Đối thoại cùng chính quyền thành phố: Công tác giảm ngập đã có nhiều chuyển biến

(VOH) - Chương trình trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền TP về thực trạng và giải pháp giảm ngập ở TP sáng 25/8 đã chuyển tải nhiều thông tin cụ thể và thiết thực về tín hiệu vui, những thuận lợi và khó khăn trong công tác giảm ngập trên địa bàn TP. Do đây là một trong 6 chương trình đột phá mà Đại hội đảng bộ TP lần thứ 9 xác định thực hiện nên lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện cũng như cử tri đặc biệt quan tâm.

Nhiều cử tri đặt câu hỏi vừa mang tính phát hiện, vừa hiến kế để tìm ra các giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào những điểm nóng về ngập ở TP như: quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè,… Cử tri Đoàn Văn Bên (Q. Bình Thạnh) gọi đến chương trình bày tỏ lo lắng về tình trạng ngập thường xuyên trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và các tuyến đường lân cận. Ông bức xúc: "Đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay mưa là ngập, mà ngập sâu xe hơi đi cũng chết máy. Thế thì hiện nay, nước, triều cường càng cao, toàn mưa lớn, đề nghị HĐND, UBND TP có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên cho người dân đi lại và sinh hoạt hàng ngày".

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn

Với ý kiến khá cụ thể này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP đã trả lời đi vào trọng tâm và làm thỏa mãn cử tri khi cho rằng, các dự án chống ngập sẽ được triển khai ngay tại khu vực này. "Đường Nguyễn Hữu Cảnh đã đầu tư quá lâu, hiện trạng mặt đường tương đối thấp, quy mô vượt quá khả năng thoát nước khu vực, dẫn đến quá tải. Hiện nay TP có 1 dự án do Khu quản lí giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư đang triển khai, nếu đạt tiến độ sẽ khởi công năm 2013. Hy vọng sẽ đảm bảo thoát nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề ngập ở tuyến đường này vẫn có thể xảy ra nếu có mưa và triều cường đạt mức báo động 2 và báo động 3" - ông Dũng giải thích.

Cũng là điểm nóng về ngập và đường sá xuống cấp, cử tri Nguyễn Quyết Tâm (Q.Thủ Đức) rất lo lắng về một vài tuyến đường và bờ kè thuộc khu phố 9, phường Trường Thọ xuống cấp. Tuyến đường này thường xuyên bị nắng bụi, mưa sình, ngập ngụa ảnh hưởng đời sống người dân. "Phường Trường Thọ, khu phố 9, có đoạn đường từ cầu Nhà Chà đến đường số 2, hơn một cây số mà bỏ bê, không thực hiện được. Tôi muốn trực tiếp giao lưu để hỏi ý định của TP có cho kinh phí làm không hay như thế nào?" - cử tri Nguyễn Quyết Tâm phản ánh.

Bà Trần Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND Quận Thủ Đức đã giải đáp thắc mắc của cử tri Nguyễn Quyết Tâm bằng những việc sẽ làm cụ thể vào thời gian tới để giải quyết thực trạng trên. "Tính đến bây giờ, Quận đã phê duyệt dự án duy tu bằng nguồn kinh phí TP là 7,6 tỷ. Từ nay đến cuối năm, Ban quản lí sẽ đấu thầu để nhanh chóng triển khai sớm. Trước mắt, quận cùng các ngành và phường Trường Thọ vận động bà con tiến hành thảm nhựa mặt bằng hiện hữu, trước mắt là làm hệ thống tự thoát nước ở 2 bên để bảo đảm công trình duy tu lán nhựa sớm hoàn thành phục vụ bà con khu vực" - bà Trần Thị Hạnh nói.

Chương trình cũng nhận được nhiều vấn đề khá cụ thể mà cử tri TP quan tâm, trong đó cử tri nêu lên nhiều nhất vẫn là các dự án thi công chậm. Đây chính là nguyên nhân làm cho TP xuất hiện ngày càng nhiều điểm ngập thêm. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Thế kỷ - Phó giám đốc Sở giao thông vận tải: "Vừa qua có những công trình thi công chậm, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan để chấn chỉnh hoặc thay thế chỉ huy trưởng công trình, đơn vị thi công nếu trường hợp kéo dài, hoặc quá kéo dài thì chấm dứt hợp đồng thi công, thay thế đơn vị mới. Như trong thời gian qua, dự án đường Bùi Hữu Nghĩa đã thay thế đơn vị thi công thì thấy hiệu quả. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để chấn chình việc này".

