Đối thoại cùng Chính quyền thành phố: Chăm lo Tết cho người dân TPHCM

(VOH) - Chương trình “Đối thoại cùng Chính quyền thành phố” do Hội đồng Nhân dân TPHCM và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phối hợp thực hiện tháng 12/2015 với chủ đề “Chăm lo Tết cho người dân thành phố Hồ Chí Minh”.

Nghe lại chương trình:

Với chủ đề thiết thực, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cử tri thành phố. Trong đó, việc chăm lo cho gia đình chính sách có công, người nghèo; việc chuẩn bị nguồn hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Bính Thân 2016,… là những vấn đề được cử tri đặt ra cho các vị khách mời nhiều nhất. Mở đầu phần đối thoại, cử tri Nguyễn Công Dũng đặt câu hỏi: "Sắp tới Tết rồi, công nhân lao động thì 1 năm chỉ trong chờ có mấy ngày Tết, trông chờ lương thưởng còn có tiền về quê đón Tết, không biết Liên đoàn Lao động giám sát tiền lương thưởng của công nhân tại các doanh nghiệp, xí nghiệp là như thế nào?"

Phản hồi về vấn đề này, ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP cho biết: "Về việc giám sát tình hình lương thưởng Tết, ngay từ đầu tháng 10, Ban thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo đến các công đoàn cơ sở để tăng cường công tác giám sát tình hình lương thưởng Tết cho công nhân lao động, trong đó tập trung chỉ đạo cho các công đoàn cơ sở phối hợp với các chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch trả lương, trả thưởng cho công nhân, các doanh nghiệp công bố sớm để cho công nhân nắm được thời gian trả lương trả thưởng và mức thưởng để công nhân an tâm làm đến khi nghỉ Tết". 

Các khách tham gia chương trình Đối thoại cùng Chính quyền thành phố tháng 12/2015

Về vấn đề chăm lo Tết cho các đối tượng có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, công chức viên chức… Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM chia sẻ: "Liên Sở Lao động Thương bịnh Xã hội và Sở Tài chính đã có tờ trình và cũng được chấp thuận về kinh phí chăm lo các đối tượng này, kinh phí chăm lo Tết năm nay có tăng, riêng quà Tết cho gia đình cán bộ và gia đình có con em đang công tác tại Trường Sa thì mức quà là 1.500.000 đồng, quà Tết cho diện hộ nghèo thì năm nay tính mức nghèo theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân vừa thông qua thì chúng tôi đề nghị tăng từ 850.000 đồng lên 950.000 đồng cho 1 hộ gia đình,… còn đối với cán bộ công chức viên chức ở đơn vị hành chính sự nghiệp thì năm nay mức quà không tăng".

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Ngọc Kiều Trang – quận Tân Bình lại quan tâm đến bình ổn giá, an toàn vệ sinh thực phẩm, địa điểm bán hàng bình ổn: "Cận Tết, nỗi lo lắng lớn nhất với các gia đình là giá cả tăng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sở Công Thương có chương trình bình ổn giá, tôi muốn biết thông tin bình ổn giá như thế nào? Chỉ tiêu chất lượng của an toàn thực phẩm? các điểm bán? và các thông tin liên quan đến thương hiệu nằm trong chương trình bình ổn giá?".

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP cho biết: "Chúng ta nên mua ở những cơ sở đã đăng ký với nhà nước, đồng thời khi vào cửa hàng cần để ý cách bảo quản, thực phẩm theo nguyên tắc thì không được bày bán dưới nền nhà, thực  phẩm ăn ngày thì bày bán trên mặt đất cách 60cm, đồng thời khi quan sát sản phẩm cũng xem các sản phẩm đó có tươi ngon, đảm bảo vẻ cảm quan của sản phẩm như thịt phải có màu tươi, hồng nhạt, thị gà thì có màu trắng, không có các vết màu, vết thâm thể hiện thịt không được tươi, hay thịt cá bị ương, tôm sướt đầu,… còn với bao gói, thì bao bì phải nguyên vẹn, thứ hai là đạt các chỉ tiêu trên nhãn hàng hóa bao gồm tên nhà sản xuất, các chỉ tiêu chất lượng, thành phần cấu tạo, thứ ba là nắm được ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như khối lượng hoặc là các thông tin cảnh báo trên sản phẩm".

Còn về vấn đề làm sao tìm ra được thông tin chính xác về địa điểm bán hàng bình ổn thị trường, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho rằng: "Tất cả những sản phẩm mà các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, trong đó có 85 doanh nghiệp thì tất cả những sản  phẩm này đều có logo hàng bình ổn thị trường, nên có thể nhận biết sản phẩm mang logo. Thứ hai các điểm bán hàng đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay có 284 điểm, bao gồm toàn bộ các hệ thống siêu thị Co.opmart, Satramart, các cửa hàng của Vissan, tổng công ty công nghiệp thành phố và hệ thống các cửa hàng bán thịt gia cầm của công ty Phạm Tôn,… tất cả điểm bán đều có treo băng rôn, đều có dấu hiệu nhận biết. Đặc biệt khi đi vào trong điểm bán, tất cả hàng hóa đều có dấu hiệu hàng nào là hàng Vietgap, hàng nào đạt chuẩn thì đều có những tờ phướng, dấu hiệu nhận biết. tất nhiên chúng tôi cũng kiểm tra để ngăn ngừa các hành vi giả mạo, tức là không phải là điểm bán hàng an toàn mà họ tự treo băng rôn, chúng tôi sẽ yêu cầu các quận - huyện cùng kiểm tra, những điểm nào không nằm trong danh sách 284 điểm thì sẽ yêu cầu gỡ bỏ xuống".

Vai trò giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TPHCM đánh giá: "Qua khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách thì rõ ràng trong thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã có nhiều nỗ lực và phát hiện ra nhiều nguồn hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và nhất là các sản phẩm như là bánh mứt, củ kiệu, củ quả phục vụ người dân trong dịp Tết cũng còn nhiều phát sinh trong mấy năm qua về kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Chúng tôi thiết nghĩ rằng trong các ngành chức năng, cần tăng cường hơn nữa về quyền hạn, nhiệm vụ của mình, cần kiên quyết và xử lý triệt để hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm và việc phân biệt hàng gian hàng giả như thế nào để cho người dân thành phố được biết, để nhận dạng cho đúng chính hiệu. Mặt khác, các sản phẩm như rượu bia, bánh kẹo ở nước ngoài tràn vào bán dọc các chợ tự phát, lòng lề đường vào dịp Tết, các ngành chức năng cần kiên quyết xử lý".

Qua chương trình cho thấy, công tác chăm lo Tết cho người dân TPHCM đã được các cấp, các ngành chuẩn bị khá chu đáo, từ việc cung cấp hàng hóa, phòng ngừa các hàng gian, hàng giả,… cho tới công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đã sẵn sàng để Tết đến với mọi người mọi nhà an vui.

Khách mời tham gia chương trình:

Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, Hội đồng Nhân dân TPHCM.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM.

Ông Giang Văn Nam, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TPHCM.