"Cơ hội vàng" cho các start-up công nghê du lịch

(VOH) - Ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TPHCM nói riêng đang có những bước chuyển trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển du lịch thông minh.

Không có công nghệ, tất yếu sẽ lạc hậu. Nhận diện hệ quả đó, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TPHCM nói riêng đã và đang có những bước chuyển trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển du lịch thông minh, trong đó cung ứng dịch vụ du lịch trực tuyến, số hoá điểm đến, số hoá doanh nghiệp, số hoá quy trình trải nghiệm của du khách là các yếu tố then chốt.

Tuy vậy, đầu tư công nghệ số cho du lịch thông minh một cách thực chất, tạo ra những sản phẩm du lịch đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế vẫn đang là những thách thức đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay.

Nhiều start-up hướng tới du lịch thông minh

“Số hoá” là bước đi bắt buộc khi hướng đến du lịch thông minh. Đây chính là sự vượt trội so với cách làm du lịch truyền thống lâu nay.

Là chuyên gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn nhận định: việc số hoá sản phẩm du lịch, số hoá quy trình làm việc của doanh nghiệp du lịch, quy trình phục vụ khách hàng và số hoá trải nghiệm của du khách sẽ tạo nên chuỗi giá trị to lớn trong du lịch thông minh, giúp du khách trên toàn thế giới thấu hiểu các giá trị chân thật nhất của du lịch Việt Nam. Vì vậy, nơi nào chậm chân đồng nghĩa với việc mất một thị trường mới, đó là du lịch trải nghiệm.

Theo ông Quân: “Phải kết hợp số hoá, kết hợp xây dựng thương hiệu địa phương, từ đó giúp du khách quốc tế thấu hiểu giá trị chân thật nhất. Họ không thể đến đây mới hiểu mà phải tiếp cận từ nhà, từ quốc gia của họ, để cảm nhất trước. Nơi nào hấp dẫn nhất thì họ sẽ đến. Khi du khách đi theo xu hướng trải nghiệm thì hành vi nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sản phẩm trước, điểm đến… buộc phải coi là xu hướng người dùng”.

Trong năm 2019, TPHCM đã triển khai ứng dụng mã vạch - QR code với hệ thống 25 bảo tàng và nhận được sự hài lòng từ du khách qua trải nghiệm tương tác. Năm 2020, Sở Du lịch TPHCM tiếp tục triển khai số hóa thực tế ảo những điểm đến nổi tiếng của Thành phố, sau đó tích hợp trên website của Sở Du lịch, trong đó Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là “bảo tàng số” đầu tiên tích hợp tương tác thông minh ở dạng 3D-360.

bảo tàng, du lịch thông minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Thông qua dữ liệu Point Cloud được thu thập từ máy quét cố định, du khách có thể tận tay sờ vào hiện vật với mô hình 3D ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Ông Trần Duy Hào - người sáng lập, Giám đốc điều hành Star Global - đơn vị thực hiện phối hợp thực hiện dự án này chia sẻ: "Thay vì phải đi vào và đến tận nơi, người ta có thể xem trước điểm đó có đáng để tới hay không. Bình thường khi đến bảo tàng du khách chỉ xem những vật thể, không ai được sờ vào hiện vật, nhưng khi số hóa 3D, du khách có thể thoải mái sờ, chạm trên thiết bị di động của mình và xoay trở nó khi tiếp xúc. Họ cũng có thể đọc thông tin về hiện vật đó ở dạng văn bản, ở dạng giọng nói, video, 3D và cho du khách rất nhiều trải nghiệm. Đó là cách khai thác và tạo ra cảm xúc để giúp du khách hiểu về văn hóa lịch sử và những câu chuyện đằng sau về hiện vật”.

Không đứng ngoài sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và trước yêu cầu đổi mới sáng tạo thì nhiều star-up khởi nghiệp công nghệ du lịch đã cho ra đời các mô hình kinh doanh mới mẻ để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế. Có thể kể đến giải pháp phát triển ứng dụng dịch vụ du lịch trực tuyến hay còn gọi OTA - một trong những kênh thịnh hành nhất hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới.

