Tìm hiểu 8 tác dụng của vitamin B1

(VOH) - Vitamin B1 cần thiết cho các hoạt động sống hàng ngày của con người. Vậy vitamin B1 có tác dụng gì đối với sức khỏe và làm sao để cơ thể không bị thiếu hụt loại vitamin này?

Vitamin B1 có mặt trong mọi mô của cơ thể, có vai trò quan trọng trong các hoạt động sống hàng ngày của con người. Tuy vậy, loại vitamin này lại không thể tự tổng hợp, mà cần phải được bổ sung từ thực phẩm.

1. Vitamin B1 là gì?

Vitamin B1 hay còn có tên Thiamin là một vitamin nhóm B. Đây là loại vitamin có thể tan trong nước, có sẵn trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên và rất cần thiết cho các quá trình trao đổi chất cũng như cung cấp năng lượng cho cơ thể.

tac-dung-cua-vitamin-b1-voh-0
Vitamin B1 là vitamin cần thiết cho cơ thẻ (Nguồn: Internet)

Vitamin B1 là thành phần tạo ra ATP - phân tử mang năng lượng của tế bào, vì thế, chúng tham gia vào nhiều hoạt động sống của cơ thể, liên quan đến sự phát triển, tăng trưởng và thực hiện chức năng của mọi tế bào trong cơ thể, chẳng hạn như:

  • Tham gia vào hệ enzyme decacboxyl oxy hóa, giúp ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng như: tê phù, giảm tiết dịch vị...
  • Tham gia vào quá trình phân giải pyruvic tạo oxyethyl pyro phosphat, giúp tổng hợp ATP và GTP cho tế bào sử dụng.
  • Tham gia chuyển hóa carbohydrate thành sản phẩm cần thiết để cơ thể sử dụng, trong đó có năng lượng tế bào.

2. Vitamin B1 có tác dụng gì?

Có thể nói, vitamin B1 là vitamin quan trọng trong sự phát triển và hoạt động sống của cơ thể, bởi nó tham gia vào rất nhiều quá trình. Tất cả các tế bào trong cơ thể đều cần đến loại vitamin này để duy trì chức năng vốn có của nó.

Có thể kể một vài tác dụng của vitamin B1 như:

2.1 Đảm bảo quá trình trao đổi chất

Công dụng đầu tiên của vitamin B1 chính là đảm bảo quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi. Vitamin B1 có thể chuyển hóa dưỡng chất tạo ra phân tử mang năng lượng tế bào ATP. Do đó, vitamin B1 có thể cung cấp năng lượng cho hoạt động sống, loại bỏ buồn chán, mệt mỏi,...

Ngoài ra, vitamin B1 còn giúp chuyển hóa tạo Glucose - nguồn năng lượng vô cùng quan trọng cho sự trao đổi chất trong cơ thể. Không những thế, vitamin B1 cũng tham gia vào quá trình sản xuất tế bào hồng cầu và điều trị các rối loạn chuyển hóa di truyền.

2.2 Ngăn ngừa tổn thương hệ thần kinh

Thiếu vitamin B1 bạn có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề rối loạn hệ thần kinh như hay quên, mất tập trung, tinh thần uể oải... Bổ sung đầy đủ vitamin B1 sẽ giúp bạn ngăn ngừa tổn thương thần kinh, đồng thời chúng còn thúc đẩy tổng hợp vỏ myelin bảo vệ dây thần kinh và đảm bảo hoạt động luôn hiệu quả.

2.3 Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là bệnh thường xảy ra ở người già, khiến thị lực suy giảm và có nguy cơ dẫn đến mù lòa. Theo các nghiên cứu khoa học thì việc thiếu hụt vitamin B1 là nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể. Do đó, sử dụng vitamin B1 là biện pháp để ngăn ngừa đục thủy tinh thể cũng như các bệnh lý khác về mắt.

2.4 Giúp cải thiện trí nhớ

Đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, hay quên,…là những triệu chứng của những căn bệnh về trí não, một phần là do sự thiếu hụt vitamin B1 trên cơ thể. Do đó, để duy trì hoạt động của trí não, bạn cần bổ sung một lượng vitamin B1 cần thiết nhất.

Ngoài ra, vitamin B1 còn có tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh về thần kinh như bại liệt, đa xơ cứng,…

Xem thêm: Bệnh đa xơ cứng – không thể chữa nhưng có thể kiểm soát bằng nhiều cách

2.5 Hỗ trợ tim mạch

Tác dụng của vitamin B1 có chức năng hỗ trợ giảm áp lực hoạt động của tim, giúp nó vận hành tốt hơn. Trên thực tế, tim có thể suy yếu khi cơ thể thiếu hụt vitamin B1. Do đó, bạn không nên bỏ qua loại vitamin này nếu muốn duy trì một trái tim khỏe mạnh.

tac-dung-cua-vitamin-b1-voh-1
Bổ sung vitamin B1 có thể hỗ trợ sức khỏe hệ tim mạch (Nguồn: Internet)

2.6 Cung cấp năng lượng cho cơ thể

Vitamin B1 giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, giúp tế bào liên kết với nhau dễ dàng hơn. Do vậy, nó còn được xem là chất dẫn đảm bảo lượng calo đầy đủ cho cơ thể.

