Giám thị: Những trái tim nóng đằng sau vẻ mặt lạnh lùng

(VOH) - Nghĩ về họ, học sinh các thế hệ lại nhớ đến dáng vẻ nghiêm nghị, tay nhịp thước, chân rảo bước đi dọc hành lang lớp học mỗi giờ ra chơi, lên lớp, hay ra về.

Ngày 20/11 họ cũng ít nhận được hoa, hay sự tôn vinh của học sinh như những giáo viên khác, một phần chính từ sự nghiêm khắc mà mỗi thầy cô tự xây dựng cho mình. Nhưng môi trường giáo dục sẽ thiếu an toàn hơn, những phương pháp giáo dục sẽ giảm hiệu quả hơn nếu thiếu họ, những người giám thị có trái tim nóng đằng sau vẻ mặt lạnh lùng.

Thật khó có thể hình dung trường học sẽ như thế nào nếu thiếu vai trò giám thị. Ngay cả với chính các em học sinh, những người chịu sự quản lý nghiêm khắc từ chính các thầy cô: "Nếu 1 ngày hoặc 1 tuần không có thầy cô giám thị, các bạn sẽ không có nề nếp, rất mất trật tự, thiếu kỷ luật, chắc là rối. Nhờ các thầy cô giám thị, lớp có thể kiểm soát các bạn nghỉ học đi trễ, vi phạm kỷ luật. Một số bạn nhờ thầy cô nhắc nhở nên tập trung học hơn.

Thầy giám thị Huỳnh Quốc Tuấn Trường THPT Nguyễn Văn Linh với công việc hàng ngày

Làm giám thị tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh, Quận 8, hơn 7 năm, nhưng thầy Huỳnh Quốc Tuấn, công tác Giám thị tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh không nhớ nỗi mình đã đi đám cưới bao nhiêu học sinh của trường.

Mỗi dịp 20/11, học sinh đang học tại trường không nhiều người nhớ đến thầy, nhưng những em đã ra trường lại về thăm thầy giám thị nghiêm khắc của trường nhiều nhất. Khoác lên mình vẻ nghiêm nghị khi thực hiện chức trách người quản lý tình hình kỷ luật trong nhà trường, nhưng thầy cũng là người tham gia cổ động tích cực các phong trào, các giải thi đấu của học sinh.

Chia sẻ về nghề, thầy Huỳnh Quốc Tuấn  nói: "Giám thị phải biết hoàn cảnh học sinh như thế nào, tâm lý học sinh như thế nào, có cá biệt không, môi trường như thế nào, để giáo dục học sinh tốt hơn. Mỗi công việc có một đặc thù riêng, khi tiếp xúc với công việc, đã quen công việc, mình thấy rất thoải mái, rất vui. Gắn bó với học sinh, mình giáo dục các em có đạo đức tốt, bước ra trường có mối quan hệ, ý thức chấp hành tốt, ra đời sẽ vững chãi hơn".

Trường xa trung tâm, điểm đầu vào thấp, nên học sinh của trường cũng không ít bạn chưa ngoan, thậm chí là cá biệt. Vùng ven, dân nhập cư nhiều, nên việc mưu sinh của phụ huynh cũng có phần vất vả hơn, việc học của con cái nhiều lúc phải phó mặc cho nhà trường. Có em thường xuyên đến trường trễ, bởi ba mẹ phải đi làm từ khuya. Để học sinh không mất bài vở hay chịu các hình thức kỷ luật, thầy giám thị lại phải gọi điện về nhắc nhở em giờ đến lớp.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh ghi nhận: "Công tác giám thị thầy cô gặp rất nhiều khó khăn. Một số học sinh chưa ngoan, phải làm sao cân đối được cái tình, cái lý. Công việc của thầy cô là đeo bám từng lớp, đeo bám từng học sinh. Trường hợp có khó khăn gì mình trao đổi thứ nhất với chủ nhiệm, thứ hai với cha mẹ học sinh. Chính bản thân các thầy cô cũng là những người tư vấn tâm lý cho các em. Vừa tình vừa lý để làm sao giáo dục được các em".

Một nhiệm vụ quan trọng của người làm công tác giám thị là phối hợp với giáo viên chủ nhiệm quản lý và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm không thể ngày nào cũng có mặt để giải quyết nhanh chóng những tình huống, nên giám thị sẽ là người nắm bắt tình hình, hiểu học sinh để có thể xử lý kịp thời.

Giáo viên Đỗ Thị Tuyết Nhung, cho biết thầy giám thị đã giúp rất nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến lớp. Như trường hợp một học sinh lớp chủ nhiệm năm trước, có mẹ đi làm tận Phú Quốc, cha vi phạm pháp luật nên không có mặt ở nhà. Kinh tế khó khăn, em thường xuyên vắng học. Nhưng nhờ sự phối hợp đông viên của thầy giám thị, em đã vững tin và hoàn thành 12 năm học tập của mình.

