Chính phủ ủng hộ tự chủ đại học

Trả lời các đại biểu quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã thực hiện tự chủ đại học, nhưng mới được một số bước và còn phải tiếp tục thực hiện.

Chiều 9/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1993, tình trạng người tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám bệnh thì vẫn phải bỏ tiền mua thuốc; vấn đề tự chủ đại học và giải pháp để tự chủ đại học thực sự; hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội...

Báo cáo vấn đề lương hưu của cán bộ hưu trí trước năm 1993 lên Thủ tướng

Đề cập đến tiền lương của cán bộ hưu trí trước năm 1993, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đây đều là cán bộ cao tuổi và số lượng còn lại không nhiều.

“Các đối tượng nghỉ trước năm 1993 đa số là các đồng chí tham gia trong thời kỳ kháng chiến, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình. Việc nghỉ trước tuổi cũng là thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để tinh gọn bộ máy lúc bấy giờ. Tôi nghĩ đất nước ta khó khăn, nhưng chính sách đối với người đi trước không thể chậm hơn nữa. Vì thế, phải có giải pháp cụ thể,” đại biểu nêu quan điểm.

Giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo tính toán của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, Việt Nam có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993.

Ngoài ra, còn có 400.000 người nghỉ hưu các thời điểm khác nhau, nhưng lương hưu rất thấp, dưới 3 triệu đồng, thậm chí, công nhân cao su lương chỉ 1 triệu đồng/tháng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có người có công đã có phương án tính toán khoản bù thêm do ngân sách nhà nước bảo đảm, không phải lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đó, khoảng 400.000 người sẽ được bù 500.000 đồng/người/tháng, tính ra khoảng 2.400 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn thu nên cơ quan có thẩm quyền đã quyết định lùi thời điểm thực hiện. Theo đó, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công và tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều, thay vì thực hiện từ đầu năm 2021 thì đến 1/7/2022 mới thực hiện.

Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo vấn đề lương hưu của cán bộ hưu trí trước năm 1993 lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng sẽ xem xét.

Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh vấn đề điều trị bệnh theo bảo hiểm y tế vẫn còn tình trạng bỏ tiền túi để mua thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra giải pháp để chỉ đạo ngành chuyên môn xử lý triệt để vấn đề này, đồng thời đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của tình trạng này trước hết do chính sách thanh toán của bảo hiểm y tế còn những điểm chưa phù hợp.

“Mức trung bình đóng bảo hiểm y tế có tăng lên nhưng đến nay mới khoảng 1,1 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 1/3 của Philippines và chưa bằng 1/4 của Thái Lan. Trong khi đó, giá thuốc của Việt Nam chỉ rẻ hơn khoảng 10-15% so với các nước ASEAN. Vì vậy, bảo hiểm xã hội không thể thanh toán tất cả các loại thuốc mà chỉ thanh toán với những dạng thông thường, còn những loại thuốc biệt dược thì người bệnh phải bỏ tiền túi,” Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng, hàng năm, Việt Nam chi khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc và bảo hiểm y tế đã thanh toán khoảng 36-37%, là mức cao so với một số nước trên thế giới. Phó Thủ tướng cho rằng cần duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân phản ánh phải bỏ tiền túi mua thuốc điều trị do có tiêu cực, móc nối giữa bác sỹ điều trị và các trình dược viên, các công ty thuốc, nhà thuốc, kê đơn để ăn hoa hồng. “Trong nhiều năm, ngành Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt. Có thể nói rằng, có hiện tượng đó. nhưng không phải là tất cả,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Để khắc phục, theo Phó Thủ tướng, chỉ có một cách là công khai, minh bạch bằng công nghệ thông tin. Vì có hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hàng triệu lượt khám, chữa bệnh một năm. nên không thể kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh tin học hóa và thời gian qua Bộ đã làm rất tốt.

Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian được phân công trực tiếp điều hành Bộ Y tế, cùng với việc chỉ đạo chống dịch COVID-19, ông và lãnh đạo Bộ Y tế đã tập trung quyết liệt thực hiện tin học hóa.

Một số việc đã hoàn thành như cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nền tảng khám, chữa bệnh từ xa, từng bước công bố tất cả những thông tin liên quan đến quản lý ngành y tế...

Tới đây, Bộ Y tế sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc để làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử. Ngoài ra, việc liên thông xét nghiệm cũng được đẩy mạnh để tránh lãng phí.

Hội đồng trường phải là cơ quan thực quyền

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cùng quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học và chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Phó Thủ tướng cho biết những hành động tiếp theo của Chính phủ, giải pháp để các trường đại học có sự tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy tài chính, tự chủ về chuyên môn mà không có sự can thiệp quá sâu của cơ quan chủ quản.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh chất vấn thành viên Chính phủ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Dương Minh Ánh nêu quan điểm: “Qua câu chuyện của trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhiều cử tri cho rằng nên bỏ Bộ chủ quản thì việc tự chủ đại học của nước ta mới có thể tiến tới thành công được như mong muốn. Đề nghị Phó Thủ tướng nêu quan điểm về vấn đề này?”

