Từ 3/4/2017: Chiếu miễn phí phim tham dự Cánh diều vàng 2016

(VOH) - Vào ngày 9/4 tới, Lễ trao giải Cánh diều vàng sẽ diễn ra tại Nhà hát Quân đội TPHCM. Cánh diều vàng là giải thưởng thường niên do Hội điện ảnh VN tổ chức nhằm mục đích tôn vinh các cá nhân, tập thể xuất sắc của điện ảnh Việt trong năm qua. 

Poster phim 'Chạy đi rồi tính'

Số lượng tác phẩm, thể loại phim năm nay tham gia khá đa dạng, phong phú: có 19 phim truyện điện ảnh, 20 phim truyền hình (523 tập), 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn và 5 công trình lý luận phê bình điện ảnh. Đặc biệt, ngoài phần lễ trao giải, “Những ngày phim Việt Nam” diễn ra từ ngày 3/ 4 đến ngày 7/4 là hoạt động thiết thực, được nhiều khán giả quan tâm khi trình chiếu miễn phí các phim tham dự. Khán giả có thể vào trang web của Hội điện ảnh để xem lịch chiếu phim.

Đề cập nội dung này, Phóng viên Hải hạnh đã phỏng vấn bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội điện ảnh VN, Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM.

VOH: Đến hẹn lại lên, giải cánh diều vàng sẽ tái ngộ khán giả cả nước, công tác tổ chức đến thời điểm này đã được chuẩn bị đến đâu rồi ạ?

Bà Dương Cẩm Thúy: Giải cánh diều tổ chức hàng năm, 1 năm ở Hà Nội, 1 năm ở TPHCM. Năm nay lại tái ngộ khán giả ở TPHCM, cho đến giờ phút này công tác chuẩn bị phải nói ngỗn ngang trăm mối... 

Về Hội đồng giám khảo đã làm việc từ tháng 2 đến giờ để xem phim truyền hình, phim tài liệu, công trình lý luận. Còn phim truyện điện ảnh sẽ bắt đầu xem từ ngày 2/4 tại TPHCM.

Năm nay, Hội điện ảnh TPHCM cũng tổ chức “Những ngày phim VN”, sẽ chiếu 18 phim truyện điện ảnh tham dự cánh diều, đồng thời chiếu xen kẽ phim tài liệu và một số phim kinh điển, tùy vào nguồn phim các hãng phim cung cấp và nhu cầu thực tế của khán giả TP. Khán giả đến rạp Cinestar Quốc Thanh để nhận vé.

VOH: Ngoài lễ trao giải và những ngày phim VN, còn các hoạt động bên lề nào nữa không?

Bà Dương Cẩm Thúy: Ngoài lễ và phần chiếu phim, chúng tôi còn tổ chức chuyến đi về nguồn tại Mộc Hóa, Long An, chiến khu bưng biền, nơi làm bộ phim Trận Mộc Hóa, bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh.

Ngoài ra còn 1 phần nữa là 1 buổi hội thảo, tôi cho rằng buổi hội thảo là 1 phần khá quan trọng, tất cả nhà làm phim cả nước tụ họp gặp nhau để bàn về công việc, thăm hỏi động viên và truyền kinh nghiệm cho nhau, đây không chỉ là công việc mà còn là tình cảm.

VOH: Năm nay có 19 phim tham gia, tất cả đều là phim của các hãng tư nhân, cho thấy điều gì đang diễn ra ở thị trường phim ảnh nước ta?

Bà Dương Cẩm Thúy: Điều này cho thấy vừa mừng cũng vừa lo. Trước đây phim chiếu rạp đều là phim nhà nước được phân bổ kinh phí, tài trợ để thực hiện, rất ít phim tư nhân. Nhưng sau này càng nhiều hãng phim tư nhân tham gia, cho thấy thành công của xã hội hóa, có nhiều phim cho khán giả xem và chọn lựa. Nhưng lại thiếu phim của nhà nước, vì muốn hay không phim của nhà nước vẫn phải nắm một phần kế hoạch làm phim, nhất là phim chiếu rạp. Đây coi như là sự phân bổ trách nhiệm, các hãng phim tư nhân có vốn đầu tư sản xuất, họ thu hồi vốn và tái sản xuất thì chọn những đề tài giải trí, nhẹ nhàng. Còn nhà nước thực hiện đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, mang tính chất tư tưởng, chính trị, giáo dục. Sự phân bổ này là cần thiết. Nhưng trong năm qua không có 1 hãng phim nhà nước nào tham gia sản xuất để có phim tham dự cánh diều thì hơi đáng lo và đáng buồn. Kinh phí của nhà nước dành cho điện ảnh đang gặp khó khăn gì?

VOH: Các năm qua vì lí do kinh phí mà lễ trao giải diễn ra chưa như ý muốn, năm nay có gì khác biệt không?

Bà Dương Cẩm Thúy: Để tổ chức lễ trao giải quy mô, hoành tráng hay tầm cỡ thì hoàn toàn không có kinh phí. Năm nay chúng tôi cũng nỗ lực tìm một nguồn kinh phí nào đó để tổ chức lễ trao giải lớn như mong muốn nhưng vẫn gặp khó khăn. Cho nên BTC mong muốn đưa ra một điều là làm sao qua buổi lễ này đáp ứng được mục đích yêu cầu là tôn vinh tác giả, tôn vinh tác phẩm, người làm phim được trân trọng thì đó là mục đích lớn nhất của chúng tôi”.