Cô Đỗ Thị Tuyết Nhung bộc bạch: "Mình động viên một phần, nhưng mình đâu hiểu được nhu cầu của học sinh nam nhiều, nhưng thầy thì nói chuyện, động viên nhiều, thế là em nó đi học lại. Cuối cùng cũng tốt nghiệp, ra trường. Nếu những người khác, hoặc gắt gao như thế nào, mà nghỉ học 10-15 ngày như vậy thì khác rồi nhưng thầy rất kiên trì với những học sinh đó. Học sinh trường này hỏi sợ ai, đều cho là sợ thầy Tuấn, nhưng đến lúc ra trường về thăm thầy Tuấn nhiều nhất. Các em hiểu ra vấn đề rất là phục thầy, rất là thương thầy".

Niềm vui 20/11 của thầy Tổng giám thị Lê Quang Sơn, trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, Quận Bình Thạnh, cũng chính là những chuyến về thăm của học sinh năm cũ. Dường như khi chính chắn trưởng thành, các em mới nhận ra tình yêu thương phía sau sự nghiêm khắc, vì vậy các em cũng tìm về chúc mừng thầy giám thị năm xưa nhiều hơn. Chính nhờ sự nghiêm khắc, sát sao nhưng đầy tin yêu của thầy mà lớp ôn thi 12 năm vừa qua với 45 học sinh đầy cá tính, những gương mặt quen thuộc của phòng giám thị đều đã đậu tốt nghiệp 100%.

Hạnh phúc của thầy chính là chứng kiến sự trưởng thành mỗi ngày của học sinh, hỗ trợ các em đạt kết quả học tập tốt. Thầy Lê Quang Sơn, cho rằng làm giám thị không phải là chăm chăm đi bắt lỗi học sinh, mà phải giải thích, phân tích, và xử lý sao cho thấu tình đạt lý. Quan trọng hơn nữa là giúp các em phân biệt đúng sai, những điều nên và không nên trong nhà trường và cả ngoài xã hội.

Thầy Sơn bộc bạch: "Cũng đơn giản lắm, mình coi các em như con của mình thôi. Mình cứ tậm tâm tận lực hết lòng hết mình với các em thì tự nhiên nó cảm nhận được. Mình vì các em tự nhiên các em cảm nhận được và chuyển biến chứ không có bí quyết gì ở đây. Mình đến với các em hết lòng thì các em cũng không phụ mình, vậy thôi. Các em cũng hiểu và cố gắng. Niềm vui nhất của mình là kết quả của các em. Cuối cùng các em nó đậu hết, về đây hớn hở, các em vui, mình cũng mừng lắm". 

Hiện, trong điều lệ trường phổ thông và các vị trí việc làm vẫn chưa công nhận chức danh giám thị, nên phần lớn các trường phải thực hiện công tác kiêm nhiệm, hoặc hợp đồng. Vì vậy chính sách cho giám thị cũng eo hẹp, chưa tương xứng với công sức thầy cô bỏ ra. Tuy nhiên, vì tình yêu học trò, vì sự an toàn và trưởng thành của các em, thầy cô vẫn tận tuỵ làm tốt, thực hiện trọn vẹn chức trách của mình.

Ông Trịnh Hoàng Quân. Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, cho biết, làm công tác giám thị, thầy cô là người có mặt tại trường sớm nhất, từ 5- 6 giờ sáng  và cũng là người rời trường muộn nhất.

"Trong công tác giáo dục học sinh, giám thị góp vai trò quan trọng. Bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, bên cạnh các bộ phận liên quan, bên cạnh gia đình, bắt buộc phải có đội ngũ giám thị. Giáo viên chủ nhiệm chỉ có thể bao quát trong lớp, còn các mối quan hệ ở ngoài trường, với học sinh khác là của công tác giám thị. Hầu như, cuộc họp liên quan phụ huynh học sinh là bên cạnh giáo viên chủ nhiệm đều phải có thầy Sơn ngồi kế bên, thầy nắm hết toàn bộ".

"Con có lớn khôn mới biết lòng cha mẹ, học trò trưởng thành mới hiểu hết nghĩa thầy cô". Tình yêu thương của những người thầy cô làm công tác giám thị không rực rỡ như ánh mặt trời, nhưng lại là nguồn sáng trong đêm, là ánh sáng cuối những con đường gập ghềnh của không ít học trò có hoàn cảnh đặc biệt.

Hoa trong ngày 20/11 với họ không nhiều nhưng từ đôi tay dìu dắt của thầy cô không ít đoá hoa đời đã toả ngát hương.

Học bổng cô giáo Nhế - hành trình 15 năm 'chắp cánh ước mơ':  Ngày 15/11, thông qua Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Quỹ STF), Tập đoàn Novaland trao tặng 180 suất học bổng Cô giáo Nhế đến các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Đồng ..

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng nhân dịp 20/11: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.