Giáo dục STEM: phải đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh

(VOH) - Hiện tại, gần 40% giáo viên TPHCM đã được tham dự các lớp tập huấn, các buổi báo cáo chuyên đề về giáo dục STEM.

Tại Hội thảo "Giáo dục Stem tại TPHCM và yêu cầu phát triển các kỹ năng thế kỷ 21, các sáng kiến đổi mới sáng tạo vì xã hội" diễn ra vào sáng 27/11, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: giáo dục STEM không phải là sự gắn kết liên môn các môn khoa học, toán học, kỹ thuật, công nghệ mà là phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong công nghệ thực tiễn.

Các đại biểu cho rằng giáo dục Việt Nam thời gian qua đã nhận được những đánh giá cao từ thế giới như đánh giá theo bảng xếp hạng PISA ở mức cao và bền vững, giáo dục mũi nhọn liên tục tăng về thành tích với 100% học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế đạt huy chương trong năm 2018. Riêng với lĩnh vực STEM, mặc dù Việt Nam mới chính thức tham gia các cuộc thi  khoa học kỹ thuật quốc tế từ 2012, nhưng năm nào cũng đoạt giải.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, 100% kiến thức đang dạy cho học sinh sẽ thiếu sót và lạc hậu trong 5-10 năm nữa. 50% học sinh hiện nay ta chưa biết phải dạy cho các em kiến thức gì cần thiết cho cuộc sống của các em trong tương lai. Vì vậy, ngành giáo dục cần thay đổi mục tiêu giáo dục từ học điều gì sang học để làm gì, học như thế nào. Hiện tại, gần 40% giáo viên thành phố đã được tham dự các lớp tập huấn, các buổi báo cáo chuyên đề về giáo dục STEM. Định hướng, năm học này mỗi tổ bộ môn sẽ xây dựng 1 chủ đề STEM, đồng thời xây dựng quy trình đánh giá đối với một số bài kiểm tra trong học kỳ.

Ông Phạm Ngọc Tiến lưu ý: "Giáo dục STEM là học tập thông qua các đề tài, các bài học, các chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống. Thứ hai, chúng ta hình thành kiến thức thông qua việc vận dụng các kỹ năng về STEM của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học, chúng ta hình thành những kiến thức của môn học, bài học. Thông qua việc hình thành kiến thức môn học, chúng ta củng cố được các kiến thức kỹ năng của các lĩnh vực STEM".  

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Khoa học là một phần của Chu trình Stem. Khoa học ở đây không chỉ là kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học như Lý, hoá, sinh... mà bao gồm cả quy trình khoa học để sản sinh ra kiến thức. Tương tự, Kỹ thuật cũng không phải là kiến thức kỹ thuật mà là cả quy trình kỹ thuật sử dụng những kiến thức hiện có để giải quyết vấn đề, từ đó tạo ra công nghệ mới.

Giáo dục STEM sẽ phỏng theo chu trình STEM, đặt học sinh trước những vấn đề thực tiễn với những kiến thức, công nghệ hiện có, đòi hỏi học sinh phải tìm tòi, vận dụng kiến thức đưa ra các giải pháp, chiếm lĩnh kiến thức mới...Vì vậy, không nên hiểu STEM là dạy học liên môn. Bài học chỉ cần một ứng dụng kiến thức trải nghiệm môn học nào đó đã là giáo dục STEM.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định STEM không phải là hoạt động giáo dục thêm vào chương trình mà phải là một phương thức giáo dục để chuyển tải chương trình giáo dục, làm sao cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Nhưng quan trọng hơn làm sao học sinh biết vận dụng kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. STEM trong các nhà trường phải là phương thức giáo dục chuyển tải chương trình phổ thông quốc gia một cách tích cực hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.