Lan tỏa tình yêu văn chương Việt – Hàn

(VOH) – Lần đầu tiên các tác phẩm văn học Hàn Quốc và Đông Á được ra mắt bạn đọc một cách đầy đủ và đầu tư bài bản.

Bộ sách gồm có 12 tác phẩm, gần 4.500 trang sách, do 4 nhà xuất bản cùng ấn hành. 5 năm (từ năm 2012 – 2017), 23 tác giả, dịch giả đã đầu tư, sáng tạo nghiêm túc, trách nhiệm, cùng tình yêu văn chương đã đem đến cho bạn đọc một cách có hệ thống về một nền văn học Hàn Quốc, từ khởi thủy đến đương đại, làm bật lên nét độc đáo của văn học xứ kim chi.

Bộ "Văn học Hàn Quốc" và Bộ "Tuyển văn học Đông Á", là 2 bộ sách tập hợp những đầu sách đồ sộ, ghi dấu ấn sâu đậm trong đợt kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (1992 – 2017).

Nghe bài viết

5 quyển trong 6 quyển về “Văn học Hàn Quốc” gồm: Hợp tuyển văn học dân gian Hàn Quốc, Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc, Dạo bước vườn văn Hàn Quốc, Văn học cổ điển Hàn Quốc - tiến trình và bản sắc, Giáo trình văn học Hàn Quốc, Ngụ ngôn Hàn Quốc... đã được Viện Nghiên cứu trung ương Hàn Quốc tài trợ trong đề án “Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, nhóm đề án đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị giao lưu văn chương Việt - Hàn.

Một phần bộ sách "Văn học Hàn Quốc" - Ảnh: TTO

Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đánh giá: “Sự giúp đỡ của Viện nghiên cứu TW Hàn Quốc đã góp phần quan trọng, nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy văn học Hàn Quốc trong viện nghiên cứu, cao đẳng, đại học có dạy chuyên ngành văn học, tiếng Hàn, Hàn Quốc học và các chuyên ngành khu vực học khác ở Việt Nam.

Góp phần xây dựng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM thành một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy Hàn Quốc học hàng đầu Đông Nam Á. Văn chương Hàn Quốc được dịch và giới thiệu, nghiên cứu ở Việt Nam từ hướng tiếp cận khu vực và liên ngành, đưa Việt Nam và Hàn Quốc đến gần nhau. Tăng cường hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc”.

Còn với “Bộ tuyển văn học Đông Á”, đến nay đã xuất bản 6 cuốn trong diện mạo nhỏ gọn, trình bày đẹp. Gồm có các tác phẩm như Thi tăng Đông Á, Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á, Thượng Hải - Tokyo - Seoul trong văn chương đều thế kỷ XX (2017), Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á  (2013), Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á, Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á (2014).

Đây là công trình thú vị, giới thiệu văn học của 4 nước gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Bộ sách là dữ liệu cho những ai muốn tìm hiểu văn chương Đông Á theo hướng tiếp cận khu vực với những độc đáo của mỗi nước được trình bày cạnh nhau nhằm vừa so sánh tương chiếu vừa bộc lộ những bản sắc riêng...