Hội sách Hàn Quốc: Thêm nguồn sách phục vụ công chúng

(VOH) – Vừa qua, tại TPHCM, Hội sách bản quyền Hàn Quốc lần 2 đã được tổ chức với sự chuẩn bị công phu, đa dạng loại sách, đề tài sách của 23 nhà xuất bản Hàn Quốc.

Trong hoạt động xuất bản – phát hành sách thì việc tìm hiểu, trao đổi mua bán bản quyền tác giả sách giữa các nhà xuất bản, công ty sách của Việt Nam và các nhà xuất bản của nước ngoài luôn cần thiết. Điều đó góp phần phong phú, đa dạng hóa đề tài, nội dung xuất bản phẩm phục vụ nhu cầu của bạn đọc và còn giúp cho các nhà xuất bản trong nước làm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền sở hữu tác giả trong hoạt động xuất bản.

Hội xuất bản Việt Nam những năm qua đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị xuất bản tham gia Hội sách Frankfurt, Hội sách Mỹ BookExpo, Hội sách London hay tổ chức các hội sách bản quyền Hàn Quốc tại TPHCM để được giao lưu, học hỏi và tìm kiếm những ấn phẩm hay cho bạn đọc.

Vừa qua, tại TPHCM, hội sách bản quyền Hàn Quốc lần 2 đã được tổ chức với sự chuẩn bị công phu, đa dạng loại sách, đề tài sách của 23 nhà xuất bản Hàn Quốc. Đây là bước tiếp nối thành công của năm 2017 với những tác phẩm đã được bạn đọc đón nhận như bộ sách Hậu duệ mặt trời, Khi nàng say giấc, Nhật kí nước mắt hay hai bộ sách Văn học Hàn Quốc và Văn học Hàn Quốc trong phối cảnh Đông Á … 

Có thể nói, sau phim ảnh, thời trang thì văn học xứ sở "kim chi" đang dần chinh phục độc giả Việt Nam. Nội dung gần gũi, có nét tương đồng của văn hóa phương đông cùng cách trình bày đẹp mắt thì sách Hàn Quốc (chuyển ngữ sang tiếng Việt) đã đem về cho mình lượng độc giả ngày càng nhiều.

Khách tham quan Hội sách. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN

Đánh giá sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc trên lĩnh vực xuất bản phát hành sách thời gian qua, ông Kim YeongJin – Chánh văn phòng Viện Xúc tiến văn hóa xuất bản Hàn Quốc, cho biết bước vào thế kỉ 21, Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục tìm kiếm, theo đuổi sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Tại Việt Nam, Hội sách bản quyền Hàn Quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017 đã kết nối được các nhà xuất bản Hàn Quốc với các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam. Tuy là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhưng sự kiện đã thu hút được 73 doanh nghiệp xuất bản hai nước tham gia và thương thảo kinh doanh. Có thể thấy trong thời gian ngắn, thông qua Hội sách bản quyền mà ngành xuất bản của hai nước chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Sách là nền tảng của văn hóa. Và qua sự hợp tác giữa hai Hội – Viện của hai nước, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cũng mong muốn rằng thông qua sách thì mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc sẽ ngày càng mở rộng, phát triển.

Thông qua các ngày giao lưu tại Hội sách bản quyền năm 2018, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách trong nước cũng đã có cơ hội tìm được những bộ tác phẩm hay, độc đáo, phù hợp với tiêu chí của mỗi đơn vị, đưa đến cho độc giả ngày càng nhiều quyển sách thú vị, ý nghĩa.

Bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc Bản quyền và quan hệ quốc tế công ty Sách Thái Hà chia sẻ: “Về phần nội dung thì nội dung sách rất gần gũi với Việt Nam. Họ đi sâu vào giá trị cốt lõi, bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ. Về phần trình bày, kĩ thuật in ấn của họ rất tốt, trình bày rất gần gũi. Khi đọc sách sẽ phát triển khả năng thẩm mỹ của trẻ rất nhiều. Khi mua được bản quyền thì đơn vị xuất bản rất cân nhắc làm sao giá bán phù hợp với cha mẹ và trẻ em Việt Nam".

Rõ ràng, với rất nhiều cách thức khác nhau, với sự cố gắng chung tay của các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản thì thị trường sách Việt Nam ắt hẳn sẽ sôi động, sản phẩm sẽ đa dạng, chất lượng, đem lại cho độc giả nhiều sự lựa chọn hơn cho món ăn tinh thần của mình. Qua sách, người đọc trong nước sẽ hiểu hơn về nền văn hóa, con người, xã hội của Hàn Quốc nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Giúp cho việc nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị ngày càng tốt đẹp. Song, sự hợp tác này sẽ có ý nghĩa hơn nữa nếu như các tác phẩm có nội dung hay của nước ta được cũng được quảng bá trong dịp này.

Chính sự giao lưu, hợp tác này sẽ giúp cho các tác giả Việt Nam thêm động lực sáng tác để ngày càng có nhiều tác phẩm hay đem đến cho bạn đọc không chỉ trong nước mà còn ở các nước khác.

“Sau Hội sách bản quyền lần này, hai Hội – Viện và các nhà xuất bản hai nước tiếp tục có các mối quan hệ lâu dài về việc thông tin hoạt động, giới thiệu bản quyền, phát triển tốt đẹp hoạt động xuất bản giữa hai nước ngày càng hiệu quả tốt đẹp hơn. Các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam, trong lần Hội sách bản quyền lần tới, không chỉ việc tìm mua bản quyền sách từ phía Hàn Quốc mà các doanh nghiệp trong nước cũng nên giới thiệu các đầu sách có nội dung hay của Việt Nam để giao dịch bản quyền với các nhà xuất bản bạn, qua đó lan truyền quảng bá rộng rãi về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến đông đảo độc giả Hàn Quốc”, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đề nghị.