Doanh nghiệp lữ hành gian nan tiếp cận vốn vay tín chấp

(VOH) - Đến hết tháng 12, ngành du lịch nước ta đón khoảng 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế nhưng chủ yếu là trong tháng 1/2020, số lượng này giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với khách nội địa, ngành cũng chỉ đón được 55 triệu lượt, giảm 35% so với năm 2019. Tổng thu về du lịch ước đạt 320 ngàn tỷ đồng, giảm 54% so với mức 755 ngàn tỷ đồng của năm 2019. Thông tin này được ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho hay tại Tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách” vào sáng 23/12.

Tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách” do Báo Người lao động tổ chức sáng 23/12.
Tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách”

Ông Chung cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ cấu trúc của ngành du lịch cũng như xu hướng, thị hiếu của du khách. Cả nước có hơn 30.000 cơ sở lưu trú nhưng hơn 1/5 số cơ sở lưu trú trên cả nước đã phải đóng cửa, 1/3 trong số còn lại hoạt động cầm chừng. Riêng đối với doanh nghiệp lữ hành, 350 đơn vị đã chính thức đề nghị Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép để chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác, đó là chưa kể những doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, chờ thời hoặc cầm cự để chờ đón khách du lịch quốc tế. Tổng thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam ước tính khoảng 23 tỷ USD… Trước thực tế đó, trên cơ sở đề xuất của các Doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch các địa phương, Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ VH,TT&DL đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Du lịch cũng như người lao động trong ngành để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, theo ông Chung, vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận: Đó là các nhóm giải pháp về thuế, phí, giá, về hỗ trợ người lao động trong gói 82.000 tỷ của Chính phủ, giải pháp về tài sản, tiền tệ cũng như kịp thời phối hợp, đề xuất với Chính phủ những giải pháp hỗ trợ khác như về tiền thuê đất, giá điện… nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Dự kiến trong năm 2021, sẽ tiếp tục tập trung kiến nghị lên Bộ VH,TT&DL để Bộ cùng với các Bộ, Ban ngành đề xuất lên Chính phủ có những giải pháp cần thiết tháo gỡ khó khăn về vốn, về chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch tiếp tục duy trì hoạt động, chờ cơ hội phục hồi khi chuẩn bị đón đầu khách quốc tế quay trở lại cũng như phát triển thị trường khách du lịch nội địa.

Doanh nghiệp lữ hành đề xuất vay vốn tín chấp

Chính sách vay vốn cần thiết nhất mà các doanh nghiệp du lịch - lữ hành đề xuất tại Tọa đàm này đó là làm sao các Ngân hàng phải xem xét cho vay bằng hình thức tín chấp. Vì sau nhiều lần dịch Covid-19 bùng phát, số tài sản cố định ở các doanh nghiệp đã đem đi thế chấp để duy trì hoạt động, giữ chân nhân viên, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp có tiềm lực - điển hình như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Đến nay dù chưa phải sử dụng đến dòng vốn vay nhưng theo ông Võ Anh Tài, Phó TGĐ SaigonTourist Group, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, tới đây, đơn vị cũng sẽ cân nhắc để sử dụng. Đặc biệt, với các Công ty con, các đơn vị liên doanh, liên kết hoặc có cổ phẩn của SaigonTourist Group ở các địa phương đã gặp những khó khăn về vốn. Quá trình đàm phán vay vốn đối với các công ty này cũng gặp những khó khăn nhất định trong các thủ tục, điều kiện cho vay. "Qua những lần tái bùng phát dịch, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp cũng đã cạn kiệt. Do đó, những chính sách cho vay cần phải xem xét, nới lỏng hơn, vì trong lúc này doanh thu của doanh nghiệp cùng với dòng tiền hoạt động hết sức khó khăn. Các tài sản thế chấp đã hết rồi. Bây giờ, chỉ còn vay tin chấp. Do đó, với những doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng vay tin chấp thì các ngân hàng cũng nên cho vay", ông Tài cho hay.

Bên cạnh việc đề xuất, xem xét cho vay theo tín chấp, ông Nguyễn Minh Ngọc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quản trị Công ty Vietravel kiến nghị Chính phủ xem xét khởi động chính sách giảm thuế VAT nhằm kích thích người Việt Nam đi du lịch nhiều hơn, qua đó kích cầu thị trường du khách. Nhắc lại thời điểm trước đây, ông Ngọc cho biết: Chính phủ đã từng có chính sách giảm thuế VAT từ 10% - xuống 5% trong năm 2002 đã tạo cú hích lớn giúp ngành du lịch phục hồi nhanh chóng vì kích thích đúng kỳ vọng của người dân. "Năm 2002 chúng ta đã từng có chính sách giảm VAT từ 10% xuống 5%. Nếu kỳ này, Chính phủ áp dụng lại hình thức này, giảm 5% thuế VAT thì du khách sẽ giảm 5% trê giá tour, tôi tin sẽ kích thích được nhu cầu của du khách, các công ty du lịch sẽ có công ăn việc làm, có dòng tiền và có doanh thu. Ngoài ra, phải giãn thuế, giảm thuế, giãn các khoản nộp thuế trong năm 2021 đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch sẽ ý nghĩa hơn nhiều", ông Ngọc nói.