2.7 Trị mụn, làm trắng da

Tác dụng của vitamin B1 đối với da chắc hẳn đã không còn xa lạ với nhiều tín đồ làm đẹp. Trên thực tế, thành phần của vitamin B1 có chứa các dưỡng chất giúp loại bỏ các hắc tố, trị mụn, làm mờ thâm nám, giúp da trắng hồng và khỏe mạnh hơn.

2.8 Làm mượt và kích thích mọc tóc

Vitamin B1 còn là một “thần dược” mang đến cho bạn một mái tóc khỏe đẹp. Vitamin B1 có khả năng kích thích mọc tóc, giúp tóc nhanh dài, mềm mượt và chắc khỏe hơn.

3. Điều gì xảy ra khi cơ thể thiếu vitamin B1?

Mặc dù là loại vitamin không thể tự tổng hợp nhưng tình trạng thiếu vitamin B1 rất hiếm gặp, thường chỉ thấy ở người có hệ miễn dịch suy giảm, hoặc có các tác nhân làm giảm nồng độ vitamin B1 hấp thu như: nghiện rượu, dùng thuốc lợi tiểu, chán ăn, mắc bệnh Crohn, người chạy thận nhân tạo,…

Cơ thể thiếu vitamin B1 có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể, bao gồm: hệ thần kinh, tim, não bộ... Đặc biệt, hội chứng Beriberi và bệnh thần kinh Wernicke-Korsakoff là 2 vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất do thiếu hụt vitamin B1 gây ra.

Hội chứng Beriberi ảnh hưởng đến hô hấp, chuyển động mắt, chức năng tim và sự tỉnh táo. Trong khi, hội chứng Wernicke-Korsakoff gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây suy giảm thị lực, thiếu sự phối hợp giữa các cơ và suy giảm tinh thần..

Thông thường, những bệnh lý này có thể được cải thiện bằng các bổ sung vitamin B1 dạng thuốc hoặc đường tiêm. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu vitamin B1 gây tổn thương vĩnh viễn chức năng nhớ của não thì sẽ không thể phục hồi được.

Với những người bị thiếu vitamin B1 có thể sẽ được bổ sung bằng đường uống hoặc tiêm theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào từng độ tuổi cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng bổ sung khác nhau. Do đó, bạn không nên bổ sung vitamin B1 một cách tùy tiện.

4. Cơ thể cần bao nhiêu vitamin B1 mỗi ngày?

Ở mỗi nhóm đối tượng khác nhau, bác sĩ sẽ có những chỉ định bổ sung sung phù hợp cho bạn.

4.1 Đối với trẻ sơ sinh

  • Từ 0 – 6 tháng: 0.2 mg/ngày.
  • Từ 7 – 12 tháng: 0.3 mg/ngày.

4.2 Trẻ em

  • Từ 1 – 3 tuổi: 0.5 mg/ngày.
  • Từ 4 – 8 tuổi: 0.6 mg/ngày.
  • Từ 9 – 13 tuổi: 0.9 mg/ngày.
tac-dung-cua-vitamin-b1-voh-2
Tùy từng nhóm đối tượng sẽ có mức bổ sung vitamin B1 cụ thể (Nguồn: Internet)

4.3 Thanh thiếu niên và người lớn

  • Nam giới từ 14 tuổi trở lên: 1.2 mg/ngày.
  • Nữ giới từ 14 – 18 tuổi: 1 mg/ngày.
  • Nữ giới từ 19 tuổi trở lên: 1.1 mg/ngày.
  • Nữ giới trong thời kỳ mang thai và cho con bú: 1.4 – 1.5 mg/ngày.

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B1 cũng thường được sử dụng theo chỉ định, bạn không nên tự ý bổ sung vitamin này không chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Những đối tượng được chỉ định thường là:

  • Người có chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ nhu cầu vitamin B1 hay cơ thể kém hấp thu.
  • Bệnh nhân đang điều trị bệnh beriberi (tê phù) - tình trạng nghiêm trọng gây ra do cơ thể thiếu hụt vitamin B1 trong một thời gian dài.
  • Điều trị các bệnh lý viêm đa dây thần kinh (viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh tọa…) do nghiện rượu.

Tất cả các trường hợp bình thường khác, chỉ cần bổ sung vitamin B1 thông qua chế độ ăn uống là đủ.

5. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B1

Vitamin B1 có nhiều trong các loại thực phẩm như các loại ngũ cốc, thịt nạc heo, các loại hạt, đậu… Dưới đây là một số thực phẩm giàu vitamin B1:

5.1 Thịt lợn

Vitamin B1 có trong thịt nạc heo chiếm 0,9 mg trên 100g phần thịt, đây còn là thực phẩm quen thuộc được sử dụng hằng ngày, dễ dàng chế biến thành những món ăn ngon. Nhưng đừng ăn thịt heo quá nhiều, hãy bổ sung các chất dinh dưỡng khác vào bữa ăn để cân bằng chế độ dinh dưỡng một cách tốt nhất.

