Biến đổi khí hậu sẽ diễn biến phức tạp trong những năm tới

 (VOH) - Hội nghị chuyên đề Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Quốc hội Việt Nam tổ chức chiều 11/5 tại TPHCM.

Theo Bộ trưởng Bộ tài Nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ gia tăng. Mực nước biển dâng dẫn đến tăng nguy cơ ngập lụt, triều cường, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm giảm khả năng cung ứng các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân.

Đây là một thách thức trực tiếp từ tác động của biến đổi khí hậu. Lượng mưa giảm trong mùa khô gây nên hạn hán và tăng trong mùa mưa gây nên lũ lụt ở nhiều nơi; tần suất và cường độ các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng tăng làm tăng nguy cơ thiếu lương thực, xung đột tài nguyên, gia tăng ô nhiễm môi trường và có thể tạo ra bất ổn xã hội.

Nhìn nhận tác động này, Giáo sư Mai Trọng Nhuận – Chuyên gia cao cấp – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu cho rằng, việc khai thác thượng nguồn sông Mekong cũng làm gia tăng thêm những thách thức vốn rất lớn từ nước biển dâng và biến đổi khí hậu, tác động kép ở ĐBSCL

Đại biểu các nước nêu khó khăn của từng nước, bàn giải pháp sáng tạo, hiệu quả

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một khu vực dễ bị tổn thương, chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều loại hình thiên tai, hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô, tần suất và mức độ ngày càng lớn.

Số liệu năm 2015, trong tổng số 90 cơn bão toàn cầu, 344 thảm hoạ thiên tai thì có đến gần 50% số đó xuất hiện ở các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều loại hình thiên tai, thảm họa tự nhiên tác động nặng nề đến các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Srilanka, Trung Quốc...tác động trực tiếp đến 59,3 triệu người, khoảng 16.000 người tử vong, tăng gấp đôi so với năm 2014, gây thiệt hại kinh tế khoảng 45,1 tỷ đô la Mỹ, thậm chí con số này còn cao hơn nếu tính toán các thiệt hại gián tiếp khác.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Hàng loạt công ước, nghị định thư được thông qua, khuyến khích người dân phát triển kinh tế dựa trên hệ sinh thái. Không chống lại thiên nhiên mà làm kinh tế nương theo sự thay đổi đó. Điều đó mới thực sư bền vững.

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai những dự án và kế hoạch cho Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), thay đổi cách thức phát triển kinh tế của mình. ĐBSCL trước đây là đắp đê, ngọt hóa, nhưng hiện nay chúng ta chia làm 3 vùng: vùng thượng nguồn tránh lũ và giữ nước và đây là kinh tế nước ngọt. Vùng trung tâm vừa giải quyết bài toán cấp nước cho sản xuất và vùng ấy phát triển công nghiệp, trung tâm của đồng bằng. Còn vùng ven biển, chúng ta chấp nhận là vùng nước mặn, lợ.

 Đại diện các tổ chức quốc tế cùng tham dự.

Theo Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng -  Chủ nhệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm phát thải nhà kính, triển khai trồng rừng và bảo vệ rừng ở nhiều địa phương, đổi mới canh tác kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác của nhân dân miền núi để ngăn chặn nạn chặt phá rừng làm nương rẫy. Ngoài ra, nghị định thư Tokyo thỏa thuận Paris về khí hậu, trong đó, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết của mình cùng cộng đồng quốc tế góp 1 triệu đô la Mỹ vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-20120.

Việt Nam đã tham gia cơ chế quốc tế về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu như: cơ chế phát triển sạch, giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; hoạt động giảm phát thải nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia. Việt Nam đang triển khai điện gió, xây dựng, quản lý chất thải, khí sinh học… Đó là những nỗ lực Việt Nam đã làm để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Phan Xuân Dũng đề nghị IPU cần lập cơ chế trao đổi thông tin nghị viện về biên đổi khí hậu nhằm hỗ trợ các nước ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, nghị sĩ các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần nỗ lực, có hành động thiết thực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác song phương, đa phương trong nghiên cứu, đánh giá, tuyên truyền, chuyển giao công nghệ, thực thi hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.