Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm với tác phẩm Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston

Tác phẩm “Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston” của Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm ra đời một cách rất tình cờ, nhưng lại có ý nghĩa khi năm 2020 kỷ niệm 60 năm ngày Đồng Khởi.

Đó là tiểu thuyết sử thi với đầy ắp những sự kiện, nhân vật nổi tiếng của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre cách đây 60 năm, được tác giả gởi đến cho tất cả những ai quan tâm đến lịch sử, đến truyền thống của dân tộc. Tác phẩm này cũng nhận được giải B tác phẩm quảng bá học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy tuyên dương năm 2020. Phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn với nhà văn Đỗ Viết Nghiệm về tác phẩm “Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston”

Bìa cuốn sách Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston

*VOH: Thưa ông, xin ông cho biết sự ra đời của tác phẩm “Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston”?

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Cuốn này tôi viết rất tình cờ, có lần tôi đi công tác với nhạc sĩ Võ Đăng Tín thì ngồi trên xe tôi đi miền Tây đi qua thành phố Bến Tre trên đại lộ Võ Nguyên Giáp thì gặp một đường tên là Võ Văn Thẩm. Tôi mới hỏi là cái ông này sao lạ hoắc thế, anh Võ Đăng Tín mới nói: ba tôi đấy anh ạ. Ba ông làm gì mà được đặt tên đường. Võ Đăng Tín mới nói ông trước đây là Tỉnh ủy Bến Tre thời Đồng Khởi lúc đó ông làm Bí thư, thì bà Định là phó Bí thư năm 1960. Thế thì ông ấy mới kể ba tôi mới được đặt tên đường này, nhưng mà con đường này nó dài đấy, nhưng ngoằn ngoèo, thăng trầm giống bố tôi. Mới kể sơ sơ, thì tôi mới nói là để tôi viết cuốn tiểu thuyết về ba ông nhé. Thế là tình cờ như thế. Thế tại sao ông lại có tác phẩm giao hưởng về ký ức Đồng Khởi mà được biểu diễn ở Boston (Mỹ). Tôi thấy hay quá và tôi viết tiểu thuyết này.

*VOH: Vậy là tiểu thuyết ra đời một cách rất tình cờ, nhưng sao tác phẩm lại có tên là “Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston”?

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Tôi viết cuốn tiểu thuyết này để mà muốn nói lên một thời kỳ đặc biệt là kỷ niệm 65 Đồng Khởi. Tôi viết cuốn tiểu thuyết này với mục đích là tình cờ gặp người con của Bí thư thời Đồng Khởi năm 1960. Ông mới kể cho tôi nghe tại sao bản giao hưởng này được biểu diễn ở Boston. Đó là 1 lần nhà hát giao hưởng của thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó Võ Đăng Tín là Giám đốc nhà hát giao hưởng. Ở Nhật Bản mời đoàn nhà hát giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh sang Tokyo để biểu diễn. Liên hoan độ khoảng bốn, năm đoàn nhưng trong đó đoàn Mỹ là khách mời đặc biệt. Đến biểu diễn ở Tokyo hôm ấy, đoàn trưởng Mỹ rất bất ngờ nói với phiên dịch của Nhật trong ban tổ chức, bảo Việt Nam lạ quá, tác phẩm rất hay, Việt Nam chiến tranh như thế, đánh nhau như thế, mà tại sao viết kịch bản giao hưởng hay như thế này, chỉ có phương Tây, những nước phát triển mới viết được những bản giao hưởng như vậy, mà Việt Nam viết được vẫn rất hay. Thì Võ Đăng Tín đến hỏi anh có thích không, nếu thích thì mình tặng, với điều kiện là khi biểu diễn ở Mỹ ở Boston là phải mời sang. Thì Nhạc trưởng đồng ý, và mấy tháng sau thì biểu diễn ở Boston. Mời sang 2 lần, 1 lần ổng Tín bị ốm, 1 lần thì giấy mời đến trễ, nhưng sau đấy thì biểu diễn thì ghi lại toàn bộ gởi sang cho ông Tín.

*VOH: Khi viết tác phẩm này với những nhân vật có thật, mang tính lịch sử như vậy, ông có gặp khó khăn gì không?

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Khó khăn nhất đó là thông thường những tác phẩm này người ta viết dưới dạng hồi ký hoặc là truyện ký để nói người thật, việc thật. Nhưng tôi lại viết tiểu thuyết nhưng lại lấy hoàn toàn tên các nhân vật là tên thật, đó là khó khăn thử thách lớn nhất. Bởi vì khi anh nói sự thật, con người thật đó thì rất dễ có những cái mà trong quá trình đó, có thể có những đụng chạm, những người không hài lòng. Viết tác phẩm này với mục đích như vậy để ca ngợi họ, tôi không thay đổi hư cấu tên ai hết.

*VOH: Điều ông muốn gởi gắm qua tác phẩm này là gì?

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm: Tôi muốn gởi đến cho tất cả những người dân Việt Nam, tất cả những ai quan tâm đến lịch sử, đến truyền thống của dân tộc, mà sự kiện Đồng Khởi là một sự kiện nổi bật nhất. Một trong những sự kiện mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là sự kiện cực kỳ nổi bật mà chính từ sau Đồng Khởi thì Trung ương bắt đầu thay đổi. Trước đây là cuộc chiến tranh của chúng ta là chủ yếu về chính trị, nhưng qua Đồng Khởi chứng tỏ ra một điều là phải kết hợp giữa chính trị quân sự và binh địch vận.

*VOH:  Xin cám ơn ông.