Ngày Giỗ Tổ - nét đẹp hòa quyện giữa văn hóa Á Đông và bản sắc dân tộc Việt

(VOH) - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3) có liên hệ trực tiếp đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vốn có truyền thống lâu đời ở nước ta.

Nguồn gốc của ngày giỗ tổ Hùng Vương

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt.

Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.

Ngày Giỗ Tổ

Nghi lễ dâng hương tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ - Ảnh: Cổng TTĐT Phú Thọ

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, năm 1470 (niên hiệu Hồng Ðức nguyên niên - triều Vua Lê Thánh Tông), "Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền" được Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố phụng chỉ biên soạn. Kế tiếp là "Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền" do Hàn lâm Học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572 - triều Vua Lê Anh Tông). Cũng trong thời đại nhà Lê, chuyện Quốc tổ Hùng Vương được đưa vào chính sử, mục truyện họ Hồng Bàng, phần ngoại kỷ. Như vậy kể từ thế kỷ XV thời nhà Lê thì Quốc tổ Hùng Vương đã được chính thức hóa trên phương diện lịch sử và việc hàng năm tổ chức thờ phụng.

Còn trong bản dịch tấm bia được lập ngày mùng 10 tháng 3 năm Canh Thìn (1940 - niên hiệu Bảo Ðại thứ 15) do Tham tri, lĩnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn nội dung cho biết, ngày "quốc tế" (hiểu là ngày lễ tế do Nhà nước đứng ra tổ chức) của nước ta vốn diễn ra định kỳ vào mùa thu. Ðến năm Khải Ðịnh thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày "quốc tế". Tương truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày "quốc tế" được chọn là trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm lễ.

Có thể thấy, các Vua Hùng và nhà nước Văn Lang dù được tái hiện trong ký ức chúng ta cả bằng huyền thoại (đại đa số lịch sử các các quốc gia, dân tộc đều dựa trên những huyền tích, huyền thoại), nhưng đã được khẳng định là có thực trong lịch sử dân tộc. Ðó cũng là thời kỳ hình thành Nhà nước sơ khai, nền văn minh buổi đầu của Ðại Việt với ý thức cộng đồng xoay quanh tục thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Châu Á. với Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, nói rộng ra là hệ thống tín ngưỡng - tôn giáo bản địa của nước ta nói chung gồm ba bộ phận: Thứ nhất:, tế tự tại gia đình; Thứ hai: tế tự tại làng xóm (chủ yếu là tín ngưỡng thờ Thành hoàng) và Thứ ba: tế tự quốc gia (tiêu biểu là Tế đàn Nam Giao).

Trong hệ thống ấy, người Việt luôn coi thờ cúng tổ tiên là quan trọng bậc nhất. Cái độc đáo là ở chỗ, triết lý Việt luôn luôn dành chỗ cho sự mở rộng sự liên kết huyết thống - tôn thờ công đức của cha ông, tộc họ, những người đã khuất cùng huyết thống - đến những liên kết có tính quốc gia, nghĩa là đồng thời tôn thờ tất cả những người có công với nước, với xóm làng, những anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa...

Cũng trong hệ thống ấy, với người dân Việt Nam ta tự bao đời nay, ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trước hết là ý nghĩa về nguồn cội dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thế giới công nhận từ năm 2012

Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngày Mùng 10 tháng 3 năm nào chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ cũng kính cẩn làm lễ dâng hương, có đại diện của Nhà nước về dự. Đây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về đây bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước.

Ngày Giỗ Tổ

Đông đảo người dân TPHCM về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hoá Dân tộc (quận 9, TPHCM) - Ảnh: SGGP

Năm 1990, Ðảng và Nhà nước chính thức quyết định lấy Ngày Giỗ Tổ hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Ðến ngày 23/8/2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 39/2001/QÐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng (Khu di tích lịch sử Ðền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ). Và đến ngày 6/12/2012, ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giờ đây, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương - Mùng 10 tháng 3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Hướng về Giỗ Tổ để chung tay giữ gìn và xây dựng đất nước phát triển

Người Việt, dù đi tới đâu, khi dựng nhà, lập cộng đồng cũng luôn ghi nhớ câu "Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Và, cứ đến ngày Mùng 10 tháng 3, không chỉ nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, mà cả những người Việt Nam ở nước ngoài đề hướng lòng mình về miền Ðất Tổ để bái vọng, để tưởng nhớ và để tự hào về tổ tiên, về nòi giống của một dân tộc yêu hòa bình nhưng bất khuất.

Trong một lần về thăm Ðền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong 3 người Việt Nam được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới - đã ân cần căn dặn đồng bào, chiến sĩ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Tự hào về cội nguồn thiêng liêng và lịch sử đất nước ngàn năm Văn hiến, bao lớp anh tài đất Việt ngày nay vẫn không ngừng phấn đấu góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước và rạng danh nòi giống Việt trên trường quốc tế.

"Khi chúng ta cùng chung một cội nguồn, chúng ta có được sức mạnh - sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Đó là những truyền thống quý báu của dân tộc, để dẫu đi qua mấy ngàn năm lịch sử, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, là đạo lý, là cốt cách, là thế ứng xử văn hóa muôn đời của những người con đất Việt." - Trích bài phát biểu của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018.