Sạt lở bờ sông, đê bao, việc lấn chiếm sông kênh rạch của người dân, tiến độ triển khai các dự án công trình đê bao chậm,… cũng được bàn tới khá nhiều. Theo đánh giá, Quận 12 là địa phương mà thời gian qua xảy ra nhiều sự cố bể bờ bao, tràn bờ gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó chủ tịch thường trực UBND Quận 12 cho biết: "Từ nay đến cuối năm 2012, quận 12 chuẩn bị triển khai 9 công trình với chiều dài gần 11km, kinh phí 97 tỷ đồng. Quận cũng đang triển khai gia cố 2 tuyến bờ bao xung yếu, xóa 5 điểm ngập, tiến hành nạo vét 8 tuyến kênh rạch. Như vậy, những công trình mà quận chuẩn bị triển khai thi công sẽ giúp giảm ngập do mưa, triều cường, sạt lở trên địa bàn quận sẽ có tiến triển tốt, giúp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương".

Người dân và lực lượng chức năng gia cố lại bờ bao bị bể tại P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức.

Cũng về vấn đề bờ bao và phòng chống lụt bão, ông Trần Công Lý, Phó GĐ Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP cho biết đã kiểm tra ở các quận, huyện và bước đầu cho thấy cũng đảm bảo được an toàn cho người dân. "Hiện nay, rất mừng là TP chỉ đạo thành lập lực lượng quản lí đê (nhân nhân) trên địa bàn tất cả các phường, xã. Chính hoạt động này đã góp phần kiểm tra và phát hiện có vấn đề gì thì báo cho cơ quan chức năng xuống xử lí ngay. Các lực lượng này hoạt động hiệu quả. Đặc biệt là những lúc triều lên cao thì các đơn vị trực 24/24 vừa lực lượng và trang thiết bị, đặc biệt là tập hợp các máy bơm với công suất cao, nếu ngập do tràn bờ, bể bờ bao do mưa bão, xả lũ, nước ngập trong dân thì các đơn vị này bom ngay. Vậy, với các giải pháp này thì bà con cử tri yên tâm" - ông Lý nói.

Gần 60 của phút chương trình trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền thành phố " trên sóng AM 610KHZ của Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM, đông đảo cử tri thành phố với các vị khách mời là lãnh đạo các sở, ngành đã thực sự làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thực trạng cũng như đưa ra các giải pháp để giảm ngập, góp phần thực hiện tốt 1 trong 6 chương trình đột phá của Đảng bộ TP khóa 9. Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách - HĐND TP đánh giá: "Chúng ta thấy rằng, việc ngập nước trên địa bàn TP.HCM đã được Đảng, chính quyền và nhân dân rất quan tâm. Để giải quyết chương trình này, theo số liệu thông tin từ các sở ngành thì hàng trăm tỷ trong thời gian qua chúng ta bỏ vốn ra đầu tư. Hiện nay, TP vẫn xem chương trình chống ngập là chương trình trọng điểm. Tôi hy vọng rằng, chương trình này sẽ được nhiều cơ quan quan tâm để thực trạng chống ngập ở TP sớm được như mong muốn của tất cả chúng ta. Bản thân tôi cũng rất quan tâm đến chuyện này và những vấn đề mà các sở ngành hứa với cô bác cử tri sẽ là vấn đề mà HĐND tiếp tục quan tâm từ nay đến kỳ họp gần nhất của HĐND".

Theo Nghị quyết, trong nhiệm kỳ từ nay đến năm 2015, TP sẽ tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố với khoảng 100 km2; kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại với khoảng 580 km2. Đặc biệt là giải quyết dứt điểm 25 điểm ngập còn lại và kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới thì công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị là một trong những nội dung quyết định, cần được tập trung thực hiện. Hy vọng, các chủ trương, chính sách giảm ngập sẽ được triển khai quyết liệt hơn nữa, hoàn thành sớm nhất nhằm tiến tới xây dựng TP chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại.