Đào tạo tiến sĩ dự kiến nâng lên 6 – 7 năm

(VOH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhìn chung quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các các cơ sở giáo dục đại học giảm mạnh; do nguyên nhân chủ quan, khách quan và có yếu tố cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài. Tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường tốp cao kém hơn các trường khác là một trong những bất cập trong thực tế. Vì vậy, Bộ chủ trương xây dựng lại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đảm bảo theo đúng quy định của luật và yêu cầu tập trung vào chất lượng.

Đáng chú ý, về tổ chức đào tạo, dự thảo quy định về việc gia hạn tối đa 3 năm, từ đó, nâng tổng thời gian đào tạo tiến sĩ từ 5 - 6 năm lên 6 - 7 năm.

Quy định mới sẽ cho phép bảo lưu kết quả học chương trình tiến sĩ trong thời hạn nhất định theo quy định của thủ trưởng cơ sở đào tạo.

Đào tạo tiến sĩ dự kiến nâng lên 6 – 7 năm
Đào tạo tiến sĩ dự kiến nâng lên 6 – 7 năm. Ảnh minh họa: SGGP

UNICEF đề xuất 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh vừa có buổi tiếp Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Lesley Miller.

Tại đây, hai bên trao đổi nhiều nội dung nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cụ thể, bà Lesley Miller đã đề xuất 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm: Phổ cập số trong giáo dục và đào tạo; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự công bằng trong giáo dục; xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp và an toàn.

Theo bà Lesley Miller, trong bốn lĩnh vực ưu tiên hợp tác thì việc phổ cập công nghệ thông tin cần phải được quan tâm đúng mức, trong đó, UNICEF đề nghị hợp tác với Bộ để phổ cập công nghệ thông tin cho học sinh từ bậc học mầm non và tất cả các giáo viên. Vì thực tế đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, nhờ có công nghệ thông tin mà việc học không bị gián đoạn mặc dù việc đến trường phải tạm dừng.