Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Người Việt trẻ thiếu động lực học tiếng Anh (P.3)

(VOH) - Chuyên gia phân tích về những hạn chế, rào cản trong việc học tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam so với thế giới và gợi mở những giải pháp về học ngoại ngữ.

Mới đây, Tổ chức Giáo dục Education First (EF) công bố bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới. Năng lực tiếng Anh của người Việt xếp thứ 41/88 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Việc xếp hạng này đưa ra sau khi Tổ chức EF tiến hành khảo sát 1,3 triệu người tại 88 quốc gia, vùng lãnh thổ về khả năng sử dụng tiếng Anh. Nếu xếp hạng ở Châu Á, Việt Nam xếp thứ 7/21 quốc gia, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông, Hàn Quốc.

Trong 5 nhóm xếp hạng kỹ năng tiếng Anh từ rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp, thì Việt Nam được xếp vào nhóm 3, thuộc nhóm có năng lực tiếng Anh trung bình.

Phóng viên Thùy Linh phỏng vấn bà Cao Phương Hà – Thạc sĩ Đại học Harvard, Giám đốc Điều hành Tổ chức giáo dục Education First tại Việt Nam về vấn đề dạy học tiếng Anh.

Đây cũng là nội dung kết thúc loạt bài Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Bắt đầu từ ngoại ngữ.

Bài 3: Người Việt trẻ thiếu động lực học tiếng Anh

Phân tích của bà Cao Phương Hà – Thạc sĩ Đại học Harvard, Giám đốc Điều hành Tổ chức giáo dục Education First tại Việt Nam về những hạn chế, rào cản trong việc học tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam so với thế giới và gợi mở những giải pháp về học ngoại ngữ.

* VOH: Bà có nhận xét gì về việc học tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam?

- Bà Cao Phương Hà:  Trong vòng tám năm nay, từ năm 2011 Việt Nam đã tham gia nghiên cứu của EF. Trong 8 năm qua, Việt Nam liên tục vượt hạng.

Năm 2011 khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia thì đứng ở thứ hạng rất thấp, sau đó là lên mức thấp, và bây giờ chúng ta đang ở mức trung bình. Cụ thể ở năm 2018, Việt Nam đứng ở thứ hạng 41/88 quốc gia tham gia bảng xếp hạng của EF. Một thực tế là việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang ngày càng được đẩy mạnh.

Do nỗ lực rất nhiều của nhà trường của phụ huynh, của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tạo điều kiện, các trung tâm tham gia giúp nâng cao năng lực tiếng Anh của học sinh. Tuy nhiên, sự tiến bộ đó vẫn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là trong phần giao tiếp và tư duy phản biện.

Học tiếng Anh để hiểu biết, để phát triển sự nghiệp chứ không phải để... thi

Nếu chúng ta suy nghĩ tiếng Anh không chỉ là một ngoại ngữ, học để mà biết tiếng Anh, mà chúng ta phải nghĩ rằng tiếng Anh là một công cụ để tiếp cận tri thức, để làm việc được bằng tiếng Anh, phát triển sự nghiệp và phát triển con người của mình, thì tiếng Anh chỉ là cái nền cơ bản mà thôi.

Trên nữa nó cần phải có sự hiểu biết về văn hóa, tư duy độc lập và phản biện. Đây là những điều mà sinh viên Việt Nam vẫn còn đang hạn chế.

* VOH: Vì sao có tình trạng, học sinh sinh viên Việt Nam học tiếng Anh trong thời gian rất dài, nhưng sau khi ra trường lại không sử dụng tiếng Anh tốt cho công việc hoặc giao tiếp?

- Bà Cao Phương Hà: Mình cũng phải nhìn thẳng một thực tế, tiếng Anh cũng là một kỹ năng. Một số người sẽ có những khả năng ngôn ngữ tốt hơn những người khác.

Với những trường hợp như phóng viên đề cập, có thể là tiềm năng của các bạn chưa được phát huy hết mức. Vì thế nên học rất nhiều, tốn tiền của của gia đình nhiều, nhưng khi ra trường vẫn chưa sử dụng đúng năng lực của mình.

Năng lực thì khác nhau, nhưng quan trọng ở đây là ý muốn nói là đạt đến mức năng lực cao nhất của mình. Cái này cũng có nhiều lý do tuy nhiên, lý do đầu tiên phải đến từ động lực. Động lực này đôi khi nếu như làm không khéo, thì những việc như nhồi nhét, bắt các em học quá nhiều, thì thay vì trở thành động lực nó lại tạo ngược lại và phản tác dụng đối với các em. Mình nghĩ không chỉ liên quan trong học ngôn ngữ đâu, mà nó còn là giáo dục nói chung. Làm sao để cho các bạn có động lực tự học và học cho chính mình.

* VOH: Hiện nay có ý kiến cho rằng người học tiếng Anh chủ yếu để đối phó với các kỳ thi, với điểm số. Theo bà, làm thế nào để cho học sinh, sinh viên thích học tiếng Anh?

