Cha mẹ cần chuẩn bị gì khi cho trẻ 6 tháng tuổi đi nhà trẻ?

(VOH) - Bắt đầu cho trẻ đi nhà trẻ là giai đoạn cực kì khó khăn với các bậc cha mẹ, nhất là khi gửi con nhỏ mới 6 tháng tuổi.

Mẹ trẻ nặng trĩu nỗi lo

Trước khi hết 6 tháng nghỉ thai sản, chị Bích Ngọc (Quận 7, TPHCM) đối mặt với vô số lo lắng, trong đó có việc tìm trường, gửi con 6 tháng tuổi.

Chị Ngọc chia sẻ, không chỉ áp lực tìm trường cho con, chị còn cực kì căng thẳng vì lo con bệnh, lo con không quen chỗ mới, lo không biết cô giáo có chăm con kĩ không… “Mỗi lần nghĩ tới là muốn nghỉ việc luôn ở nhà chăm con nhưng điều này không thể được” – chị Ngọc tâm sự.

Chị Ngọc hiện tìm được một trường tư nhận bé 6 tháng tuổi – thuận đường đi làm của chị. Tuy nhiên vì đi làm xa nên hai mẹ con mỗi ngày phải trải qua một hành trình dài: chị Ngọc đi từ quận 7 qua quận 1 gửi con, rồi từ quận 1, chị Ngọc đi xe đưa rước để đến nơi làm việc tại quận 9.

Biết là con sẽ mệt nhưng chỉ có cách này thì buổi chiều chị mới có thể đón con sớm.

Nếu gửi con gần nhà, buổi chiều kẹt xe, chị sẽ đón con rất trễ và chị “không thể chịu đựng được cảm giác con nhỏ ngóng mẹ về đón mà ngày nào mẹ cũng đón trễ”.

 trẻ 6 tháng tuổi, đi nhà trẻ

Cha mẹ nào cũng lo lắng khi cho con đi nhà trẻ, nhất là khi con mới được 6 tháng tuổi (Ảnh: babycenter)

Cũng cùng mối lo như chị Bích Ngọc, chị Bạch Tuyết (Quận 2) cũng đang tất tả tìm trường gửi con 6 tháng tuổi. Với lứa tuổi quá nhỏ, việc tìm trường không dễ nên chị phải tìm một trường tư gần nơi làm việc để gửi con.

Với chị, ngoài việc sợ con sốc vì phải đột ngột xa mẹ, chị còn lo lắng đến chuyện ăn uống của con. Vì muốn con được bú sữa mẹ đến khi tròn 1 tuổi nên chị duy trì việc vắt sữa đều đặn, trữ trong tủ lạnh để cho con uống dần.

Chị đã đề nghị một số trường cho chị gửi sữa (sữa mẹ) đông lạnh cho con uống – nhưng các trường không chấp nhận – vì lo lắng quy trình bảo quản khác nhau, có thể khiến bé bị đau bụng. Điều này khiến chị rối bời hơn khi đã gần hết thời gian nghỉ thai sản.

Nỗi lo của chị Ngọc, chị Tuyết là nỗi lo chung của nhiều người mẹ trẻ. Để chuẩn bị cho con khỏi sốc trước môi trường mới, mỗi người mẹ cũng có một cách khác nhau.

Chị Ngọc hiện đã bắt đầu tập cho con tự chơi, tự ngủ sớm và dậy sớm. Trước vài tuần gửi con chính thức chị cũng dự định đưa con tới trường để chơi, làm quen với cô và cho cô ẵm… Còn chị Tuyết thì cho con chơi nhiều hơn với bạn cùng tuổi ở chung cư, cho bé tiếp xúc với hàng xóm để bé dạn dĩ hơn… 

Tuy vậy, chuẩn bị cho con 6 tháng tuổi đi nhà trẻ đã là cả một hành trình khó khăn cả về tâm lý, cảm xúc mà chính mỗi người mẹ phải tìm cách vượt qua.

