Áo dài Việt trong lòng người Việt

(VOH) - Vào những ngày tháng 3, đi đâu cũng thấy các chị em phụ nữ diện những chiếc áo dài đủ màu sắc dịu dàng, tha thướt.

Năm nay cũng là năm thứ 6 Sở Du lịch TPHCM chọn tháng 3 là tháng áo dài. Và trên đường phố, chúng ta bắt gặp những tà áo dài mềm mại, xen lẫn vào đó là sự cách điệu trẻ trung, năng động tạo nên những bức tranh màu sắc đa dạng, đẹp mắt mà không loại trang phục nào có được.

cuộc thi áo dài

Ảnh minh hoạ.

Áo dài từ lâu vẫn luôn là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam. Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt.

Nghệ sỹ Thành Lộc tự hào cho biết, anh  là một trong những nghệ sỹ đầu tiên mặc áo dài trong những sự kiện văn hóa, liên hoan phim, liên hoan sân khấu, buổi lễ trao giải. Nói chung là những sự kiện nào của người Việt Nam thì anh là một trong những nam nghệ sỹ mặc áo dài đầu tiên mà không mắc cỡ.

“Vì TP mình người nước ngoài rất đông. Và khi họ đi ngang 1 sự kiện văn hóa đông người nhìn vào mà thấy có người mặc áo dài họ sẽ nói: à, đây là sự kiện của người VN”. Thành Lộc chia sẻ.

Cho đến nay, áo dài vẫn được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được vị thế như ngày hôm nay, áo dài đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, vẻ đẹp truyền thống của chiếc áo dài phù hợp với điều kiện lao động hiện nay. Chiếc ào dài phù hợp với rất nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Từ chất liệu bền, dễ ủi, dễ làm đẹp, giúp cho các bạn trẻ có thể sử dụng trang phục áo dài trong nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí rất thuận lợi trong quá trình lao động hay làm việc của mình.

Ở chiếc áo dài hiện đại, ai cũng tìm thấy cho mình một hình thức thiết kế phù hợp, vừa cách điệu những vẫn giữ được những đường nét cơ bản, giúp người mặc tin hơn công việc và sở thích của mình.

Nhà thiết kế Phùng Thị Thu Thủy, cho rằng, hiện có nhiều NTK lâu năm, rồi nhà thiết kế mới, trẻ... góc nhìn của mọi người cũng khác nhau do đó nên cởi mở một chút để cho mọi người tự do sáng tác về thời trang của áo dài. “ TPHCM là nơi tạo nhiều điều kiện cũng như khích lệ những nhà thiết kế để họ phát triển nghề”,  NTK Thu Thủy nói.

Không chỉ là trang phục đời thường, áo dài cũng trở thành loại trang phục chuẩn mực để phục vụ cho những dịp đặc biệt quan trọng. Hiện nay, áo dài còn trở thành trang phục cho nữ công chức hoặc đồng phục dành cho học sinh, sinh viên.

Nói về ý nghĩa của những chiếc áo dài mà mình đã thiết kế. Theo anh Tuấn Hải, áo dài phải có hồn Việt ở trong đó, phải là áo dài truyền thống của Việt Nam, phải có cổ, tay dài và hai tà thẳng xuống. Ví dụ áo dài tứ thân tượng trưng cho người miền Bắc. Áo dài khăn rằn tượng trưng cho người miền Nam và áo dài gấm tượng trưng cho người Huế. “Áo dài của chúng ta cực kỳ đẹp, bạn bè thế giới thường ca ngợi chiếc áo dài VN”, anh Hải nhận xét.

phu nữ mặc áo dài

Cho đến nay, áo dài vẫn được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Theo họa sĩ Hà Hùng Dũng, áo dài là trang phục truyền thống của con người Việt Nam, được xem là niềm tự hào của phái đẹp Việt, mang đậm nét tinh hoa, văn hóa dân tộc. Đặc biệt trong đời sống của chiếc áo dài mang theo tâm hồn quê hương cũng như trải qua bao nhiêu thăng trầm cuộc sống. Theo họa sĩ, khi một người phụ nữ khoác lên quốc phục sẽ tôn dáng rất nhiều. Ông cha ta thường nói phụ nữ mà mặc áo dài thì sẽ khác hẳn, trở nên dịu dàng hơn và có chút gì gọi là gợi cảm. “Khi mặc áo dài phụ nữ sẽ tự tin hơn và họ tự hào là người Việt Nam”, ông Dũng cho biết.

Với ca sỹ Nguyễn Phi Hùng, đây là năm thứ 2 anh làm đại sứ áo dài, nói về xu hướng thời trang áo dài năm 2019, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng cho biết: ưu điểm của các loại áo dài cách tân là không kén người mặc, họa tiết thêu tinh tế trang nhã phù hợp với mọi lứa tuổi. Thời trang thì cũng có thời trang ứng dụng và thời trang ấn tượng, bây giờ mọi người có thể thoải mái theo sở thích của mình. “ Năm nay Hùng thấy áo dài có một cú ngược dòng rất ngoạn mục khi chứng kiến những hoa văn, những tinh hoa của một giai đoạn mới nhưng vẫn giữ được nguyên bản, làm cho áo dài ngày càng đẹp hơn “, ca sĩ Nguyễn  Phi Hùng nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, năm nay, Lễ hội Áo dài có chủ đề “Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh”, sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố với điểm đến “thân thiện, hấp dẫn, an toàn”. Khi phát động cao điểm mặc áo dài, TP Hồ Chí Minh hướng tới xây dựng nét đẹp văn hóa áo dài, quảng bá và đề cao giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam, tạo phong trào rộng khắp và gần gũi để áo dài trở thành niềm tự hào của người Việt:

“Muốn chuyển gửi đến tất cả các bạn, các anh, các chị một thông điệp là hãy hướng trái tim của mình đến chiếc áo dài của Việt Nam, một truyền thống văn hóa rất đẹp của người Việt và chúng ta hãy cố gắng giữ gìn và trân trọng bằng cách hưởng ứng các chuỗi hoạt động của Lễ hội áo dài trong tháng 3 này và lúc nào nó cũng luôn luôn tỏa sáng đối với người VN”, bà Bích kêu gọi.

Tà áo dài đem đến cho người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng một nét đẹp đặc trưng luôn khắc trong tâm tưởng của mỗi người, để nhớ về nguồn cội, về kí ức của một thời tuổi trẻ. Sức sáng tạo hay những dấu hiệu cách tân qua từng thời đại ở áo dài đã phản ánh được vai trò cũng như vị thế đã được nâng cao của phụ nữ ở rất nhiều lĩnh vực của xã hội./.