- Bà Cao Phương Hà: Tiếng Anh bây giờ là tri thức, là chìa khóa cho cửa sổ tri thức của nhân loại. Có những câu hỏi các bạn không thể hỏi bằng tiếng Việt, cũng không đủ thông tin để trả lời cho những câu hỏi của các bạn, thì các bạn sử dụng tiếng Anh.

Điều này nghĩa là như thế nào? Nếu như các bạn thấy được sự tương đồng liên quan rõ nét giữa ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ cho những mục đích mang tính thực tế, và nó thực sự tốt cho cuộc sống của mình. Tự nhiên lúc đấy các bạn sẽ có động lực.

Tuy nhiên, hiện tại giáo dục của chúng ta đang không theo hướng đấy. Giáo dục của chúng ta là học để thi, ngay cả tiếng Anh cũng vậy. Học để thi IELTS và TOEFL. Tuy nhiên, IELTS và TOEFL cũng chỉ dành cho một đối tượng nhỏ những bạn có nhu cầu đi du học nước ngoài. Nó cũng không phải là đích đến. Nó chỉ là một điểm dừng mà những người đi du học cần phải trải qua.

Nhưng, đích đến ở đây chính là trí tuệ. Nếu như nhà trường, phụ huynh chỉ hướng câu chuyện giáo dục về điểm số thì sẽ rất khó. Bởi vì các em cũng sẽ hướng đến điểm số thôi. Trong khi đại học là một phần rất quan trọng để chuẩn bị cho các bạn tâm thế để hội nhập vào xã hội sau này. Các bạn không thấy được, tại sao mình phải học cái này?

Học sinh, sinh viên có nhiều cách để học tiếng Anh chứ không chỉ là nhồi nhét kiến thức trong nhà trường (Ảnh: giaovienbanngu)

Bây giờ người trẻ rất thông minh. Họ không chỉ muốn biết là tại sao phải học, mà muốn biết học để đóng góp gì cho cuộc sống của mình. Ở đây mình muốn nói đến cách giảng dạy, những cách định hướng, đo lường của mình cho học sinh cần phải hướng tới cái gì nó thực tế, thực chất và mang tính gợi mở, cập nhật thế giới. Điều này không chỉ làm trong ngôn ngữ mà là toàn bộ về triết lý và cách định hướng về giảng dạy và học tập ở Việt Nam.

Ở những nước càng phát triển về giáo dục, thì phần thi cử càng gần đến tự nhiên hơn. Có những lớp học, học sinh đến và không có môn học. Học sinh cũng tự học rất nhiều. Đến lớp các bạn sẽ cùng nhau giao tiếp, trao đổi phát triển, đặc biệt là làm dự án với nhau. Mình nghĩ học sinh ở Việt Nam cũng nên như vậy, các bạn nên học ở nhà đi. Còn khi các bạn đến lớp thì các bạn cùng nhau làm việc nhóm để giải quyết một vấn đề của xã hội. Giáo dục mà không giúp cho cuộc sống thực, đối với mình không phải là giáo dục mà là giáo điều.

* VOH: Trong bối cảnh hiện nay, từ thực tế giáo dục của EF, việc học và dạy tiếng Anh ở Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào. Bà chia sẻ một số giải pháp?

- Bà Cao Phương Hà: Trước hết, là phải thay đổi chính sách từ Bộ GD-ĐT, luật và chính sách là định hướng. Nhưng, để thực hiện được, nó phải cần sự hiểu biết và sự đồng thuận từ tất cả các bên.

Nếu như chúng ta nói, chúng ta không chạy theo thành tích nữa. Vậy chúng ta có dám bỏ đi phần thi hay không? Hay chúng ta một mặt vẫn nói là không chạy theo thành tích, một mặt vẫn muốn tổ chức thi cho học sinh.

Theo mình, khảo thí cũng là một phần quan trọng. Nhưng nó quan trọng ở chỗ, là giúp cho người học biết là mình đang ở đâu. Nó chỉ là tín hiệu để mình tiếp tục hướng tới những công việc khác.

Thước đo lớn nhất của giáo dục chính là: con người học ở trường lớp đó họ đã làm được gì? Điều này không chỉ được đánh giá trong một năm, cần phải có thời gian dài hơn. Khi chúng ta có thay đổi về chính sách, phụ huynh cũng phải đồng tình và hiểu được điều này. Bởi vì càng ngày học phải càng thực chất. Giáo viên cũng vậy. Khi giáo viên được dạy không phải theo điểm số mà được dạy thực sự là kiến thức, tự nhiên người giáo viên ấy cũng phải học tri thức mới. Họ cũng sẽ cảm thấy vui, có động lực, họ chia sẻ những tri thức mà họ cảm thấy có ý nghĩa với học sinh của mình, để làm cho học sinh thích.

* VOH: Cám ơn bà.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Học tiếng Anh đối phó - Hội nhập càng khó (P.1) - Trên thế giới hiện có hơn 1,6 tỷ người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, tuy nhiên tại Việt Nam việc đào tạo tiếng Anh còn nhiều điều đáng ngại.
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Phải quốc tế hóa giáo dục đại học (P.2) - Quốc tế hóa giáo dục đang tiếp tục là xu thế phát triển tất yếu của các trường đại học trên thế giới. Các trường đại học Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi này.