“Tháng cô hồn” và tập tục cúng cô hồn hằng năm

VOH - Theo dân gian, tháng cô hồn cần kiêng kỵ nhiều thứ để cuộc sống được thuận lợi. Liệu đó có phải là sự thật?

Người xưa quan niệm rằng, tháng cô hồn thường mang đến vận hạn xui xẻo. Tập tục cúng cô hồn cũng được người dân thực hiện qua nhiều thế hệ để “hối lộ” các vong linh không nơi nương tựa, tránh quấy phá gia đình. Ngoài ra, mặc dù chưa có cơ sở khoa học nhưng nhiều người vẫn truyền tai nhau những điều kiêng kỵ trong tháng này. 

Tháng cô hồn là tháng mấy năm 2023?

Tháng 7 Âm lịch hằng năm được dân gian gọi là “tháng cô hồn” hay tháng “mở cửa mả”. Vào năm 2023, tháng cô hồn sẽ kéo dài từ ngày 16/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 14/9 (tức 30/7 Âm lịch).

a 1
Năm nay, Rằm tháng 7 (15/7) Âm lịch rơi vào Thứ Tư, ngày 30/8 theo Dương lịch - Ảnh: Cổng thông tin Phật giáo

Xem thêm:
Nguồn gốc, ý nghĩa rằm tháng Bảy và những việc nên làm, nên tránh
Vì sao rằm tháng 7 là rằm lớn?
Vì sao tháng 7 âm lịch hay gọi tháng 'cô hồn', phong tục dân gian hay cúng xe?

Tháng cô hồn là gì?

Tại Việt Nam, tháng cô hồn kéo dài một tháng, vào tháng 7 Âm lịch hằng năm. Trên thực tế, quan niệm này còn tùy thuộc vào từng vùng miền và từng gia đình

Có gia đình quan niệm sâu sắc về tháng cô hồn, nhưng cũng có gia đình không mấy lưu tâm. Thế nhưng, phần lớn mọi người đều rất cẩn trọng khi làm việc gì đó trong cả tháng 7 Âm lịch. Đặc biệt, rất ít người chọn mở công ty, khai trương cửa hàng, xây nhà… vào tháng này.

Vì sao tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn?

Tên gọi tháng Cô hồn bắt nguồn từ Đạo Giáo của người Trung Quốc. Họ quan niệm rằng, bắt đầu từ mùng 2 tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ mở quỷ môn quan cho các vong linh, quỷ đói khát được quay trở về dương gian. Cánh cửa này sẽ đóng dần lại vào giữa đêm ngày 14 tháng 7 Âm lịch. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, mọi người trên dương thế sẽ mở rộng lòng từ bi bằng cách cúng cháo, gạo, muối... để bố thí cho các vong linh, quỷ đói. Đồng thời mong muốn các vong linh đừng quấy nhiễu cuộc sống của người trần gian. 

Tích khác nói rằng, tôn giả A Nan Đà (Đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng, 3 ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để cứu sống đó là cúng cho quỷ đói thức ăn để ông được tăng thêm tuổi thọ. Ngài A Nan Đà đã áp dụng bài chú được Phật Thích Ca Mâu Ni truyền cho để đem tụng trong lễ cúng cô hồn, ngạ quỷ và được thêm phước.

Còn tại Việt Nam, chúng ta quan niệm rằng, con người sẽ có phần xác và phần hồn. Khi chết đi, nếu phần hồn không thể đầu thai, sẽ phải chịu tội ở dưới âm Ty Địa Ngục. Hằng năm, cứ vào tháng 7 Âm lịch, những vong linh bị tội sẽ được phép quay trở lại dương thế để tìm kiếm đồ ăn, đồng thời mong được đầu thai chuyển kiếp. Vì vậy, mà suốt tháng 7 Âm lịch, mọi đồ đạc như: Áo quần, xe cộ,... đều kỵ không nên mua, kẻo sẽ bị ma quỷ quấy phá, hoặc có mua thì chỉ mua cho người âm.

Ngày Rằm tháng 7 (tức 15/7 Âm lịch) vừa là ngày lễ Vu lan báo hiếu, vừa là lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là lễ thí thực cho chúng sinh (cúng chúng sinh). Theo một số tài liệu, người miền Bắc thường trọng lễ Xá tội vong nhân, còn tại miền Trung và miền Nam lại đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.

Tháng cô hồn trong tiếng Anh được gọi là Ghost Month (Tháng ma quỷ). Không chỉ nằm trong tín ngưỡng của các nước phương Đông, các nước phương Tây cũng có ngày Xá tội vong nhân tương tự đó chính là Halloween hay còn được biết đến rộng rãi là ngày hội hóa trang ma quỷ.

a 2
Nhiều hoạt động thờ cúng, báo hiếu, giải hạn được người dân thực hiện trong tháng 7 âm lịch - Ảnh: VTV

Xem thêm:
Lễ Vu Lan 2023 vào ngày nào? Những điều nên làm và cấm kỵ
Tổng hợp 56 lời chúc Vu Lan báo hiếu cha mẹ ý nghĩa nhất
Báo hiếu cha mẹ đúng cách là làm những gì?

Ý nghĩa tháng cô hồn và việc cúng cô hồn

Theo Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cúng cô hồn là lễ cúng thí thực cho các vong hồn bơ vơ, không có ai thờ cúng. Lễ được tiến hành chu đáo ở nhiều ngôi chùa với mong muốn các vong hồn được vãng sanh về Tịnh độ. 