Ông Đồng Hoàng Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Enet Tenology cho biết về các giải pháp số hoá khi đơn vị này thực hiện tại nhiều khách sạn lớn từ Nam chí Bắc: “Thông thường các khách sạn hiện nay phải dựa vào kênh bán OTA với chi phí hoa hồng cao. Về mặt hình thức, các khách sạn khi vận dụng giải pháp vào kinh doanh giống như booking online phải có các chế độ như triển khai khuyến mãi, coupon, hình thức membership để từ đó chấp nhận các booking, giảm các kênh bán có hoa hồng cao.

Giải pháp thứ hai là dành cho các hãng lữ hành. Các hãng lữ hành khi bán tour, thường thông qua các kênh OTA cũng có những giải pháp linh hoạt để đặt tour dành cho khách đoàn. Các cộng tác viên và khách trực tiếp đều có thể đặt tour trên cùng hệ thống mà không bị quá tải.

Giải pháp khác là sàn giao dịch. Đây là kênh nối tất cả các khâu như khách sạn, các hãng lữ hành vào cùng một hệ thống, có chính sách khuyến mãi để cho khách hàng có thể tiếp cận được chính sách khuyến mãi này của các hãng lữ hành”.

Trong khi đó, bằng giải pháp quản lý nhân sự trên nền tảng trực tuyến, giờ đây các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn có thể thực hiện quản lý hoat động nhân sự, tiến độ thực hiện công việc, đặc biệt hình thức chấm công trực tuyến trên điện thoại thông qua GPS hay nhận diện khuôn mặt.

Ông Trần Việt Quân - người sáng lập, Giám đốc điều hành GMA cho biết: “Trên thị trường chỉ có một cách chấm công trên máy chấm công hoặc trên file Excel, còn mình đưa ra phương pháp chấm công bằng GPS. Khi người ta đi tới một địa điểm nào đó có thể chấm công ở vị trí đó, khi vào trí xác thực có phải nhân viên mình không thì cần phải thực hiện phương pháp AI. Trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện được nhân viên chấm công với hình mà họ chụp so với hình được lưu trong dữ liệu có đúng là người chấm công hay không. Công nghệ này giải quyết cho nhiều mô hình, đặc biệt là mô hình quản lý nhà hàng khách sạn, nhất là làm theo ca, xếp lịch”.

Là một trong những start-up thành công với sàn giao dịch thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) trong lĩnh vực du lịch - khách sạn, ông Đào Quang Thuận - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành BedLinker, đồng thời chủ nhiệm CLB du lịch thông minh cho rằng: quy trình tìm và đặt phòng khách sạn là yếu tố quan trọng của một chuyến du lịch.

Tuy nhiên, hiện 60% các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chủ yếu vẫn áp dụng thủ tục đặt phòng theo phương pháp truyền thống nên rất tốn kém thời gian. Theo ông, với giải pháp tích hợp sàn thương mại điện tử B2B và ứng dụng phần mềm quản lý bán phòng hoàn toàn có thể thay thế phương thức truyền thống nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho ngành du lịch.

du lịch

Nhiều doanh nghiệp lữ hành quán lý bán tour và đặt chỗ online, giúp kiểm soát được chỗ trống trên tour và các thông tin yêu cầu của du khách.

Ông Thuận đánh giá: “Theo cách truyền thống, người dùng cuối gọi cho một đại lý, đại lý phải gọi hỏi khách sạn, các đơn vị nguồn cung, rồi chờ rất lâu để báo giá cho người dùng cuối. Quá trình này mất rất nhiều thời gian mới có thể chốt được deal. Hiện nay, với công nghệ mới, đại lý chỉ cần có tên trên sàn B2B, bổ sung các sản phẩm có sẵn về phòng và dịch vụ, du khách sẽ có thể book được ngay luôn. Lúc đó, khách chỉ dựa trên thông tin từ sàn giao dịch này, nếu thấy đúng với những gì mà khách yêu cầu thì giao dịch coi như được triển khai và xác nhận ngay. Quá trình này ít tốn thời giạn, khách hàng cũng sẽ hài lòng hơn vì tiết kiệm cho họ 80-90% thời gian cho người dùng so với cách đặt qua đại lý như trước kia”.

