Cuộc đời Từ Hi Thái hậu, người phụ nữ quyền lực nhất Trung Hoa

(VOH) – Lập qua ba hoàng đế thời Mãn Thanh, buông rèm nhiếp chính, thao túng chính quyền, Từ Hi Thái hậu là một trong những người phụ nữ quyền lực và tai tiếng nhất Trung Hoa.

Cùng với Võ Tắc Thiên thời Đường, Lã Hậu thời Hán, Từ Hi thái hậu thời nhà Thanh được xem là 3 người phụ nữ chuyên chính quyền lực nhất Trung Hoa, nhưng đồng thời cũng là “gian hậu loạn triều", đảo lộn xã tắc, phóng túng, tàn ác. Tuy nhiên không thể phủ nhận họ đều là những người phụ nữ có tài có sắc.

Na Lạp thị Ngọc Lan một bước lên Quý phi, nghiễm nhiên trở thành Thái hậu

Năm Quang Đạo thứ 15 (1833), ngày 10 tháng 10, dòng dõi Na Lạp thị hạ sinh một bé gái gọi là Ngọc Lan, gia tộc này thuộc hàng quân công thế gia nhưng gia đình Ngọc Lan là dòng thứ địa vị không mấy cao sang nhưng cũng không gọi là thấp kém, cũng tính là hơn những nhà bình thường khác.  

Năm Hàm Phong thứ 2 (1852), ngày 11 tháng 2 (âm lịch), Na Lạp thị Ngọc Lan tham gia kỳ thi tuyển tú, bằng nhan sắc hơn người Ngọc Lan đánh bại những người cùng tham gia lọt vào vòng cuối, chỉ định làm Quý nhân. Đến ngày 9 tháng 5 (âm lịch) cùng năm thì nhập cung, gọi là Lan Quý nhân. Lần đầu gặp mặt Lan Quý nhân đã khiến vua Hàm Phong mê đắm, trong mắt vua Lan Quý nhân có làn da trắng hồng như phát sáng, lại có khiếu thi ca, tài sắc vẹn toàn, ngũ quan không chỗ nào chê được, Lan Quý nhân nhanh chóng đắc sủng.  

cuoc-doi-tu-hi-hoang-thai-hau-voh-3
Thời thiếu nữ Từ Hi Thái hậu nhan sắc hơn người, Hàm Phong đế vừa gặp đã mê say

Năm Hàm Phong thứ 4 (1854), ngày 26 tháng 2 (âm lịch), Lan Quý nhân được tấn phong thành Tần vị, đến ngày 25 tháng 11 (âm lịch) cùng năm thì lễ sách phong diễn ra, lấy phong hiệu Ý Tần, chữ Ý này mang nghĩa đoan trang, văn nhã, có phong thái.  

Năm Hàm Phong thứ 6 (1856), ngày 23 tháng 3 (âm lịch), Ý Tần hạ sinh Hoàng trưởng tử Tải Thuần, đây cũng là người con trai duy nhất của Hàm Phong đế, về sau Tải Thuần trở thành Đồng Trị đế. Có công hạ sinh quý tử cho vua, Ý Tần được tấn phong lên một bậc thành Ý Phi, lễ sách phong diễn ra vào ngày 1 tháng 12 (âm lịch).

Năm Hàm Phong thứ 7 (1857), ngày 2 tháng 1, Ý Phi lại được tấn phong thêm một bậc thành Quý phi, ngày 13 tháng 12 cùng năm lễ sách phong được cử hành. Trong thời gian cai trị của Hàm Phong đế, Na Lạp thị Ngọc Lan có công sinh dục Hoàng tử và cũng là Quý phi duy nhất, địa vị trong cung vô cùng vững chắc, chỉ đứng sau Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu.