Cả mẹ và bé đều cần chuẩn bị kĩ trước khi bé đi nhà trẻ

Bé 6 tháng tuổi là thời điểm bé có nhiều thay đổi khi bé bắt đầu tập ăn dặm, bé bắt đầu tự ngồi một mình (dù chỉ được một lúc thôi), bé bắt đầu mọc răng kèm theo lên cơn sốt, quấy khóc…

Ngay cả một người mẹ tự tay chăm con còn “xót ruột” và lo lắng, nói chi đến cảnh mẹ gửi con đi làm – nỗi lo, nỗi xót còn đau đáu hơn.

 trẻ 6 tháng tuổi, đi nhà trẻ

6 tháng tuổi là giai đoạn trẻ tập ăn dặm nên việc bé sút cân khi đi học là khó tránh khỏi (Ảnh: babycenter)

Ngoài việc chọn một ngôi trường tốt để gửi con, các bậc cha mẹ còn cần tự rèn tinh thần của bản thân để không quá lo lắng, ảnh hưởng tới công việc. Song song đó, mẹ cũng cần chuẩn bị kĩ lưỡng cho bé trước khi bé thay đổi môi trường và cách sinh hoạt mới.

Các chuyên gia của TTC Preschool (Hệ thống Trường Mầm non TTC) chia sẻ, trước khi gửi trẻ đi nhà trẻ, đặc biệt là trẻ khoảng 6 tháng tuổi, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ như sau:

  • Tập cho bé thói quen ăn dặm với đa dạng thức ăn
  • Tập cho bé ngồi ăn hay uống sữa một chỗ (không vừa ăn vừa chơi)
  • Tập cho trẻ ngủ đúng giờ, ăn đúng bữa và đủ lượng, đủ chất
  • Tập cho trẻ thói quen tiếp xúc và giao tiếp với nhiều người khác nhau, không phải lúc nào cũng trong vòng tay cha mẹ, ông bà.
  • Nếu bé chưa cai sữa, thì mẹ có thể đăng ký với nhà trường một khung giờ nhất định để đến cho bé bú trực tiếp. Các trường hiếm khi tiếp nhận sữa mẹ vắt tại nhà vì không kiểm định được chất lượng sữa và việc bảo quản ở nhà có đảm bảo không. Đặc biệt quá trình vận chuyển sữa mẹ không đúng cách có thể gây nên những biến đổi chất (lên men, nhiễm khuẩn), ảnh hưởng tới đường tiêu hóa của trẻ mà nhà trường không kiểm soát được.

Với các bậc cha mẹ, để giảm bớt lo lắng thì cần chuẩn bị thật tốt cho trẻ về thói quen, tâm lý trước khi cho trẻ đến trường. Điều này cũng giúp trẻ thích nghi tốt hơn. Chẳng hạn như:

  • Cho bé đến làm quen trước với cô và các bạn.
  • Trong tuần đầu nên chỉ để bé đi học buổi sáng rồi đón về để bé không bị sốc về tâm lý khi lần đầu tiên phải xa gia đình.
  • Trao đổi những thói quen của bé ở nhà với giáo viên và lắng nghe những biểu hiện của bé ở trường để cùng đồng hành với trẻ ở trường.
  • Chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn, giầy dép, mũ, bình nước… cho bé khi đến trường.
  • Cần chuẩn bị tâm lý cho chính bản thân và mọi người trong gia đình khi thời gian 2, 3 tuần đầu đi học bé sẽ khóc, biếng ăn và hay giật mình khi ngủ.

Khi đi nhà trẻ sớm, trẻ sẽ dễ bị sụt ký trong thời gian đầu do chưa thích nghi được với chế độ ăn mới ở trường. Trẻ cũng có thể dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp do môi trường tiếp xúc đa dạng hơn.

Thời gian đầu về nhà trẻ rất dễ bị giật mình khi ngủ vì trong ngày trẻ hoạt động nhiều và tiếp xúc với môi trường tiếng ồn ở trường. Cha mẹ cần hiểu điều này để tinh thần không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Thay vào đó, cha mẹ nên nghĩ đến những điều tích cực khi bé đi nhà trẻ, đó là bé hình thành thói quen tự lập sớm, có môi trường để trẻ học tập, khám phá, giao tiếp từ đó phát triển nhận thức và ngôn ngữ từ sớm.

Hơn hết, dù thời gian đầu “không dễ chịu chút nào” nhưng khi đã quen cô, quen lớp, trẻ sẽ có cơ hội rèn luyện sự tự tin và khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi về nề nếp sinh hoạt, thói quen, thức ăn và các mối quan hệ với người xung quanh.