Để học sinh yêu thích học văn

(VOH) - Môn Ngữ văn là một trong những môn học quan trọng trong chương trình và cả trong việc hình thành phát triển nhân cách học sinh.

Marxim Goki cũng đã từng nói "văn học là nhân học" khi môn học này giúp con người vừa hoàn thiện lại vừa giúp con người hướng thiện.

Tuy nhiên, để bộ môn Ngữ văn hấp dẫn hơn đối với học sinh, việc đổi mới cách dạy và cách học chính là yêu cầu cần thiết.

Văn hay chữ tốt, voh.com.vn

Các em học sinh tham dự cuộc thi "Văn hay chữ tốt" được trải nghiệm đi tàu cao tốc, ngắm quang cảnh TP trước khi thi

Giáo điều, ngại đọc, bản thân không có năng khiếu học văn... là những lý do được nhiều học sinh đưa ra cho câu trả lời vì sao sợ học môn học Ngữ Văn hơn các môn khoa học tự nhiên khác.

Cũng chính vì suy nghĩ đó, đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học, thay vào đó các em học tập một cách đối phó, và không đánh giá đúng vị trí vai trò môn học.

Một học sinh giấu tên chia sẻ: "Trường con nhiều bạn không yêu thích môn Văn. Các bạn thấy rằng làm tập làm văn rất khó, khó để suy nghĩ hơn các ban tự nhiên. Con nghĩ thứ nhất do các bạn không hứng thú với những đoạn văn bản, sách vở. Có thể do các bạn chưa đủ chín chắn để cảm nhận những điều nhỏ bé tinh tế”.

Cũng có học sinh cho rằng, do các bạn học sinh nghĩ môn Văn là môn học phụ nên môn học đó chỉ cần học, “chém gió” qua loa là xong.

Trong khi đó, môn học Ngữ văn được xem là môn học công cụ đắc lực trong việc giáo dục, cảm hoá con người và xa hơn nữa là xây dựng, gìn giữ giềng mối đạo đức xã hội.

Để học tốt môn học này ngoài ngữ liệu từ sách vở, những điều các em quan sát, cảm nhận từ thực tế đôi khi lại có sức thuyết phục hơn rất nhiều. Đó có thể là lòng trắc ẩn được đánh thức sau buổi thực tế ở trại trẻ mồ côi, hay cảm nhận được sự may mắn của bản thân khi đứng trước câu chuyện của những mảnh đời bất hạnh...

Dự án dạy học "Có thư bên bậu cửa" của thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, cũng là một trong những cách thức dạy học Ngữ văn từ việc cảm nhận hơi thở cuộc sống. Tham gia dự án, mỗi thành viên sẽ tìm và chọn cho mình nhân vật yêu thích. Đó có thể là người lính cứu hoả, chú bảo vệ, hoặc chú bán kẹo bông gòn... mà các em có nhiều ấn tượng.

Sau quá trình tìm hiểu cuộc sống, những khó khăn, tâm tư và nỗ lực của nhân vật, mỗi học sinh sẽ tự viết một lá thư tay cho những người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm, hoặc ngưỡng mộ. Quá trình lui tới tìm hiểu cuộc sống nhân vật đã cho học sinh nhiều góc nhìn và cảm xúc.

Sự sẻ chia, yêu thương cũng theo đó nhân lên. Chính vì vậy, dù tổ chức các hoạt động dự án đòi hỏi rất nhiều công sức nhưng giáo viên này vẫn rất tâm đắc: “Việc thực hiện dự án sẽ vất vả hơn nhưng thành quả hôm nay cho tôi động lực để thực hiện, đặc biệt là khi thấy học trò tôi trưởng thành hơn, hiểu về cuộc sống hơn, nhìn thấy nhiều những điều quanh mình và nhìn một cách sâu sắc hơn, quan sát, lắng nghe, chia sẻ.

Tôi quan trọng, học văn không chỉ từ trang sách mà phải bắt nguồn từ cuộc sống. Thực tế văn học phải bắt nguồn từ cuộc sống và tôi muốn cho học sinh thấy được cả những lấp lánh và cả những lấm láp của cuộc sống ngoài kia, để học sinh có thể học được nhiều thứ hơn là những kiến thức trong sách giáo khoa".

Hướng đến đổi mới việc dạy và học môn Ngữ văn, ngữ liệu từ cuộc sống đã đi vào các đề thi, đề kiểm tra, qua các phần nghị luận xã hội để định hướng các hoạt động dạy học.

Trong cuộc thi "Văn hay chữ tốt" được tổ chức gần đây, những trải nghiệm từ cuộc sống một lần nữa được thể hiện vai trò khơi nguồn cảm xúc cho thí sinh.

