Cần trả lại ý nghĩa cho tục phóng sinh

(VOH) - Phóng sinh bắt nguồn từ ý tưởng tốt đẹp của Phật giáo mang tính từ bi hỷ xả và trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt.

Đặc biệt, vào các dịp Tết, mùng 1 hay ngày rằm, người dân thường hay mua các con vật để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này. Quá trình phóng sinh hiện nay cũng không giữ được đúng ý nghĩa của nó bởi có rất nhiều con vật phóng sinh bị bắt, được thả vào thiên nhiên nhưng sau đó lại bị bắt lại, nhiều lần như vậy cho đến khi chết.

Điều này khiến những con chim trời đang được tự do ca hát, những con cá đang bơi lội dưới nước trở thành những kẻ nô lệ. Vòng luẩn quẩn “bắt lại rồi thả” khiến những con vật tội nghiệp “chết dần, chết mòn”.

Đây là sự “tàn ác” chứ không phải điều tốt.

 

Theo quan điểm của nhà Phật, phóng sinh trước hết phải xuất phát từ sự tuỳ duyên, có duyên mà gặp. Phóng sinh phải xây dựng từ cái tâm làm việc thiện.

Con người thực hiện nghi thức phóng sinh vì sự sống của muôn loài chứ không phải để vụ lợi, để khoe công đức, cũng không nên chạy theo phong trào, theo số đông vì đó chỉ là công đức giả tạo.

Nếu phóng sinh lồng trong sự mưu cầu báo đáp, mong muốn đổi lại tài lộc thì hành động này chẳng khác nào sự đổi chác mà phàm đã là đổi chác, việc đón nhận vô hình chung trở nên tầm thường, vô nghĩa.