Thực phẩm đã qua chiếu xạ, có nhiễm xạ hay không?

(VOH) - Chiếu xạ thực phẩm là phương pháp kiểm dịch các loại dịch hại có trong thực phẩm.

Xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản… trái cây tươi phải chịu sự kiểm duyệt tuyệt đối và phải tuân thủ các quy định kỹ thuật về trồng trọt và chất lượng sản phẩm. Trong đó, trái cây phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu và phải được chiếu xạ hay xử lý hơi nước nóng trước khi nhập khẩu.

Đa số các thị trường yêu cầu trái cây phải được chiếu xạ trước khi nhập khẩu và chiếu xạ là hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn các loài dịch hại có khả năng đi theo các sản phẩm xuất khẩu vào nước nhập khẩu.

trái cây chiếu xạ, voh.com.vn
Trái cây đã qua chiếu xạ (Ảnh: Farm online)

Chiếu xạ thực phẩm là gì?

Chiếu xạ thực phẩm là việc sử dụng các tia bức xạ (thường là tia gamma được phát ra từ chất phóng xạ Coban 60 hoặc Xesi 137) để chiếu vào thực phẩm nhằm diệt vi khuẩn, côn trùng và một số ký sinh trùng (ngoài ra nó còn có thể có tác dụng làm chậm lại quá trình chín của trái cây cũng như ngăn chặn sự nảy mầm của củ, hạt).

Các tia bức xạ này có tác dụng “bắn” vào ADN của các tế bào vi khuẩn hay vi sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm để tiêu diệt chúng. Đôi khi phương pháp chiếu xạ này còn được gọi là phương pháp khử trùng điện tử (electronic pasteurization) hay khử trùng lạnh (cold pasteurization) vì phương pháp này không sử dụng nhiệt độ để tiệt trùng.

Chiếu xạ thực phẩm là phương pháp kiểm dịch nhanh và hiệu quả để bảo quản và kiểm soát các tác nhân gây ảnh hưởng đến người sử dụng. Mục đích của việc chiếu xạ thực phẩm theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Mục đích của việc chiếu xạ thực phẩm: 

STT

Mục đích

Một số kết quả đạt được sau khi chiếu xạ

1

Phòng ngừa bệnh thực phẩm do vi sinh vật 

Hiệu quả để loại bỏ các vi sinh vật là nguyên nhân gây bệnh từ thực phẩm như Salmonella và E.Coli. 

2

Bảo quản thực phẩm

Tiêu diệt hoặc làm bất hoạt các vi sinh gây phân hủy thực phẩm để kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. 

3

Kiểm soát các loài dịch hại (sâu, bọ,...) 

Tiêu diệt các loài dịch hại trong hoặc trên trái cây xuất khẩu. Việc chiếu xạ cũng góp phần làm giảm các biện pháp phòng trừ sâu bệnh khác có thể thể gây hại cho trái cây. 

4

Trì hoãn sự nảy mầm và chín của thực vật. 

Ức chế sự nảy mầm (khoai tây) và trì hoãn sự chín của trái cây để kéo dài thời gian sử dụng. 

5

Tiệt trùng 

Chiếu xạ có thể được sử dụng để tiệt trùng thực phẩm, sau đó có thể bảo quản nhiều năm mà không cần làm lạnh. Các phi hành đoàn của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia (NASA) đã sử dụng thịt khử trùng bằng cách chiếu xạ để tránh mắc bệnh từ thực phẩm khi họ bay trong vũ trụ.

Thực phẩm tiệt trùng cũng rất hữu ích trong bệnh viện cho bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh nhân AIDS hoặc đang hóa trị. Thực phẩm được khử trùng bằng chiếu xạ được xử lý ở mức độ cao hơn đáng kể so với mức được cho phép sử dụng chung của thực phẩm thông thường. 

