Đường Sách – nơi tạo lập thói quen đọc sách

(VOH) - 5 năm đi vào hoạt động, Đường Sách TPHCM đã trở thành điểm hẹn văn hóa của người dân TP và là điểm du lịch văn hóa lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.

Sáng 9/1, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản Việt Nam, Công ty Đường Sách TP Hồ Chí Minh... đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm “Đường Sách TP Hồ Chí Minh: Nhìn lại chặng đường 5 năm (9/1/2016 - 9/1/2021)".

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Đường Sách TP Hồ Chí Minh đã được hình thành 5 năm và đang trở thành không gian văn hóa mới của TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là mô hình đường sách hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật của TP Hồ Chí Minh trong năm 2016. Hiện nay, Đường Sách TPHCM còn trở thành điểm tham quan, du lịch của người dân và du khách quốc tế mỗi khi có dịp ghé TP. Đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các nhà xuất bản cả nước, là nơi giao thoa, trao đổi về văn hóa trong cả nước và quốc tế.

Trước đây, những người đọc sách và làm sách chỉ có thể gặp nhau, trò chuyện, giao lưu vào những dịp Hội sách của Thành phố. Tuy nhiên, Hội sách được tổ chức hai năm một lần và các buổi giới thiệu sách được tổ chức riêng lẻ, từng nơi, chưa tạo được bầu không khí cho người dân thực sự quan tâm đến sách. Thấy được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong tình hình giải trí nghe nhìn đang lấn át việc đọc, lãnh đạo Thành phố đã quyết định thành lập Đường sách Thành phố tại đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1. Và sau 5 năm đi vào hoạt động, con đường dài gần 145m đã là điểm hẹn văn hóa lý tưởng của người dân, và là nơi đang dần tạo lập thói quen đọc sách cho công chúng.

Cắt băng khai mạc triển lãm hình ảnh, tư liệu chủ đề “Đường Sách TP.HCM
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và đại diện sở ngành cắt băng khai mạc triển lãm hình ảnh, tư liệu chủ đề “Đường Sách TP.HCM – Nhìn lại chặng đường 5 năm” trong sáng 9/1. Ảnh TTXVN

Ngoài các gian hàng sách cũ - nơi bày bán những quyển sách mang dấu ấn thời gian thì còn hơn 20 gian hàng được sắp xếp và bày trí độc đáo, nhiều thể loại sách, đa dạng phong phú đề tài, giúp người đọc có thể dễ dàng tìm cho mình những quyển sách “hợp gu”.

Tại địa điểm này, các buổi giới thiệu tác phẩm cùng hoạt động giao lưu với tác giả diễn ra sôi động, thú vị. Độc giả cũng là nhà báo theo dõi mảng sách, Phóng viên Võ Mạnh Hảo - Báo Nhân dân cho rằng Đường sách là nơi ngoài cung cấp tác phẩm mới thì còn là nơi để tìm thấy được những quyển sách chuyên sâu, phục vụ cho nhu cầu của mỗi người. “Theo tôi nghĩ nếu chọn ra điểm độc đáo nhất ở Thành phố theo tôi đó là Đường sách. Với không gian không quá rộng, chỉ là đoạn đường ngắn thôi, nhưng thật sự đây là không gian văn hóa rất lý tưởng. Khi bước vào Đường sách chúng ta như bước vào thế giới khác, thế giới của văn hóa, thế giới của sách, thế giới của tri thức. Chính vì có không gian như thế nên người dân Thành phố cũng như du khách tiếp cận được những nền văn hóa với nhiều loại sách hay hơn nữa. Những sự kiện diễn ra tại Đường sách cũng là điều kiện để cho văn hóa đọc ngày một lan tỏa hơn. Người dân Thành phố hình thành dần thói quen đọc sách cũng từ Đường sách này”, Phóng viên Võ Mạnh Hảo nói.