Trả lời các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã thực hiện tự chủ đại học, nhưng mới được một số bước và còn phải tiếp tục thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng, đối với tự chủ đại học, có năm điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm có tính nguyên tắc cho Việt Nam cũng như một số nước có hoàn cảnh tương tự. “Chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nguyên tắc gồm: Trước hết, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mức bình thường. Cả thế giới coi đại học phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, sáng tạo, khoa học.

Bên cạnh đó, tự chủ đại học luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện theo quy định của pháp luật, theo những quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.

Ngoài ra, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư tiền. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ, nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng, mà còn xây dựng cơ sở vật chất.

Một nguyên tắc nữa là, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục. Thực hiện tự chủ nhưng phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, một số đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, nhất là đại học chất lượng cao.

Đối với những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, khái niệm chủ sở hữu của đại học cũng thay đổi, vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, cơ sở vật chất, mà còn là trí tuệ, học phí của người dân. Vì thế, về lâu dài, khái niệm chủ sở hữu trường đại học không đơn thuần của một cơ quan, tổ chức nào, mà của toàn xã hội.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh về việc có nên bỏ cơ quan chủ quản trường đại học không, Phó Thủ tướng cho biết trong hệ thống luật pháp của Việt Nam không có khái niệm cơ quan chủ quản, mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Cơ quan quản lý chủ yếu sẽ quản lý về công tác cán bộ theo các quy định của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phó Thủ tướng nhận định việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn những bất cập như vướng mắc trong thu tiền tài trợ, học phí; tuổi giữ chức vụ của cán bộ trong trường đại học; khi trường đại học mở ngành mới vẫn còn các quy định ràng buộc về tỷ lệ giáo viên, tiến sỹ, giáo sư...

Do đó, để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật, tất cả các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức.

Các trường phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát. Trong quá trình thực hiện tự chủ, nếu có nhiều điểm chưa có tiền lệ thì cần xử lý bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ.

Đối với vấn đề liên quan đến Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho biết Chính phủ hết sức trách nhiệm, không lơ là, nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định.

Chính phủ đã lập đoàn công tác có cả Bộ Tư pháp vào xem xét, phân tích và sẽ có báo cáo. "Sau đó, chúng tôi sẽ công khai cho toàn dân biết. Tinh thần là Chính phủ công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển," Phó Thủ tướng khẳng định.

Đẩy mạnh việc nêu gương

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về tình trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, mọi người dân. Để đánh giá thực trạng, cần nhìn hai mặt bởi, đạo đức xã hội của Việt Nam được tổng hợp lên từ nhân dân.

Về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, tình yêu thương đồng loại, Phó Thủ tướng dẫn chứng: “Khi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu thành công tại Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, cả dân tộc nao nức. Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy.”

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam thân thiện, cởi mở, yêu lao động, chịu thương, chịu khó, đặc biệt là có tinh thần vươn lên và rất hiếu học.

“Nói như vậy để thấy rằng, những hiện tượng đạo đức xã hội xuống cấp là đáng báo động, nhưng không phải vì thế mà nhìn nhận xã hội, đạo đức xã hội, con người Việt Nam một cách không công bằng. Chúng ta cần nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để khắc phục,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng phân tích do mặt trái của kinh tế thị trường, yếu kém của văn hóa, giáo dục...

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là trong mỗi con người và trong toàn xã hội, cuộc đấu tranh giữa cái thiện-cái ác, cái tốt-cái xấu, chưa có khi nào cái tốt hoặc cái xấu thắng tuyệt đối.

Ngoài ra, sự suy yếu về đạo đức trong từng thời kỳ không chỉ riêng do giáo dục hay văn hóa, mà do các bất cập của cả hệ thống thể chế quản lý về pháp luật, kinh tế-xã hội. Kinh tế thị trường, đặc biệt gần đây mạng internet, mạng xã hội có mặt trái...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý muốn góp phần cho cái tốt nhiều lên thì phải làm cho toàn xã hội, từng người dân hiểu rõ cái gì tốt, cái gì xấu.

“Có những thứ tưởng là dễ nhưng không phải. Ví dụ ăn cắp ai cũng biết là xấu, nhưng ăn cắp thời gian thì không mấy ai nghĩ đó là ăn cắp,” Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Mặt khác, phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, phải nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau.”

Đặc biệt, phải chú trọng các vấn đề xã hội, trong đó có đạo đức và văn hóa. “Đây là nhược điểm phổ biến của hầu hết quốc gia đang phát triển, khi bị sức ép từ tăng trưởng kinh tế thì người ta coi văn hóa, đạo đức là vấn đề chưa làm ra tiền trong ngắn hạn, chưa cháy nhà, chết người nên dễ bị coi nhẹ,” Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, không chỉ là nguồn lực đầu tư, con người, mà cả thời gian, tâm sức, chỉ đạo để dân tộc Việt Nam tiếp tục tự hào với truyền thống văn hiến, xứng đáng với truyền thống cha ông để lại.