Liên kết để phát triển du lịch: Nội dung cũ - Cách làm mới

(VOH) - Trong 2 ngày 27-28/11, tại TP.Hội An, UBND TPHCM tổ chức thành công Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chỉ trong vòng 2 năm, từ cuối năm 2019 đến nay, TPHCM đã gần như "vẽ" được vòng tròn kết nối đến các vùng - các khu vực kinh tế du lịch trọng điểm của cả nước, từ khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Đông - Tây Bắc đến khu vực di sản miền Trung.

Có thể nói, liên kết để phát triển du lịch không phải là vấn đề mới từ trước đến nay, tuy nhiên, với lần liên kết này, tầm vóc và quy mô của vấn đề đã được nâng lên khỏi phạm vi của ngành, thay vào đó là có sự kết nối của chính quyền các địa phương để từ đó những người làm du lịch kỳ vọng du lịch của mỗi vùng miền sẽ tự định danh lại mình, xác định thế mạnh hiện có để cùng “vực nhau đi lên”.

Hội nghị phát triển du lịch toàn quốc năm 2020 ở Hội An, Quảng Nam
Hội nghị phát triển du lịch toàn quốc năm 2020 ở Hội An, Quảng Nam.

"Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký cũng đã xác định về sự liên kết và phát triển vùng… Thế nhưng vì sao có chủ trương rồi, có kế hoạch rồi, có liên kết rồi mà vẫn khó khăn? - Đó là do khâu tổ chức thực hiện.

Trong đó, Bộ VHTT&DL của chúng tôi cũng nhận thấy mình cũng có phần trách nhiệm ở đây. Chính vì vậy, chúng ta phải nhận thức được rằng, lúc này không còn có độ trễ hơn nữa. Muốn phát triển thì chúng ta phải đồng hành" - Đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khi tham dự một trong số các sự kiện Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Rõ ràng, liên kết để phát triển du lịch được đề cập trong nhiều năm về trước, nhưng đáng chú ý nhất là kể từ năm 2017. Bắt đầu từ Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Một hạn chế được chỉ rõ qua Nghị quyết này chính là sự phối hợp liên ngành, liên vùng chưa cao; Đầu tư dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội để phát triển du lịch. Trước thực tế đó, Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo ngành du lịch các địa phương tích cực hợp tác, liên kết để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, xây dựng sản phẩm phong phú để đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách

TPHCM - với vai trò đầu tàu của cả nước đã tiên phong xây dựng nhiều tuyến liên kết. Điển hình như Hiệp hội Du lịch TP đã kết nối thành công sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành - các đơn vị vận chuyển, các nhà hàng, khách sạn, các điểm đến… để hình thành nên các chính sách giá ổn định, hấp dẫn, kích cầu và dẫn dắt thị trường.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải hành động để đưa ngành du lịch sớm được phục hồi. Trong đó, liên kết phát triển du lịch được xem là một trong những giải pháp cốt lõi để từng bước khắc phục các khó khăn hiện nay.

Đối với TPHCM, để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, TP đã chủ động nâng tầm liên kết phát triển du lịch lên cấp địa phương nhằm hình thành một chuỗi các hoạt động liên kết phát triển du lịch từ Bắc tới Nam để tạo nên một khối sức mạnh tổng thể, từng bước đưa ngành du lịch nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa được mở cửa thì việc liên kết này sẽ là cơ hội vàng để du lịch nội địa gặt hái được nhiều trái ngọt."

Cho đến nay, hiệu quả của sự liên kết ấy vẫn được duy trì bằng các chương trình kích cầu du lịch được triển khai hằng năm. Tuy nhiên, ở mặt nào đó chỉ dừng lại ở một số đơn vị, địa phương nhất định. Thấy được điều đó, Sở Du lịch TPHCM đã tham mưu UBND TP mở rộng và nâng tầm liên kết lên một quy mô lớn hơn.

