7 tác dụng của kẽm đối với sức khỏe ai cũng nên biết

(VOH) - Kẽm là một trong những vi khoáng tố không thể thiếu cho sự phát triển của cơ thể. Vậy tác dụng của kẽm là gì, có thật sự cần thiết phải bổ sung mỗi ngày không?

Có thể nói rằng sự “góp mặt” của các khoáng chất quyết định phần lớn việc cơ thể chúng ta có vận hành hiệu quả hay không. Theo đó, trong vô vàn khoáng chất thiết yếu ấy, chắc chắn phải nhắc tới vi chất kẽm.

1. Kẽm là chất gì?

Kẽm (ký hiệu là Zn) là một chất khoáng vi lượng cực kì cần thiết giúp bảo vệ và duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Lượng vi chất này được hấp thu chủ yếu ở ruột non, rồi dần chuyển hóa vào máu và tế bào của các hệ cơ quan. Có khoảng 2 – 4g kẽm phân bố trong khắp cơ thể con người. Hầu hết kẽm nằm trong não, cơ, xương, thận và gan, tuy nhiên nồng độ kẽm cao nhất tập trung trong tuyến tiền liệt và các bộ phận của mắt.

7-tac-dung-cua-kem-doi-voi-suc-khoe-ai-cung-nen-biet-voh-0
Kẽm là một trong rất nhiều khoáng tố vi lượng mà chúng ta phải hấp thu đầy đủ mỗi ngày (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của kẽm đối với cơ thể

Cho đến nay, các nghiên cứu về kẽm cùng tác dụng của kẽm đối với cơ thể luôn được giới y khoa đặc biệt quan tâm. Ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định tầm quan trọng của kẽm đối quá trình tăng trưởng và phát triển các cơ quan chức năng trong cơ thể. Cụ thể như sau:

2.1 Tham gia vận chuyển dưỡng chất khác

Kẽm được tìm thấy trong gần 100 loại enzym đặc biệt, có vai trò là các ion cấu trúc trong yếu tố phiên mã và được lưu trữ ở dạng thionein kim loại. Bên cạnh đó, khoáng chất vi lượng này sẽ trực tiếp tham gia điều hòa quá trình vận chuyển hàng loạt dưỡng chất quan trọng khác, điển hình như đưa vitamin A từ gan tới mắt hay đưa canxi vào tế bào xương.

2.2 Tác dụng của kẽm đối với phụ nữ mang thai

Kẽm rất cần cho thai kì bởi khoáng tố này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động trao đổi chất của RNA và DNA, truyền tín hiệu cũng như biểu hiện gen của thai nhi. Đặc biệt, các số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng phụ nữ mang thai thiếu kẽm sẽ dễ sinh non hoặc trẻ có trọng lượng dưới mức trung bình.

Ngoài ra, đối với nữ giới, kẽm cũng được xếp vào nhóm chất hỗ trợ cân bằng nồng độ nội tiết tố nữ, điều hòa kinh nguyệt, làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Xem thêm: Những lưu ý cần nắm khi bổ sung khoáng chất trong thai kỳ

2.3 Tác dụng của kẽm với trẻ em  

Không chỉ cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi mà ngay cả sau khi chào đời, cơ thể của trẻ vẫn phải được cung ứng đủ lượng kẽm hàng ngày. Điều này là bởi nếu không có vi chất kẽm, hoạt động phân chia tế bào không diễn ra “vẹn toàn”, dẫn tới không sản sinh đủ lượng hormone tăng trưởng, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi.

2.4 Tác dụng của kẽm với da

Đối với da, kẽm có khả năng chống viêm, làm lành vết thương, hỗ trợ quá trình tái tạo collagen, sửa chữa ADN…

Theo nghiên cứu, lớp thượng bì của da chứa nhiều kẽm nhất. Do đó, nếu bổ sung kẽm đều đặn, da sẽ có khả năng tái tạo tế bào tốt hơn, da khỏe và trẻ trung hơn. Khi da ở trạng thái khỏe mạnh sẽ phòng tránh bị viêm nhiễm, tình trạng nổi mụn cũng giảm đáng kể.

Xem thêm: Uống kẽm trị mụn đúng cách – tuyệt chiêu ‘xóa sổ’ mụn từ bên trong

2.5 Tốt cho đôi mắt

Như đã chia sẻ, phần lớn kẽm khi vào cơ thể sẽ được phân bổ ở các mô mắt, đặc biệt là võng mạc. Nếu cơ thể được cung ứng đủ lượng kẽm và chuyển hóa tới mắt thì có thể ngăn chặn nguy cơ mất thị lực, hạn chế tối đa tỉ lệ mắc thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.

7-tac-dung-cua-kem-doi-voi-suc-khoe-ai-cung-nen-biet-voh-1
Kẽm được phân bổ khá nhiều ở võng mạc, giúp duy trì thị lực tốt (Nguồn: Internet)

2.6 Tác dụng của kẽm đối với đàn ông

Ở nam giới, kẽm có nồng độ cao trong tuyến tiền liệt, nhất là ở tinh dịch. Chính vì thế, theo các chuyên gia nam khoa, khoáng chất kẽm góp phần vô cùng to lớn giúp cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, duy trì số lượng và tính di động của tinh trùng, đồng thời kiểm soát ổn định nồng độ testosterone trong huyết thanh. 