Học sinh được trải nghiệm đi tàu cao tốc, ngắm quang cảnh Thành phố từ góc nhìn khác, trong buổi sáng tinh tươm với tiết trời thật đẹp, thí sinh quan sát những toà nhà soi bóng bên dòng nước, chiếc cầu hiện đại đang thi công, di tích bến Nhà Rồng nơi khởi hành chuyến đi "ái quốc" của Bác...

Cũng chính từ đấy thí sinh đã viết ra những cảm xúc vừa mới lạ, vừa tự hào: "...Sài Gòn trong tôi chân phương, mến khách... Sài Gòn trong tôi quen thuộc lại khó quên! Nhưng rồi tôi chợt nhận ra:

"Có một Sài Gòn xanh bao quanh Sài Gòn đô thị!

 Có một Sài Gòn bình yên nằm giữa Sài Gòn ồn ào náo nhiệt!"

Đó là khi, tôi có "Một góc nhìn khác về thành phố tôi yêu!"..."

Giáo viên Cao Thị Hoàng Hà, Trường Trung học cơ sở Đống Đa, Quận Bình Thạnh cho rằng không chỉ với cuộc thi, những trải nghiệm rất cần thiết cho cuộc sống và việc học tập môn Ngữ văn:

Theo cô Hoàng Hà: "Văn thì phải gắn với cuộc đời, còn văn mà chỉ trong trang sách thì các em rất dễ nhàm chán, đơn điệu và không thích. Nó cũng sẽ không giúp ích nhiều cho cuộc sống. Khi trải nghiệm như vậy sẽ tạo sự hứng thú, thu hút các em đến môn văn nhiều hơn".

Học sinh Lê Thảo Nguyên, Trường Trung học cơ sở Hoa Lư, Giải Nhất cuộc thi "Văn hay chữ tốt" cho biết, bản thân cũng từng rất ngán môn học này, nhưng từ tình yêu với sách đã dần khắc phục nỗi sợ này.

Môn Văn cần những trải nghiệm để gần gũi hơn với cuộc sống, và ngược lại những trải nghiệm với môn Văn cũng giúp cuộc sống và bản thân người học tinh tế hơn, ý nghĩa hơn.

Thảo Nguyên tâm sự: “Những trải nghiệm đã thắp lên cho em những cảm xúc mà trước nay em chưa có. Môn Văn sẽ trau dồi cho các bạn một tâm hồn cao thượng, nhân ái và các bạn sẽ đẹp hơn mỗi ngày.

Để thu hút học sinh yêu thích học Văn hơn, giáo viên phải là người truyền cảm hứng và học sinh cần tích cực trau dồi khả năng đọc viết và yêu thích đọc sách".

Thực tế, trong bối cảnh xã hội nào môn Ngữ Văn cũng giữ vai trò quan trọng. Ở thời đại của cuộc cách mạng 4.0 hay 5.0... thì việc giao tiếp, thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình vẫn khó ngôn ngữ lập trình hay phương trình, định luật nào thay thế được.

Thậm chí đó chính là sự khác biệt, tầng nhận thức cao hơn giúp con người vượt lên sự cạnh tranh của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Để làm được điều đó, những môn học về khoa học xã hội, đặc biệt là môn Ngữ Văn đóng vai trò hết sức quan trọng.

Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo gửi gắm và  nhấn mạnh trong buổi lễ ra quân thi học sinh giỏi: "Trước đây, mọi người thường quan niệm chỉ học các môn Toán-Lý-Hoá mới vào được các trường đại học danh giá nhưng hiện nay các bộ môn xã hội, như bộ môn Văn đã trở thành quan trọng.

Cho nên, các thầy cô lãnh đạo các trường cũng có chỉ đạo, tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên các bộ môn khoa học xã hội có cơ hội rèn luyện, để các em có vốn sống và khả năng thể hiện mình, giao tiếp hoạt bát. Tiếng Việt có giỏi mới là nền tảng để học giỏi các môn khác".

Rõ ràng vai trò, tầm quan trọng của của bộ môn Ngữ văn trong nhà trường là điều không cần tranh cãi. Tuy nhiên, để làm tốt điều này đòi hỏi không chỉ là những bài giảng, ngữ liệu đơn thuần từ sách giáo khoa, mà cần khơi gợi cảm xúc, "tưới tắm" tâm hồn người học bằng những câu chuyện, những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống.

Những điều này sẽ là hành trang quý giá cho quá trình trở thành người công dân tương lai với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp cần có ở một Thành phố nghĩa tình.