Giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp ở KCN - KCX

(VOH) - Sáng 6/8, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, nhiều vấn đề, chính sách cho đội ngũ giáo viên đã được các đại biểu đưa ra phân tích.

Năm học 2018-2019, đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết về giáo dục và đào tạo. Năm học 2019-2020 là năm nước rút chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt là khối lớp 1.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019

Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó tình trạng thừa - thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Theo các chuyên gia, đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thống kê cụ thể về tình hình giáo viên trên cả nước, cần sớm công bố để các địa phương có định hướng thích hợp. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, đội ngũ giáo viên hiện nay nơi thừa nơi thiếu, thừa thiếu cục bộ dẫn đến công tác điều hành có nhiều bất cập, vấn đề về dự báo giáo viên với học sinh chưa được sát, đặc biệt ở khối mầm non.

Hiện nhiều địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sáp nhập trường dẫn đến việc bố trí giáo viên gặp nhiều khó khăn. Giáo sư Trần Hồng Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nên bình tĩnh, đừng vội khẳng định thừa giáo viên. Giáo sư phân tích trong khi, ở nhiều vùng nông thôn dân số có xu hướng thưa ra. Địa phương có tình trạng sáp nhập trường lớp lại , làm bán kính đi học của học sinh dài ra hơn. Vì vậy, thấy dường như là thừa giáo viên. Tuy nhiên ở nhiều địa phương khác tình trạng ngược lại.  

Ông Quân cho rằng sỉ số học sinh trên các trường lớp nói chung là cao, chưa kể tình trạng các trung tâm thành phố lớn luôn luôn chịu áp lực. Có khi mở trường lớp, đội ngũ giáo viên chạy theo không kịp. “Tôi cho rằng chúng ta cần bình tĩnh lại, đừng đặt chỉ tiêu phải giảm bao nhiêu phần trăm, không khéo sau này phải trả giá", ông Quân nói.   

Nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo

TPHCM là địa phương đối mặt với tình trạng tăng dân số. Hàng năm, thành phố luôn đầu tư xây mới hàng ngàn phòng học. Năm học 2019-2020 thành phố dự kiến đưa vào hoạt động trên 1.300 phòng học mới. Mặc dù là năm thứ 3 liên tiếp thành phố là địa phương có kết quả thi trung học phổ thông quốc gia môn tiếng Anh cao nhất nước nhưng thành phố vẫn đối mặt với một số khó khăn trong đội ngũ nhân sự như: thiếu biên chế lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo, kế toán, bảo vệ, chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh, thiếu giáo viên mầm non...

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND  TPHCM cho biết, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều chế độ chính sách hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo. Điển hình các chính sách đặc thù hỗ trợ cho ngành học mầm non, giải quyết cơ bản vấn đề thiếu giáo viên, nhân viên trong cơ sở mầm non công lập, làm tiền đề để thực hiện hiệu quả các chương trình như giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, thí điểm giữ trẻ ngoài giờ cho công nhân tại các khu chế xuất khu công nghiệp...

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND  TPHCM phát biểu tại hội nghị.

Giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp ở KCN - KCX

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục phổ thông phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản là đủ trường lớp, đủ lực lượng giáo viên và học sinh phải được học gần nhà. Hiện các công tác tuyển sinh đầu cấp vẫn còn rất căng thẳng là do chưa tuân thủ nguyên tắc này. Nhà nước lo mặt bằng chung, còn giáo dục chất lượng cao cần xã hội hóa, không nên cào bằng. Giảm biên chế cần hiểu là giảm từ biên chế hưởng lương Nhà nước. Thực tế xã hội phát triển, một bộ phận sẵn sàng trả lương cao để con được học môi trường tốt hơn, như các trường quốc tế, tư thục chất lượng cao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các địa phương cần tích cực rà soát lại quy hoạch hệ thống trường lớp nhất là mầm non, phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng trường học, giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp ở khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX). Bên cạnh đó, đẩy mạnh sắp xếp hệ thống các trường sư phạm trọng điểm nhằm đào tạo nhân lực cho giáo dục. Các trường sư phạm địa phương thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên định kỳ theo yêu cầu đổi mới dạy học.  

"Các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Tôi nghĩ trong cả nước không thiếu quá nhiều, nhưng cục bộ từng địa phương, tình trạng thiếu rất căng thẳng, do chúng ta chưa có kế hoạch sắp xếp phù hợp. Cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện có kết quả chương trình phổ thông mới. Chương trình phổ thông mới có nhiều vấn đề cần phải triển khai tốt trong năm học", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.