Ý Quý phi Na Lạp thị nổi tiếng thông minh, hiểu biết, thông thạo tiếng Hán, chính nhờ điều này mà bà được Hàm Phong đế hết mực tin tưởng, thường xuyên cho phép tham gia triều chính. Triều đình Mãn Thanh có nhiều thuyết lan truyền, rằng vào lúc sức khoẻ suy yếu, Hàm Phong đế đã cho phép Ý Quý phi đọc tấu chương và ghi lời phê khiến các đại thần bất mãn, cho rằng bà đã vượt quá quyền hạn của một phi tử. Người đời còn bàn tán Ý Quý phi Na Lạp thị hậu cung tranh sủng, đã hãm hại vô số cung nhân, phi tần của Hàm Phong đế.

Năm Hàm Phong thứ 10 (1860), liên quân Anh – Pháp tấn công Bắc Kinh, triều đình Mãn Thanh tháo chạy đến Thừa Đức. Hàm Phong đế bất lực đâm ra đau buồn, thường xuyên chìm đắm trong tửu sắc và thuốc phiện, sức khoẻ suy nhược trầm trọng.

Năm Hàm Phong thứ 11 (1861), ngày 17 tháng 7 (âm lịch) Hàm Phong đế băng hà, Hoàng tử Tải Thuần lên ngôi, niên hiệu Kỳ Tường, khi ấy mới 5 tuổi. Hoàng tử tuổi đời còn nhỏ Hàm Phong đế di chiếu cho phép 8 vị đại thần hỗ trợ chấp chính, trong đó Túc Thuận đứng đầu. Còn Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị được tấn tôn làm Mẫu hậu Hoàng thái hậu gọi là Từ An Thái hậu, mẹ ruột của tiểu Hoàng đế là Ý Quý phi La Nạp Thị được tấn tôn Thánh mẫu Hoàng thái hậu gọi là Từ Hi Thái hậu.

Tân Dậu chính biến

Dưới di chiếu của Hàm Phong đế, quyền hạn của Lưỡng cung Thái hậu bị hạn chế, vì vậy họ hợp sức với một số thân vương đại thần loại bỏ Cố mệnh Bát đại thần, âm thầm thực hiện đảo chính. Theo kế hoạch, Lưỡng cung Thái hậu lấy lý do Tân Hoàng đế tuổi nhỏ, trên đường hồi cung nhiều vất vả mà cùng Tân Hoàng đế trở về Bắc Kinh trước, còn đám người của Túc Thuận hộ tống linh giá Hàm Phong đế về sau 4 ngày.

Cố mệnh Bát đại thần về đến hoàng thành thì lập tức bị tuyên tội bắt giam với hàng loạt tội trạng, trong đó phản nghịch là tội lớn nhất. Kết cục Túc Thuận, Tái Viên cùng Đoan Hoa bị tử hình, lịch sử Trung Quốc gọi sự kiện này là Tân Dậu chính biến.

Xem thêm: Ngỡ ngàng trước nhan sắc đời thực của các cung tần mỹ nữ Trung Quốc xưa  

Lưỡng cung Thái hậu buông rèm nhiếp chính thời đại Đồng Trị

Năm Hàm Phong đế thứ 11 (1861), ngày 5 tháng 10 (âm lịch), Kỳ Tường đế đổi niên hiệu thành Đồng Trị. Lưỡng cung Thái hậu cùng lâm triều nghe chính sự, cùng xem xét và duyệt định triều chính, trở thành 2 vị Hậu cung đầu tiên và duy nhất tiến hành nhiếp chính của nhà Thanh. Từ An Thái hậu nắm giữ đại quyền, còn Từ Hi Thái hậu chủ yếu chỉ lo những chuyện nho nhỏ không mấy quan trọng.

Theo Thanh cung di văn: "Đông Cung trội ở Đức, mà thực sự nắm quản việc đại sự; Tây Cung trội ở Tài, mà việc phê duyệt tấu chương, chi tiêu lợi hại chỉ quản được"

Trong quá trình buông rèm nhiếp chính, Lưỡng cung Thái hậu nhiều lần xung đột, gay gắt nhất có thể kể đến là chuyện chọn Hoàng hậu cho Đồng Trị đế khi ấy 17 tuổi. Trong khi Từ An Thái hậu đề cử cháu gái là A Lỗ Đặc thị thì Từ Hi Thái hậu mong muốn con trai chọn Phú Sát thị. Cuối cùng Đồng Trị đế phong A Lỗ Đặc thị làm Hoàng hậu gọi là Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu, Phú Sát thị làm Tuệ Phi. Sự việc này khiến Từ Hi cảm thấy bị phản bội và sỉ nhục, bà vô cùng bất mãn với cả con trai lẫn Từ An Thái hậu. 