5.2 Bánh mì

Bánh mì là một trong những thực phẩm chứa nhiều vitamin B1, thường dùng trong các bữa sáng hàng ngày hoặc bữa ăn phụ. Có thể chế biến bánh mì thành nhiều cách khác nhau để ăn không bị ngán và kích thích vị giác.

5.3 Nấm mỡ

Trong các loại nấm, nấm mỡ là thực phẩm thường được giới nữ ưa chuộng, bởi loại thực phẩm này có tác dụng dưỡng da rất tốt, nó cung cấp nhiều vitamin B1 và vitamin B3.

5.4 Cá

Cá chứa nhiều vitamin b1 tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cá hồi nhưng ngoài cá hồi còn có các loại cá khác cũng giàu vitamin b1 không kém như: cá ngừ, cá thu,...Ở trong cá hồi ngoài chứa vitamin B1, thì loại cá này còn có các chất dinh dưỡng khác tốt cho sức khỏe như Omega-3, Vitamin B6, Vitamin B12,....

5.5 Các loại hạt

Hạt đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng trong các bữa phụ ở nhiều gia đình, đây cũng là thực phẩm bạn có thể bổ sung vitamin b1 mỗi ngày khi sử dụng.

Xem thêm: Các loại hạt cực tốt cho sức khỏe, nên được ăn thường xuyên

5.6 Các loại đậu

Ngoài các loại hạt, thì đậu cũng đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đậu thường dễ ăn, chứa nhiều hàm lượng vitamin b1 cung cấp cho cơ thể, bạn có thể dùng nhiều các loại đậu khác nhau trong các bữa ăn để thay đổi khẩu vị.

5.7 Cải Brussels

Ở Việt Nam cải brussels ( cải tí hon ), còn xa lạ với nhiều người vì đa phần loại cải này được sử dụng khá nhiều ở phương tây. Nhưng ít ai biết được loại cải tí hon lại là nguồn cung cấp vitamin B1 phong phú với khoảng 0,122 mg/ bắp cải tươi.

tac-dung-cua-vitamin-b1-voh-3
Vitamin B1 có rất nhiều trong thực phẩm (Nguồn: Internet)

5.8 Măng tây

Măng tây có thể cung cấp khoảng 11% nhu cầu vitamin b1 cho cơ thể mỗi ngày chỉ với 100g. Tuy nhiên nên sử dụng măng tây tươi thì hàm lượng vitamin b1 mới cao, hạn chế sử dụng các thực phẩm đông lạnh và đóng hộp vì hàm lượng dinh dưỡng trong hai loại này thường ít hơn.

5.9 Men dinh dưỡng và men bia

Trong các bữa ăn, men dinh dưỡng và men bia đóng vai trò như kích thích vị giác, tăng hương vị thêm ngon miệng. Hai loại men này ngoài chứa nhiều chất vitamin B1 thì còn chứa các loại vitamin B tăng cường khác.

5.10 Rau chân vịt

Rau chân vịt ( rau bina, cải bó xôi ) là một trong những thực phẩm giàu vitamin b1, loại rau này dễ ăn và dễ chế biến thành các món ăn hoặc có thể xay uống.

Xem thêm: Tác dụng của cải bó xôi dành cho sức khỏe bạn nên biết

Lưu ý: Nhiệt độ cao, sự oxy hóa, quá trình đóng hộp thực phẩm sẽ làm giảm lượng vitamin B1 có trong thực phẩm. Khi nấu ăn, vitamin B1 hòa tan trong nước nên dễ bị phân hủy trong nước sôi. Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia, trà cũng ngăn chặn sự hấp thụ vitamin B1.

6. Tác hại của vitamin B1 khi dùng quá nhiều là gì?

Mặc dù là loại vitamin cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu cơ thể bạn hấp thụ quá nhiều vitamin B1 sẽ có thể gây ra rất nhiều vấn đề đối với sức khỏe và làn da của bạn.

6.1 Tác hại của vitamin B1 đối với sức khỏe

Vitamin B1 cần được sử dụng với liều lượng cụ thể theo khuyến cáo của bác sĩ. Dùng quá nhiều vitamin B1 có thể khiến bạn gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Buồn nôn, bồn chồn, sưng đau ở chỗ tiêm,....
  • Khó thở, tức ngực, sưng mặt, phát ban,...
  • Sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng

Ngoài ra các đối tượng như phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, người bị suy gan thận, tiểu đường, người bị huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim cần thận trọng sử dụng thuốc vitamin b1.

6.2 Tác hại của vitamin B1 trong làm đẹp

Nhiều người thường sử dụng vitamin B1 để làm đẹp nhưng một số trường hợp vitamin b1 sẽ gây các tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Nguy cơ kích ứng da: ngứa và nổi mề đay
  • Huyết áp thấp
  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt
  • Tim đập nhanh, khó thở

Nhìn chung, vitamin B1 là một dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhất là đối với tim mạch và não bộ. Ngoài ra, vitamin B1 còn có tác dụng hữu ích đối với làn da, mái tóc và giúp phòng ngừa các bệnh lý về mắt một cách hiệu quả.