Chiếu xạ thực phẩm ít gây tổn thất dinh dưỡng so với các phương pháp sử dụng nhiệt như sấy và chế biến khác vì chúng được xử lý ở liều chiếu xạ rất nhẹ với năng lượng chỉ tương ứng với năng lượng hấp thu chỉ đủ để tăng nhiệt độ sản phẩm lên 0,36 độ C.

Thực phẩm chiếu xạ có an toàn hay không?

Ở nhiều quốc gia, thực phẩm chiếu xạ là vấn đề tranh cãi về tính an toàn của chúng. Không ít người tiêu dùng đang nhầm lẫn về thực phẩm được chiếu xạ và thực phẩm nhiễm phóng xạ.

Trong quá trình chiếu xạ không có bất kì thời điểm nào thực phẩm tiếp xúc với nguồn phóng xạ. Bất kì loại nguồn bức xạ nào gây ra hiện tượng phóng xạ đều không được phép sử dụng, chỉ được sử dụng nguồn bức xạ từ 3 nguồn (tia gamma từ Cobalt 60 hoặc Cesium 137, tia X, chùm electron) để tránh bất kì hiện tượng phóng xạ có thể xảy ra.

Các cơ quan quốc tế bao gồm Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) và Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế (CAC) đã đánh giá điều tra các dự án thực phẩm được chiếu xạ để xác nhận tính an toàn và chất lượng của các loại sản phẩm khác nhau đã chiếu xạ.

Việc điều tra cho thấy chiếu xạ thực phẩm có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các phương pháp khác để cải thiện tính an toàn về vi sinh và kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.

Như vậy, phương pháp này không làm thực phẩm bị nhiễm phóng xạ, không làm giảm chất lượng dinh dưỡng và không thay đổi đáng kể về cảm quan của thực phẩm.

Tại Việt Nam, các cơ sở thực hiện chiếu xạ thực phẩm và thực phẩm được đem đi chiếu xạ phải tuân thủ các quy định an toàn theo Quyết đinh số 3616/2004/QĐ-BYT ngày 14/10/2004 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định vệ sinh an toàn đối với thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ”.

Đối với việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đã qua chiếu xạ ngoài những thông tin bắt buộc theo quy định của pháp luật về ghi nhãn thực phẩm phải có dòng chữ “Thực phẩm chiếu xạ” hoặc dán nhãn hiệu nhận biết thực phẩm chiếu xạ biểu tượng “RADURA”.

Thực phẩm đã qua chiếu xạ có nhiễm xạ hay không? 2
Nhãn hiệu RADURA màu xanh được dán lên thực phẩm, thùng đựng thực phẩm để nhận biết thực phẩm chiếu xạ

Hiểu về chiếu xạ thực phẩm giúp người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng. Điều quan trọng cần lưu ý là chiếu xạ thực phẩm không phải là sự thay thế cho các hoạt động chế biến thực phẩm của nhà sản xuất, người chế biến và người tiêu dùng.

Thực phẩm chiếu xạ cần được bảo quản, xử lý và nấu chín giống như thực phẩm không được chiếu xạ, vì chúng vẫn có thể bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh sau khi chiếu xạ nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn thực phẩm cơ bản như để riêng các loại thực phẩm sống và chín, bảo quản thực phẩm tại các nhiệt độ an toàn thích hợp, nấu chín kỹ khi ăn đối với các loại thịt, cá, trứng và hải sản…

Các loài dịch hại (sâu, bọ…) và vi sinh vật nhiễm trong thực phẩm là nguyên nhân gây tổn thất thực phẩm đáng kể trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển và kinh doanh (15% ở ngũ cốc, 20% cho cá và sản phẩm từ sữa và đặc biệt lên đến 40% đối với trái cây và rau củ).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh do nhiễm vi sinh vật và ký sinh trùng là nguyên nhân thường xuyên gây tử vong trên toàn thế giới (35%), phần lớn xảy ra ở các nước đang phát triển. Do đó nhiều quy trình kỹ thuật đã được sử dụng để bảo quản thực phẩm như thanh trùng, đóng hộp, sử dụng chất bảo quản và chiếu xạ.