò đào thải các chất độc nguy hại ra bên ngoài.

Tuy nhiên, không ít người quan niệm rằng để giảm bớt “gánh nặng” cho những cơ quan này, cần chủ động nhịn ăn, nhịn uống, hạn chế tiếp nạp thực phẩm, từ đó giảm nguy cơ tích tụ độc tố. Điều này có đúng không và có nên áp dụng nhịn ăn thanh lọc cơ thể? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời.

1. Có nên áp dụng nhịn ăn thanh lọc cơ thể không?

Có thể nói, cho tới nay chưa có y thư nào chứng minh tính hiệu quả của phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể. Theo đó, các “biến tướng” khuyến khích thải độc bằng cách nhịn ăn phần lớn tới từ việc chưa hiểu ngọn ngành nguyên lý của một số bộ môn khí công – đòi hòi phải tập luyện và điều chỉnh chế độ ăn uống dưới sự giám sát cùng hướng dẫn nghiêm ngặt từ những chuyên gia.

co-nen-ap-dung-phuong-phap-nhin-an-thanh-loc-co-the-khong-voh-0
Tuyệt đối không nhịn ăn thanh lọc cơ thể nếu không có sự tư vấn từ bác sĩ (Nguồn: Internet)

Chính vì thế, tuyệt đối không nên nhịn ăn thanh lọc cơ thể hay không tiếp nạp bất cứ thực phẩm, thức uống nào trong nhiều ngày liên tục khi chưa có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

2. Tác dụng phụ khi lạm dụng nhịn ăn thanh lọc cơ thể

Việc áp dụng nhịn ăn thanh lọc cơ thể quá đà và không theo dõi đúng thực trạng sức khỏe của bản thân sẽ khiến bạn phải đối mặt với những tác dụng cực kì nghiêm trọng dưới đây:

2.1 Mất nước

Không ít người “theo đuổi” phương pháp nhịn khô thanh lọc cơ thể, tức là nhịn cả ăn và uống tất cả loại nước từ 1 – 3 ngày. Thế nhưng cách thức này hoàn toàn phi khoa học bởi cơ thể chúng ta luôn cần phải được cung ứng đủ 2 lít nước mỗi ngày, nhằm phòng tránh tình trạng mất ước, dẫn tới gián đoạn quá trình thải độc.

Xem thêm: Bất ngờ với những hậu quả khi cơ thể bị mất nước, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ

2.2 Hạ đường huyết quá mức

Theo các phân tích y khoa, trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi bạn bắt đầu nhịn ăn, cơ thể buộc phải sử dụng lượng glycogen dữ trữ trong gan để sản sinh glucose nhằm tạo năng lượng hoạt động. Dù vậy, nếu không kịp thời bổ sung thực phẩm, nguồn glycogen sẽ cạn kiệt, khiến đường huyết hạ thấp quá mức, gây mệt mỏi và kiệt sức.

2.3 Suy giảm hoạt động não bộ

Dù chúng ta nhịn ăn và tạm ngừng cung cấp chất dinh dưỡng thì cơ thể vẫn đang tiếp tục tiêu tốn năng lượng để duy trì sự sống, trong đó não bộ cần tới 18% tổng năng lượng. Lúc này, lượng protein cùng xeton tích trữ được “huy động”, nếu kéo dài có thể làm tăng kích thích thần kinh, gây nhức đầu, não bộ chuyển sang trạng thái lờ đờ và dần mất nhận thức.

co-nen-ap-dung-phuong-phap-nhin-an-thanh-loc-co-the-khong-voh-1
Nhịn ăn nhịn uống dài ngày sẽ làm suy giảm chức năng não bộ, gây mệt mỏi, lờ đờ (Nguồn: Internet)

2.4 Sốc giảm thể tích máu

Hiện tượng mất nước trầm trọng sẽ đẩy cơ thể rơi vào trạng thái đông máu và sốc giảm thể tích máu. Khi đó thể tích máu hoặc dịch thể sụt giảm hơn 20% mức tiêu chuẩn, tim không được đáp ứng đủ lượng máu để bơm tới các tế bào khắp cơ thể, gây ngạt oxy đặc biệt nguy hiểm tính mạng.

Xem thêm: Nhận biết sớm thiếu máu cơ tim qua 9 dấu hiệu này để kịp chữa trị, tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim

2.5 Ảnh hưởng tới thận

Như đã chia sẻ, việc không cung ứng đủ lượng nước để lại ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thanh lọc chất thải của cơ thể, cụ thể chính là tới thận. Theo đó, thận sẽ thiếu hụt nước để điều hòa hoạt động bài tiết, tăng tỉ lệ hình thành sỏi thận, kéo théo suy thận.

2.6 Gây sốc nhiệt

Trong suốt thời gian nhịn ăn, nếu bạn vẫn gắng sức thực hiện các bài tập cường độ cao với mong muốn thúc đẩy tiết mồ hôi giải độc thì rất khó tránh khỏi tình trạng sốc nhiệt. Lượng mồ hôi tiết ra nhiều và nhanh làm cơ thể bị lạnh do thân nhiệt hạ thấp quá ngưỡng an toàn.

2.7 Tăng nguy cơ mắc hội chứng nuôi ăn

Sau khi nhịn ăn thanh lọc cơ thể quá lâu và bắt đầu bổ sung thực phẩm trở lại, các cơ quan tiêu hóa (đặc biệt là dạ dày) sẽ rất khó thích ứng, dẫn tới “hội chứng nuôi ăn”. Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ do rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể và cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kịp thời xử lý.

Xem thêm: Bạn đã biết gì về hoạt động của hệ tiêu hóa?

3. Các lưu ý thanh lọc cơ thể hiệu quả cần biết

Thanh lọc cơ thể vốn là một hành trình “dài hơi” cần được tìm hiểu cũng như thực hiện dựa trên các nghiên cứu khoa học chính xác, kết hợp hài hòa các hoạt động ăn, ngủ và hít thở. Do đó, để thải độc cho cơ thê một cách an toàn, hiệu quả nhất, hãy ghi nhớ một số khuyến cáo quan trọng sau đây:

  • Không bỏ bữa hay nhịn ăn hoàn toàn, đảm bảo cung ứng đầy đủ dưỡng chất từ các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Tập hít thở và vận động đều đặn để các cơ quan hoạt động nhịp nhàng.
  • Theo dõi sức khỏe của bạn thân, chủ động thăm khám định kì nhằm thực hiện các biện pháp cải thiện, chăm sóc phù hợp.

Xem thêm: Bác sĩ hướng dẫn detox cơ thể đúng cách, giúp khỏe – đẹp ‘từ trong ra ngoài’

Lắng nghe cơ thể mình để xây dựng một chế độ ăn uống, lối sinh hoạt lành mạnh chính là phương pháp thanh lọc cơ thể một cách tự nhiên nhưng lại hữu hiệu và bền vững nhất. Không nên áp dụng các phương pháp nhịn ăn ngặt nghèo khiến cơ thể phải “chịu khổ”, vừa không đạt được mục tiêu, vừa tổn hại tới sức khỏe.