Chỉ dụ năm ấy: "Khâm phụng Từ An Hoàng thái hậu, Từ Hi Hoàng thái hậu ý chỉ. Hoàng đế tuổi nhỏ lên ngôi, đến nay đã mười một năm hơn, cần chọn người hiền để tác phối, chính vị Trung Cung, cũng là để phụ thánh đức lĩnh tương nội trị. Đặc tuyển con gái của Hàn Lâm viện Thị giảng Sùng Khởi là A Lỗ Đặc thị, thục thuận đoan trang, đáng lập làm Hoàng hậu. Đặc dụ."

Hoàng đế Đồng Trị rất vừa ý, hết mực sủng ái và dành phần lớn thời gian bên cạnh Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu. Tuy nhiên câu chuyện mẹ chồng nàng dâu giữa Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu và Từ Hi Thái hậu lại vô cùng căng thẳng, có nhiều mâu thuẫn. Nhiều tin đồn lưu truyền Hoàng đế Đồng Trị kính trọng Từ An Thái hậu hơn mẹ ruột Từ Hi, lại còn xuất hiện Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu là cháu gái Từ An, giai đoạn này Từ Hi bị kìm kẹp đủ đường, cơ bản chỉ có quyền hạn là một đế mẫu.

Năm Đồng Trị thứ 13 (1874), ngày 10 tháng 11 (âm lịch), Đồng Trị đế bệnh nặng khó lòng qua khỏi, nhiều ghi chép ông mắc bệnh đậu mùa. Đến ngày 5 tháng 12 thì băng hà, khi ấy 19 tuổi. Hơn 74 ngày sau đó Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu cũng qua đời, thọ 21 tuổi. Theo ghi chép Hoàng hậu băng thệ vì bạo bệnh nhưng nhiều thuyết cho rằng bà quá đau buồn mà tuẫn tiết theo chồng, hoặc là tuyệt thực đến chết và cũng có khả năng bị Từ Hi Thái hậu ban cho rượu độc.

Xem thêm: Bí ẩn không thể giải mã bên trong lăng mộ hơn 2000 năm của Tần Thuỷ Hoàng

Từ Hi Thái hậu buông rèm nhiếp chính thời đại Quang Tự

Đồng Trị đế qua đời không có hậu duệ, ông cũng là hậu duệ duy nhất của Hàm Phong đế, tính ra dòng dõi Hàm Phong đã tuyệt tự không còn người nối ngôi. Triều đình rối ren, tại Tây Noãn các của Dưỡng Tâm điện, Lưỡng cung Thái hậu cùng các Hoàng thúc và một số đại thần mở cuộc họp trưng ý đề bạc Tải Điềm con trai của Thuần Thân vương cùng em gái của Từ Hi là Uyển Trinh lên ngôi.

Ngày 7 tháng 12 năm 1874, Tải Điềm lên ngôi trở thành Quang Tự đế, Lưỡng cung Thái hậu tiếp tục nhiếp chính.

Năm Quang Tự thứ 6 (1880), Từ An Thái hậu mắc chứng kiết lỵ, bệnh tình trở nặng. Đến năm Quang Tự thứ 6 (1881), ngày 10 tháng 3 (âm lịch) thì qua đời, hưởng thọ 44 tuổi. Tuy nhiên trước cái chết của Từ An Thái hậu dân gian có nhiều truyền miệng liên quan đến Từ Hi Thái hậu.