>>> TPHCM định hướng xây dựng du lịch thông minh trên nền tảng đô thị thông minh

>>> 4 điểm đến tuyệt vời tại Bình Thuận có thể khám phá trong 1 ngày

Cần lắm sự gắn kết giữa các công ty du lịch

Du lịch toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ với sự lên ngôi của du lịch trực tuyến, đặc biệt hậu COVID-19. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là cơ hội vàng không chỉ cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mà cả các start-up công nghệ du lịch nắm bắt cơ hội đầu tư phát triển.

Theo  PGS-TS Võ Thị Ngọc Thuý - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM tại chuỗi Hội thảo công nghệ 4.0 về du lịch thông minh mới đây, việc phát triển du lịch thông minh, du lịch trực tuyến không thể thiếu sự gắn kết giữa các start-up công nghệ về du lịch và các doanh nghiệp du lịch đang có hình thức kinh doanh truyền thống.

Với vai trò cơ quan quản lý, Sở Du lịch TP đã và đang kết nối các đơn vị này để ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh, hình thành một cơ sở dữ liệu dùng chung cho TPHCM trong thời gian tới.

Trong giai đoạn đầu tiên, chúng tôi dự kiến đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu chung. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch khi kết nối được cơ sở dữ liệu từ nhiều đơn vị kinh doanh trong hệ sinh thái của ngành Du lịch, để vừa có tính dự báo về hành vi của du khách, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết quản lý nhà nước về du lịch với các Doanh nghiệp. Đó là cơ sở để tiến tới hình thành trung tâm điều hành du lịch thông minh, có sự kết nối với Trung tâm điều hành đô thị thông minh hiện nay của TPHCM” - PGS-TS Võ Thị Ngọc Thuý cho biết thêm.

Cũng với sứ mệnh tạo ra hệ sinh thái trong du lịch thông minh từ các tài năng start-up, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp sông Hàn cho rằng: “Công nghệ 4.0 thực sự được truyền thông rất nhiều nhưng doanh nghiệp sử dụng 4.0 cũng còn vô cùng ít. Vì sao vậy? Thực sự, các start-up sau 5 năm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trưởng thành, họ có sản phẩm tuyệt vời nhưng việc họ gia nhập vào thị trường vô cùng khó khăn. Vì sao lại như vậy? Vì doanh nghiệp du lịch F&B không chịu thay đổi tư duy. Họ cũng bận rộn quá nhiều và một điều nữa là mô hình kinh doanh truyền thống trước đây họ hay dùng mối quan hệ, họ dùng giá cả quen rồi, cho nên bây giờ nếu thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức rất là khó. Chính điều đó khiến chúng tôi nghĩ rằng cần phải xây dựng niềm tin, cần phải kết nối với nhau bằng trái tim, chứ không phải đưa công nghệ rồi yêu cầu doanh nghiệp sử dụng”.

Có thể thấy, giải pháp chuyển đổi số sẽ dẫn tới gần như tái cấu trúc toàn bộ cơ chế vận hành của doanh nghiệp. Song đây là sự thay đổi mà không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng sẵn sàng và đủ tiềm lưc để bước vào cuộc chơi lớn này. Mặt khác, số hoá không có nghĩa là chỉ chuyển đổi các thông tin du lịch lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá du lịch tới đối tượng khách hàng mục tiêu. Để thực hiện điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy và hành động của toàn ngành du lịch, từ đơn vị quản lý đến các doanh nghiệp để tăng cường năng lực công nghệ phù hợp xu thế phát triển hiện nay.

Du lịch thông minh - Hành trình số hóa những trải nghiệm - Bài 1: Khi du khách “thông minh” hơn - Xu thế “thông minh” được đặt tên cho nhiều thiết bị vô tri và cả những lĩnh vực dịch vụ trong đó có du lịch.