Kỳ vọng vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế, ông Trần Thế Dũng, TGĐ Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour ước đoán các tour tuyến lúc đó sẽ trở lại nhịp độ trước kia, khi đó, các doanh nghiệp lữ hành sẽ cần đến một nguồn vốn rất lớn. Do đó, việc tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ là điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Dũng cho hay, đến giờ bản thân ông vẫn chưa rõ hướng để tiếp cận đối với nguồn vốn vay này và các Ngân hàng dường như vẫn lúng túng trong công tác triển khai. Do đó, ông kiến nghị các giải pháp sau: "Thứ nhất, các Ngân hàng có thể dựa trên tiền thuế nộp Ngân sách nhà nước của các năm trước đây sẽ biết được năng lực của đơn vị đó đến đâu, doanh thu, lọi nhuận của họ ở mức độ nào, bộ máy hoạt động ra sao… Dựa trên các tiêu chí này, Ngân hàng có thể xem xét là một tiêu chí để duyệt cho các đơn vị lữ hành được vay tiếp cận nguồn vốn. Thứ hai, chúng ta có thể dựa trên uy tín, độ lớn của thương hiệu cũng như số lượng lao động của doanh nghiệp để cho vay một số vốn phù hợp để giữ chân người lao động. Nếu doanh nghiệp du lịch nào có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời gian tới, nếu thấy khả thi các Ngân hàng cũng có thể xét cho doanh nghiệp vay vốn".

Ngân hàng muốn cho vay nhưng… sợ nợ xấu

Đại diện ngành Ngân hàng tham dự Tọa đàm, ông Phan Đình Tuệ, Phó TGĐ   Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay: thực hiện theo Thông tư 01 của NHNN về cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp. Theo đó, Sacombank đã hỗ trợ cơ cấu nợ cho hơn 1000 doanh nghiệp với tổng dư nợ được cơ cấu hơn 10 ngàn tỷ. Trong đó, số doanh nghiệp du lịch tiếp cận được chính sách cơ chế này chỉ chiếm 2-3%, còn lại các ngành nghề khác. Riêng đối với vấn đề vay vốn, ông Tuệ thẳng thắn: phần lớn các Ngân hàng cho vay cần phải có tài sản đảm bảo để an toàn cho đơn vị mình, chỉ một bộ phận rất ít doanh nghiệp được vay tín chấp thông qua quản lý nguồn thu nhưng đối với doanh nghiệp du lịch nhận được ưu đãi này lại không nhiều. "Khi cho vay tín chấp thường chúng tôi phải quản lý được dòng tiền hoặc nguồn thu. Ví dụ, các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực thương mại, phân phối, chúng tôi đều quản lý được dòng tiền đều đặn. Đó là nguồn thu để trả nợ. Riêng đối với doanh nghiệp lữ hành, chúng ta có thể bán gói lớn cho doanh nghiệp cũng có khi bán cho cá nhân, dòng tiền lúc thanh toán bằng phương thức này, lúc thanh toán bằng tiền mặt…Nghĩa là dòng tiền qua Ngân hàng quản lý khó hơn, từ đó dẫn tới việc cho vay tín chấp còn hạn chế. Nếu muốn cho vay tín chấp, Doanh nghiệp phải thực sự có uy tín và có quá trình lâu dài đồng hành cùng với Ngân hàng", ông Tuệ thông tin thêm.

Đối với Sacombank, ông Hoàng Việt Cường, Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) cho hay: để hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị này cũng xây dựng nhiều chương trình để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với mức 3,1%/năm. Tuy nhiên, khi mà doanh thu của nhiều doanh nghiệp rất thấp, thậm chí bằng 0 thì lãi suất vốn vay bao nhiêu đi chăng nữa cũng là quá cao. Về đề xuất của doanh nghiệp lữ hành xem xét cho vay tín chấp, ông Cường cho rằng, các hoạt động của ngành tài chính đã khá mở và khá nhanh trong việc tiếp cận nguồn vay vốn, đặc biệt là với khách hàng cá nhân, nhưng với tín chấp doanh nghiệp thì còn liên quan đến nhiều vấn đề về Luật khác. "Trên nguyên tắc, vốn của Ngân hàng không phải là vốn của một con người cụ thể làm chủ hết mà thường là các cổ đông, có sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao - chúng ta thấy các vụ “đại án” ngân hàng đều liên quan đến lĩnh vực tín dụng, sẽ liên quan đến trách nhiệm cá nhân, ở đây là ngân hàng. Đây là điểm khó. Do vậy, nếu NHNN có những chính sách, ví dụ khoanh lại khoản nợ đó và xem đó là đã có giải pháp để hỗ trợ cho các Công ty du lịch thông qua Ngân hàng. Chúng ta sẽ báo cáo nguồn vốn cho vay đó và phải có giải pháp để giãn nợ hoặc các khoản nợ đó được tách bạch riêng ra với khoản nợ xấu Ngân hàng. Đó là điều căn cơ giúp các Ngân hàng mạnh dạn cho vay tín chấp với doanh nghiệp", ông Cường nêu giải pháp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ NHNN Việt Nam Chi nhánh TPHCM, sau 11 tháng triển khai Thông tư 04, tại TPHCM đã có 794.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho 254.600 doanh nghiệp cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi. Đây là con số rất lớn, chiếm gần 1/3 tổng dư nợ của toàn Thành phố. Riêng đối với lĩnh vực du lịch đã có 540 doanh nghiệp thuộc nhóm Nhà hàng, lưu trú, lữ hành, ẩm thực được tiếp cận nguồn vốn từ cơ chế này với tổng dư nợ hơn 6.300 tỷ đồng. Về đế xuất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tín dụng ở các Ngân hàng, ông Minh cho hay, nếu không có tài sản thế chấp thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội tiếp cận vốn vay với điều kiện cho phép Ngân hàng quản lý dòng tiền. Khi không có tài sản thế chấp, không có dòng tiền giúp Ngân hàng thấy có khả năng thu hồi nợ thì việc tiếp cận vốn tín dụng sẽ vô cùng khó khăn.