Cách hiểu dễ nhất về biển báo giao thông 2016 (phần 2)

(VOH) –Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41:2016 có nhiều khác biệt về cách hiểu biển báo và các báo hiệu giao thông khác. VOH tiếp tục cập nhật

Biển báo STOP là biển báo hiệu lệnh

QCVN 41:2016/BGTVT điều chỉnh chuyển biển số R.122 “Dừng lại” từ nhóm Biển báo cấm sang nhóm Biển hiệu lệnh, có ý nghĩa bắt buộc lái xe phải chấp hành khi tham gia giao thông trên đường.

Nhắc lại biển hiệu lệnh ở nơi đường giao nhau

Điều 38 quy chuẩn 41:2016/BGTVT nêu rõ “Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực”.

Quy định trước đây chỉ nêu việc nhắc lại biển báo chung chung, không cụ thể là phải cắm lại biển báo sau mỗi giao lộ theo hướng biển báo có hiệu lực.

Bổ sung biển báo chỗ ngoặt nguy hiểm

QCVN 41:2016/BGTVT bổ sung thêm biển số W.201 (c,d) “Chỗ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe” để báo trước sắp đến chỗ ngoặt nguy hiểm có khả năng gây lật các xe có trọng tâm cao và tải trọng lớn như xe tải, xe buýt giường nằm, xe chở chất lỏng... phải đặt biển số W.201(c,d):

Biển số W.201c chỗ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe bên phải khi đường cong vòng sang trái; Biển số W.201d chỗ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe bên trái khi đường cong vòng bên phải.

Hiểu đúng về vượt phải

QCVN 41:2016/BGTVT bổ sung thêm khái niệm vượt phải "là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ".

Điểm quan trọng nhất trong định nghĩa này là làm rõ “vượt ở các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều”. Như vậy ở đường mà một chiều có từ hai làn đường trở lên thì không thể bắt lỗi vượt phải.

Bên cạnh đó, để tránh những hiểu nhầm khác, quy chuẩn này còn chỉ ra cách vượt xe đúng luật như sau:

Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường. Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ.

Hiểu đúng về vạch kẻ đường

Vạch phân chia các làn xe cùng chiều gồm 2 loại vạch: Dạng vạch đơn, liền nét và dạng vạch đơn, đứt nét.

Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, đứt nét (Vạch 2.1) dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch.

Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét (Vạch 2.2) dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Trước đó, tại quy chuẩn 41:2012/BGTVT, quy định “vạch phân chia các làn xe bằng đường đứt khúc màu trắng. Dùng để phân cách các làn xe cùng chiều, nhằm mục đích bảo đảm an toàn chạy xe, trong điều kiện cho phép thì được đè lên vạch để vượt xe”. Nay quy định về vạch kẻ phân chia các làn xe cùng chiều đã rõ ràng hơn.