Qua phần cúng thí thực cô hồn, có thể thấy lòng từ bi của chư Phật cùng sức mạnh của câu chân ngôn cộng hưởng với năng lực tu hành đức độ của hành giả tác động vào thần thức của cô hồn, giúp cô hồn, ngạ quỷ tỉnh ngộ và siêu thoát.

Đặc biệt, tháng 7 Âm lịch trong Kinh Phật cũng là tháng Vu lan báo hiếu (với Lễ Vu Lan báo hiếu vào 15/7 Âm lịch) thể hiện sự kính trọng, tưởng nhớ đến công lao cha mẹ, ông bà, tổ tiên và những anh hùng dân tộc đã có công gìn giữ tổ quốc ngày hôm nay.

Tháng cô hồn kiêng gì?

Ngoài những lễ tiết cúng bái trong tháng 7 Âm lịch, dân gian còn lan truyền những điều cấm kỵ, những kiêng khem ngặt nghèo. Bởi họ cho rằng, nếu làm những việc đó sẽ gặp phải nhiều điều xui xẻo. Dưới đây là một số điều cần kiêng kỵ trong tháng cô hồn được ông cha ta truyền lại:

  • Không được treo chuông gió trước đầu giường, vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập, quấy phá.
  • Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm, nếu có đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.
  • Không được ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai họa vào mình.
  • Không tùy tiện đốt giấy tiền vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến.
  • Không nên đứng, ngồi, nằm, trốn… ở cây đại thụ vì đây là nơi âm khí hội tụ nên ma quỷ rất thích. Ngoài ra, tuyệt đối không tự ý chặt những cây này, bởi đây có thể là “nhà” của ma quỷ, nhất là “ma trơi”.
  • Kiêng cắt tóc vào tháng cô hồn, vì tóc vốn là một phần trong cơ thể của con người. Nếu cắt đi, những con quỷ đói sẽ dễ dàng chiếm đoạt một phần thân thể. Từ đó tạo điều kiện thu hút nó chiếm đoạt hoặc quấy nhiễu phần thân thể và linh hồn còn lại của con người...
a 3
Những điều đại kỵ trong tháng cô hồn - Ảnh: Báo Tiền Phong

Trên đây là 5 trong rất nhiều điều kiêng kỵ được dân gian truyền tai nhau qua nhiều đời. Theo chuyên gia văn hóa Ngô Đức Thịnh, những điều kiêng kỵ xét ở góc độ nào đó cũng mang những giá trị về phong tục. Tuy nhiên, “ai tin thì kiêng còn không thì cũng không sao cả, bởi đến tận bây giờ có đúng là cô hồn đi trên đường, lang thang khoa học cũng chưa thể nghiên cứu được”, GS.TS Ngô Đức Thịnh nói. 

Xem thêm:
Giật cô hồn là gì? Ý nghĩa của phong tục giật cô hồn ngày Rằm tháng 7
37 điều nên và không nên làm trong Rằm tháng 7
Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào?

Cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch

Cúng cô hồn là tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác và kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau.

Thời gian cúng

Người xưa quan niệm, từ mùng 2 đến ngày 14/7 Âm lịch là thời điểm Diêm Vương mở Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về với dương giới và thọ hưởng những lễ vật mà người dân cúng tế. Riêng ngày 15/7 Âm lịch là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa” nên người âm sẽ rất khó để “trở về” hoặc không thể nhận được đồ thờ cúng. 

Các cô hồn thường sợ ánh sáng. Vào ban ngày, dương khí mạnh sẽ khiến các vong hồn suy yếu, dễ bị đốt cháy. Do đó, mọi người thường tổ chức lễ cúng vào chiều tối để các cô hồn có thể ăn uống được.

Lễ vật cần chuẩn bị khi cúng

Tập tục cúng lễ cô hồn mỗi vùng miền khác nhau nên mâm cỗ cúng cô hồn cũng có những khác biệt. Thông thường, mâm cơm cúng cô hồn gồm những lễ vật sau:

  • Muối gạo: 1 đĩa.
  • Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ) hay là cơm vắt: 3 vắt.
  • 12 cục đường thẻ.
  • Giấy áo, giấy tiền vàng bạc. Trong đó, tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
  • Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...
  • Mía (để nguyên vỏ và chặt từng khúc nhỏ độ 15cm).
  • Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
  • Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Lễ cúng cô hồn được đặt tiến hành ở ngoài trời, trước cửa nhà, không được thực hiện trong nhà. Sau khi cúng xong, vật phẩm không được đem vào nhà, hay chia cho những người khác. Vẩy chút nước, cháo, toàn bộ đĩa muối, gạo rải ra tám hướng.

a 4
Với nghi lễ bông hồng cài áo, lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc - Ảnh: Cổng thông tin Phật giáo

Dưới góc độ khoa học, tháng 7 Âm lịch là thời điểm chuyển mùa, con người dễ bị ốm, đặc biệt là trẻ nhỏ, khiến cuộc sống khó khăn hơn. Ngoài ra, thời tiết không tốt cũng là lý do chính không nên khởi công xây dựng vào mùa này. Tuy nhiên, ông cha ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vì vậy, lễ nghi tín ngưỡng trong tháng cô hồn hoàn toàn có thể thực hiện và nó mang giá trị về mặt tâm linh. Nhưng không nên kiêng kỵ thái quá mà bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc sống. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.