Xem thêm: 20 thực phẩm tốt cho tinh trùng nam giới nhất định phải biết

2.7 Phát triển và cải thiện não bộ

Có thể nói trung tâm bộ nhớ của não bộ luôn cần một lượng lớn vi chất kẽm. Theo đó, cùng với các vitamin nhóm B (đặc biệt là vitamin B6), kẽm sẽ thực hiện nhiệm vụ kích thích sản sinh chất dẫn truyền thần kinh và bảo trì lớp myelin, đảm bảo các chức năng não bộ hoạt động tốt.

3. Mỗi ngày bổ sung kẽm bao nhiêu là đủ?

Đối với mỗi độ tuổi, giới tính, kẽm sẽ đảm nhiệm những vai trò riêng biệt nên nhu cầu kẽm hàng ngày cũng thay đổi. Vì vậy bạn cần chú ý bổ sung kẽm phù hợp với liều lượng được khuyến nghị dưới đây:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 2 mg/ngày
  • Trẻ từ 7 tháng tuổi đến 3 tuổi: 5 mg/ngày
  • Trẻ từ 3 - 13 tuổi: 10 mg/ngày
  • Nữ giới: 8 mg/ngày
  • Nam giới: 11 mg/ngày
  • Phụ nữ có thai: 15 - 25 mg/ ngày

4. Thiếu kẽm gây bệnh gì?

Tuy là khoáng tố vi lượng xuất hiện “dày đặc” ở các tế bào cũng như hàng loạt phản ứng sinh hóa quan trọng, song cơ thể chúng ta lại không có khả năng tự sản xuất hay dự trữ kẽm trong thời gian dài, dễ dàng để thất thoát khi bài tiết nước tiểu hoặc mồ hôi. Chính vì lẽ đó, nguy cơ bị thiếu kẽm có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Và nếu không kịp thời khắc phục và bổ sung đầy đủ, tình trạng thiếu kẽm sẽ gây suy giảm thị lực, trí nhớ, rối loạn nội tiết tố hay thậm chí làm giảm khả năng vận động.  

Xem thêm: Thiếu kẽm gây bệnh gì? Nhận thấy các dấu hiệu này thì cần ‘bù đắp’ đủ lượng kẽm càng sớm càng tốt

5. Một số thực phẩm giàu kẽm nên biết

Có thể thấy rằng, để cơ thể có đủ lượng vi chất kẽm sử dụng trong ngày, chúng ta buộc phải chủ động hấp thu từ những nguồn cung cấp bên ngoài, thông qua chế độ ăn uống từ thực phẩm giàu kẽm và một số loại thuốc bổ sung.

Thế nhưng nếu muốn tăng cường kẽm bằng thuốc thì chúng ta phải tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa về liệu lượng phù hợp, an toàn, nên phương pháp chủ động tiếp nạp thêm các thực phẩm giàu kẽm vẫn phổ biến và được khuyến khích hơn cả.

7-tac-dung-cua-kem-doi-voi-suc-khoe-ai-cung-nen-biet-voh-2
Thực phẩm giàu kẽm rất dễ tìm kiếm (Nguồn: Internet)

Theo đó, thực phẩm giàu chất kẽm rất dễ tìm kiếm. Cụ thể, kẽm có nhiều trong các loại hải sản, nhất là sò. Ngoài ra, kẽm còn có trong thịt (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu), gan, trứng, sữa, men, mầm lúa mạch, các loại hạt hay các loại đậu,…

Xem thêm: Top 12 thực phẩm giàu kẽm nhất nên có trong thực đơn bồi bổ sức khỏe cả nhà

6. Thừa kẽm có sao không?

Các vấn đề sức khỏe không chỉ xuất hiện khi cơ thể rơi vào trạng thiếu kẽm mà còn ở cả trường hợp cung cấp lượng kẽm quá lớn, dẫn tới dư thừa kẽm. Tất nhiên nếu bạn chỉ hấp thu kẽm từ thực phẩm thì hiện tượng thừa kẽm rất hiếm khi xảy ra, nhưng lạm dụng hay quá phụ thuộc vào thuốc bổ sung, đây là rủi ro khó tránh khỏi.

Nếu chúng ta cung ứng một lượng lớn kẽm trên 40mg/ngày sẽ phải đối mặt với những tác dụng phụ nghiêm trọng như nguy cơ mắc sỏi thận, rối loạn nhịp tim hay suy giảm hệ miễn dịch.

Lời khuyên là chỉ khi đang điều trị bệnh lý đặc biệt hoặc có chỉ định chuyên khoa, bạn mới được dùng các loại bổ sung kẽm.

Xem thêm: Thừa kẽm có sao không? 4 ‘mối nguy’ sức khỏe nhắc bạn phải bổ sung đúng – đủ lượng

Mong rằng với thông tin về tác dụng của kẽm đối với cơ thể trong bài viết trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của khoáng chất vi lượng này, để từ đó theo dõi, chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn và chủ động bổ sung đủ lượng mỗi ngày.