Khởi đầu từ đề xuất của TPHCM, tháng 9/2019, liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL được chính thức ký kết với 05 nội dung chính gồm: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Đến nay, TPHCM đã mạnh dạn đề xuất và được sự thống nhất của Chính phủ, liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và vùng Đông Nam Bộ được triển khai từ tháng 6/2020; liên kết với vùng Tây Bắc mở rộng được triển khai ngày 14/11/2020, liên kết với vùng Đông Bắc (ngày 20/11/2020) và giữa Thành phố Hà Nội, TPHCM với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được tiếp nối, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM kỳ vọng, trên cơ sở liên kết này, các doanh nghiệp du lịch TPHCM sẽ xây dựng được những tour tuyến có giá cả cạnh tranh: "Các doanh nghiệp lữ hành ở TPHCM và các địa phương trong vùng liên kết sẽ cho nhau những chính sách hợp lý, để từ đó hình thành các sản phẩm có tính cạnh tranh. Chúng ta sẽ phát huy được các thế mạnh của nhau. TPHCM cũng có lợi trong mối quan hệ liên kết này và các địa phương cũng khai thác được các tiềm năng thế mạnh của các bên."

Đằng sau sự ký kết giữa các địa phương, một số doanh nghiệp kỳ vọng, với sự vào cuộc của chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ giúp cho các mối liên kết được phát huy và đi vào thực chất. Ở đó, mỗi vùng sẽ xác định được thế mạnh của mình để đầu tư, phát triển, không dẫm chân và lặp lại nhau.

Ở mỗi vùng miền sẽ tự chọn ra một địa phương giữ vai trò “nhạc trưởng” để dẫn dắt du lịch toàn vùng và xác định: đâu là vùng động lực, đâu là điểm phát triển, đâu là vùng phụ cận, vùng hỗ trợ… để xác định mối liên kết chặt chẽ, tránh sự thiếu nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel nhấn mạnh: "Chúng ta cần có sự kết nối được các sản phẩm vùng. Tôi thấy rằng, các sản phẩm vùng của chúng ta hiện nay, có khi 2 địa phương liền kề nhau nhưng chính sách của địa phương này không giống với chính sách của địa phương kia. Từ đó dẫn đến các sản phẩm không liên thông. Đây là vấn đề cần phải khắc phục. Khi triển khai như thế làm cho chúng ta không tận dụng được thế mạnh của mỗi địa phương với nhau. Điều đó dẫn đến việc thông luồng, tuyến ngay trong nội bộ của các vùng du lịch trọng điểm chưa nhất quán, làm cho các sản phẩm du lịch nội địa chưa phong phú, manh mún và thiếu tính kết nối."

Khách Du lịch khám phá đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Liên kết phát triển du lịch ở quy mô Vùng được kỳ vọng sẽ khắc phục nhược điểm thu hút đầu tư bằng mọi giá. Thời gian qua, đã có hàng trăm dự án bất động sản du lịch được cấp phép ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển miền Trung - nơi có tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, thế nhưng số dự án được đầu tư triển khai đi vào hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đó là do việc lựa chọn sai nhà đầu tư chiến lược dẫn đến tình trạng “doanh nghiệp xin nhưng thiếu vốn để làm, còn đơn vị có tiềm lực lại ngóng chờ được cấp phép”. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, với sự liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các Khu vực, các Vùng kinh tế trọng điểm sẽ hạn chế được tình trạng này. 

"Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và dẫn dắt còn tổ chức thực hiện vẫn là doanh nghiệp, là nhân dân. Nếu cứ cậy nhờ vào nhà nước để đầu tư vào hạ tầng du lịch, đầu tư cho sản phẩm du lịch… thì điều đó sẽ không bao giờ có. Thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào tìm được nhà đầu tư chiến lược thì lúc đó sản phẩm du lịch sẽ hoàn thiện." , Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nói.

Đến nay, vòng tròn kết nối du lịch giữa TPHCM với các Vùng, các Khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã được kết nối. Sự liên kết, kết nối được đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành ủy, UBND các tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng và sức lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn, hướng đến tính đồng bộ và thống nhất cho cả vùng, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và mạnh địa phương nào địa phương ấy tự làm như trước kia. Hơn hết, sự liên kết sẽ đi vào thực chất và thực hiện hiệu quả, thường xuyên như kỳ vọng chung lúc đầu.