Trong khi đó, đối với các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách thì Đường sách là nơi đo lường thị hiếu độc giả. Bà Lê Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng Kinh doanh, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ nhận xét, từ khi ra đời đến nay hoạt động Đường Sách ngày càng sôi nổi và có ý nghĩa hơn. Sự nhận biết về Đường sách, những hoạt động của Đường sách ngày càng được bạn đọc biết đến nhiều hơn. “Những hoạt động của Đường sách là cơ hội tốt để giúp Nhà xuất bản tiếp cận với lượng lớn những bạn đọc. Hiểu rõ những nhu cầu mình tiếp cận trực tiếp. Mình tổ chức những buổi giao lưu, những buổi nói chuyện chuyên đề; hiểu rõ hơn về độc giả, độc giả cũng hiểu rõ hơn về tác phẩm. Đôi bên có sự tiếp cận gần gũi hơn", bà Lê Thị Thúy Hà cho biết thêm.

Đồng quan điểm với Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, thời gian qua, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chi nhánh TPHCM cũng đã có những buổi giao lưu, giới thiệu, trưng bày các tác phẩm theo chủ đề tuyên truyền các ngày kỉ niệm. Có thể nói, đây là bước đi mạnh dạn vì quan niệm dòng sách của Nhà xuất bản khá kén bạn đọc.  Theo ông Phạm Chí Thành – Nguyên Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật thì từ việc đo được sở thích, phản ánh của độc giả mà các Nhà xuất bản sẽ có định hướng dòng sách trong sự phát triển của riêng từng đơn vị. "Từ lời khen ,tiếng chê, tôi đều nghĩ tạo ra cho chúng tôi những ý tưởng phải có cách tiếp cận đa dạng hơn. Tự tìm đến công chúng, không phải công chúng tìm đến mình. Chúng tôi buộc phải lựa chọn sự kiện vì Đường sách này sự kiện kín hết, đăng kí phải đăng kí trước hàng tháng", ông Phạm Chí Thành nói.

Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập đường sách TP Hồ Chí Minh
Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập đường sách TP Hồ Chí Minh sáng 9/1 Ảnh TTXVN

Và để có được những thành tựu như hôm nay, không thể không kể đến ekip tổ chức sự kiện Đường sách, họ là những người đứng phía sau sắp xếp, tổ chức các buổi giao lưu ấy. Họ là những người thầm lặng, gác lại những ngày nghỉ cuối tuần bên gia đình để cùng tham gia các sự kiện với Đường sách, người đồng hành thầm lặng với việc tạo lập sân chơi cho các em thiếu nhi, cầu nối độc giả và tác giả, nhà xuất bản. Có thể nói, từ những lời động viên của chính độc giả, của các nhà xuất bản, các tác giả đã là động lực rất lớn cho họ cống hiến với không gian văn hóa đặc sắc này. Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy – Trưởng Văn phòng, sự kiện Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, niềm vui mà tất cả nhân viên đường sách cũng như các đơn vị ở đây khi làm việc đó là mình thấy được sự tận hưởng của khán giả, của độc giả. Có không gian để thư giãn bên cạnh nhau, quây quần nhau vào cuối tuần. “Hầu như các anh chị, các bạn công tác ở đây thì đều nói Đường sách là nơi chữa lành mọi vết thương. Là nơi có thể làm cho tâm hồn của mình thư thái yêu đời hơn, yêu cuộc sống và cống hiến nhiều hơn” , bà Thúy cho hay.

Theo thống kê, 5 năm qua, đã có hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó hơn 57.000 tựa sách mới, đón khoảng 11,5 triệu lượt khách và đem về doanh thu hơn 180 tỷ đồng, đã phần nào nói lên được sự đóng góp của Đường sách vào sự hình thành, phát triển văn hóa đọc. Cũng từ chính sự đồng hành, chia sẻ từ công chúng thì mọi vết thương sẽ được chữa lành, nhìn cuộc sống với gam màu tích cực, từ đó đóng góp công sức vào sự phát triển của Thành phố và đất nước.