Thuyết dân gian truyền rằng:
Năm ấy trước khi chết Hàm Phong đế đặc biệt e dè Từ Hi Thái hậu sau này ắt tạo loạn nên bí mật để lại di chiếu cho Từ An Thái hậu, nếu Từ Hi có mưu đồ bất chính thì lấy đạo cụ này ra theo gia pháp mà trừng trị nghiêm minh. Từ An Thái hậu đem mật dụ ra cảnh tỉnh Từ Hi Thái hậu khiến bà lo sợ mà suốt thời đại Đồng Trị chẳng dám làm xằng làm bậy, một mực cung kính Từ An Thái hậu.
Một lần Từ An Thái hậu bị bệnh uống nhiều thuốc nhưng không mấy khả quan, Từ Hi Thái hậu đến dâng lên một thứ Từ An dùng thì liền khoẻ ngay. Từ An đi dạo Di Hoà viên gặp Từ Hi thì phát hiện cánh tay Từ Hi băng bó, hỏi ra mới biết Từ Hi cắt cổ tay làm mồi nhử thuốc cho Từ An. Từ An nghe chuyện vô cùng cảm động, bỏ hết mọi dè dặt mà Hàm Phong đế đã dặn dò trước lúc lâm chung, trước mặt Từ Hi đốt đi mật dụ năm xưa. Sau sự việc này Từ Hi mới bắt đầu lộng hành, cấu kết thái y hại chết Từ An Thái hậu, độc quyền nhiếp chính.

Năm Quang Tự thứ 14 (1888), Quang Tự đế khi ấy 18 tuổi bắt đầu mở kỳ tuyển tú. Từ Hi Thái hậu cho cháu ruột của mình là Diệp Hách Na Lạp Tĩnh Phân vào dự tuyển, trở thành Hoàng hậu, gọi là Long Dụ Hoàng hậu. Cũng trong kỳ tuyển tú này hai con gái nhà Tha Tha Lạp thị trúng tuyển trở thành Trân Tần và Cẩn Tần.

Long Dụ Hoàng hậu nhan sắc bình thường lại lớn hơn Quang Tự đế 3 tuổi, nhà vua không sủng hạnh và thường tìm cớ xa lánh Hoàng hậu. Bên cạnh đó còn vì Hoàng hậu là cháu gái Từ Hi nên vua Quang Tự cảm thấy e dè. Duy đối với Trân Tần lại vô cùng yêu thích, nhanh chóng sách phong nàng thành Trân Phi.  

cuoc-doi-tu-hi-hoang-thai-hau-voh-2
Từ trái qua phải Cẩn Phi, Hoàng hậu Long Dụ, Trân Phi

Năm Quang Tự thứ 15 (1889), Từ Hi Thái hậu ngoài mặt tuyên bố rút lui khỏi triều chính, rời Tử Cấm Thành đến Di Hoà Viên, để cho Quang Tự đế tự mình chấp chính. Nhưng thực tế vua Quang Tự chỉ được phép tự quyết những chuyện nhỏ, còn những chuyện quan trọng đều phải được Từ Hi Thái hậu thông qua. Tính ra quyền lực của Thái hậu không hề suy giảm thậm chí còn tăng thêm.

Đứng trước tình hình đất nước ngày càng lũng đoạn, suy tàn Quang Tự đế luôn khát khao cải cách nên đã tiến hành Bách nhật Duy tân (100 ngày cải cách), trong khi đó Từ Hi lại bảo thủ ra sức cản trở. Chứng kiến sự căng thẳng giữa Quang Tự và Từ Hi, Đàm Tự Đồng khuyên vua nên đoạt lại chính quyền. Quang Tự đế nội tâm khổ sở cũng mong muốn chuyện này từ lâu bèn lên kế hoạch tước quyền Thái hậu nhưng vì tai mắt của Thái hậu ở khắp nơi nên kế hoạch bị tiết lộ, sự việc bất thành. Từ Hi Thái hậu nổi trận lôi đình từ Di Hoà Viên trở về Bắc Kinh, đem Quang Tự đế giam lỏng ở Doanh Đài, báo bệnh không thể tiếp tục chấp chính, Từ Hi Thái hậu chính thức làm lễ lâm triều huấn chính.

