Đờn ca tài tử “sống” thế nào?

(VOH) - Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần 2 tại Bình Dương được đánh giá thành công nhưng còn đó nhiều trăn trở cho đờn ca tài tử.

Festival đờn ca tài tử quốc gia lần 2 là dịp đển tôn vinh các nghệ nhân và quảng bá đờn ca tài tử

Làm sao đưa lớp trẻ đến với đờn ca tài tử

Với kinh nghiệm 30 năm quản lý, ông Tô Duy Chiêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang thừa nhận nhiều năm qua, xã hội đã quên truyền dạy và giới thiệu văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử đến cho công chúng, đặc biệt là lớp trẻ. Nhưng sớm kết luận giới trẻ thờ ơ là thiếu khách quan.

“Trách nhiệm của những người đi trước là phải làm sao truyền dạy, không chỉ trong cộng đồng mà phải từ cấp 1, phổ thông. Bây giờ chúng ta kết luận giới trẻ không yêu thích là hơi vội vàng bởi thực tế ở Kiên Giang các em trẻ rất thích loại hình này!” – ông Chiêm nhấn mạnh.

Ông Chiêm cho biết thêm, mỗi năm tỉnh mở được 4 lớp dạy đờn ca tài tử, mỗi lớp khoảng 20 em. Đa số là học sinh cấp 2 và số còn lại là học sinh cấp 1. Tuy con số trên không thực sự lớn nhưng là một tín hiệu tích cực.

Thiếu thầy - thiếu trò

Nghệ nhân Nguyễn Tùng – CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, trăn trở lớn nhất là không còn nhiều nghệ nhân đàn hay ca giỏi để tiếp tục truyền nghề. Một số nghệ nhân có tài nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên đành làm những công việc khác, không thể tiếp tục theo nghiệp giảng dạy.

“Quan trọng nhất là chuyên môn. Tuy là thể loại nhạc được cho là dân dã, ai cũng có thể ca, đàn nhưng rất ít người hiểu về nó” – Nghệ nhân Nguyễn Tùng khẳng định.

Theo ông, nhiều “thầy” đàn được, ca được, dạy được nhưng bị hổng lý thuyết và cấp thiết phải trang bị thêm. Khi đó, người nghệ nhân mới có thể hiểu rõ và một khi đã hiểu thì mới chơi hay hơn, truyền nghề một cách vững chắc nhất.

Nghệ nhân Nguyễn Tùng bộc bạch: “Trước đây, người trước dạy người sau bằng phương pháp trực truyền, nghĩa là truyền kiến thức trực tiếp. Ngày nay, khi phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ, chỉ cần tìm trên Internet sẽ ra hàng loạt video dạy đờn ca tài tử.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là học thì phải hiểu”.

Nghệ thuật đờn ca tài tử đang rất cần người trẻ kế tục và phát huy

Ông Tô Duy Chiêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang lo lắng: “Tôi mở lớp không phải đào tạo thành nghệ nhân mà để các em làm quen, từ đó giúp các em hiểu hơn. Sau này, nếu thực sự muốn trở thành nghệ nhân thì cần có quá trình đào tạo khác”.

Việc một em được “gieo mầm” từ lớp học có trở thành nghệ nhân hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng khiếu, gia đình, điều kiện, học hành. Đây cũng là bất cập bởi nếu không có trò năng khiếu thì tương lai sẽ không còn người duy trì ĐCTT.

“Trong số mấy chục em theo học, chúng tôi chỉ hi vọng vài em trở thành nghệ sĩ đờn ca tài tử là thành công và hơn tất cả việc các em yêu mến đờn ca tài tử là đáng mừng” – ông Chiêm nói.

Thay đổi để phù hợp

Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn đờn ca tài tử, Nghệ nhân Trần Thị Hồng Cúc – CLB đờn ca tài tử tỉnh Long An cho rằng, đờn ca tài tử đang vươn ra thế giới vì vậy thay đổi là cần thiết.

“Thường một bài đờn ca tài tử rất dài nhưng hiện nay nghệ nhân đứng trên sân khấu chỉ biểu diễn 1 đoạn nhỏ, chưa bao giờ biểu diễn hết 1 bài. Bởi khi dài, khán giả, đặc biệt là giới trẻ sẽ không hiểu nên dễ gây nhàm chán” – bà Cúc nói. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tô Duy Chiêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho biết có nhiều người cho rằng nghe ĐCTT cảm thấy buồn, không sôi động, không thu hút và loại hình này chỉ phù hợp trong cuộc sống lao động đời thường.

“Hiện nay khi ĐCTT đã len lỏi vào vào đời sống đô thị thì cần cách phát triển và đổi mới nhưng vẫn giữ nét truyền thống cốt lõi của tinh thần ĐCTT, như thế mới có thể thu hút được giới trẻ!” – ông Chiêm phân tích.

Cần được quan tâm đúng mức

Trong 2 năm qua, nhà nước đã phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân đờn ca tài tử. Điều đó phần nào tôn vinh, nâng cao giá trị và cũng là động lực lớn cho những “người giữ lửa”.

“Tuy nhiên, trong đời sống kinh tế hiện nay thì cụ thể bằng vật chất cho nghệ nhân cũng cần được đầu tư với chính sách hết sức thích đáng”, ông Chiêm thẳng thắn.

Nghệ nhân Nguyễn Tùng lý giải, khó khăn lớn nhất đối với các CLB hiện nay là kinh phí duy trì. “Một vài địa phường ngân sách dồi dào thì mỗi lần sinh hoạt  sẽ được chính quyền hỗ trợ một phần, có nơi được doanh nghiệp tài trợ. Nhưng đa phần là nghệ nhân tự bỏ tiền túi rồi góp lại để mua sắm thêm trang thiết bị”.

NSƯT Minh Vương: “Cần phải tạo điều kiện cho người trẻ thường xuyên được biểu diễn, thi thố tài năng, chỉ vậy thì lớp trẻ mới mau phát triển trong nghề. Đồng thời, cũng là dịp để những người đi trước được sống hết mình với nghề và hướng dẫn cho thế hệ đi sau”.