cuoc-doi-tu-hi-hoang-thai-hau-voh-1
Ngoài mặt Từ Hi Thái hậu lui về Di Hoà Viên nhưng thực chất vẫn là người chấp chính

Năm Quang Tự thứ 26 (1900), phong trào Nghĩa Hoà Đoàn diễn ra, Bắc Kinh thất thủ, triều đình phải lui về Tây An lánh nạn. Sau cùng đến năm Quang Tự thứ 27 (1901), triều đình nhà Thanh ký kết hiệp ước Tân Sửu bồi thường chiến phí 450 triệu lượng bạc, tương đương với 67 triệu bảng Anh và bằng một năm thu nhập của triều đình cho các nước phương Tây. Quang Tự đế và Từ Hi Thái hậu trở về Bắc Kinh, vua cũng không còn bị giam lỏng trong Hàm Nguyên điện nhưng trước việc chính sự ông lại thờ ơ lãnh đạm, không còn tha thiết.

Từ Hi Thái hậu trước lúc lâm chung vẫn dàn xếp chính sự cho kỳ được

Năm Quang Tự thứ 34 (1908), mùa đông tháng 10, vua Quang Tự cùng Từ Hi Thái hậu đều phát cùng một chứng bệnh, chẩn đoán là bệnh viêm phổi, tình hình khá nghiêm trọng. Đến ngày 21 tháng 10, Quang Tự đế băng hà, thọ 38 tuổi.

Sang ngày hôm sau tức 22 tháng 10 năm 1908 Từ Hi Thái hậu lập con trai của Thuần Thân vương Tái Phong là Phổ Nghi lên ngôi, lấy niên hiệu là Tuyên Thống, năm ấy mới 3 tuổi. Cùng ngày Từ Hi bệnh tình trở nặng đã qua đời, hưởng thọ 74 tuổi, có 27 năm độc quyền triều chính và 1 ngày làm Thái hoàng thái hậu.

Trước sự ra đi đột ngột của vua Quang Tự các nghi vấn được đặt ra, trong đó nhiều đồn đoán cho rằng chính Từ Hi Thái hậu đã đầu độc nhà vua.
Quang Tự đế từng viết trong nhật ký: "Ta bệnh thật sự nặng, nhưng lòng ta cảm thấy Lão Phật gia nhất định sẽ chết trước ta. Nếu như vậy, ta muốn hạ lệnh chém giết Viên Thế Khải cùng Lý Liên Anh". Không may đoạn nhật kí này bị Lý Liên Anh phát giác, đưa cho Từ Hi Thái hậu, bà đọc xong giận dữ mà nói: "Đừng hòng mà ta chết trước!".
Đến ngày 4 tháng 11 năm 2008, các cuộc giám định diễn ra kết luận vua Quang Tự chết vì bị đầu độc bằng thạch tín, nồng độ thạch tín trong dì hài nhà vua cao gấp 2000 lần người thường. Nhiều nhà sử học suy đoán Từ Hi biết mình bệnh nặng, tuổi cũng đã cao khó lòng qua khỏi cho nên đã hạ độc vua Quang Tự để vua không thể tiếp tục các biến pháp canh tân vô cùng trùng khớp với những đồn thổi năm xưa.  

cuoc-doi-tu-hi-hoang-thai-hau-voh
Vua Quang Tự đã bị hạ độc bằng thạch tín mà chết

Trong suốt thời gian cầm quyền triều đình Mãn Thanh, Từ Hi Thái hậu làm ra vô số việc sai trái trục lợi cá nhân và lợi ích cho Diệp Hách Na Lạp thị của bà. Từ Hi sắp xếp các cuộc hôn nhân cho nữ tử trong dòng dõi với các vương tôn hoàng thất, mục đích của bà là để cho Diệp Hách Na Lạp thị luôn có cơ hội hạ sinh ra một Hoàng đế nhà Thanh trong tương lai.