'Giáo viên chúng tôi đang ở đây, yên tâm, tự tin triển khai chương trình'

(VOH) - Đó là lời khẳng định tại hội thảo "Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa mới" do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức ngày 24/10.

Học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có đặc điểm phần lớn (khoảng 70%) không được tiếp cận trước chương trình do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Năm học này, các trường lại khai giảng muộn hơn 2 tuần, học sinh có khoảng thời gian rất ngắn để làm quen trường lớp.

Sách giáo khoa đến tay phụ huynh học sinh cũng khá muộn nên không có sự nghiên cứu kỹ. Việc chuẩn bị tâm lý, kỹ năng học tập cần thiết cho trước khi vào chương trình lớp 1 có nhiều hạn chế. 

Phần lớn các ý kiến phụ huynh tại hội thảo cho rằng, dù 2 tuần đầu các con có căng thẳng nhưng ngay sau đó, tình trạng này đã được cải thiện. Các em đi học với tinh thần phấn khởi, học được nhiều điều hay chứ không chỉ là kiến thức.

Giáo viên chúng tôi đang ở đây, yên tâm, tự tin triển khai chương trình
Phụ huynh đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Theo phụ huynh Nguyễn Thị Thuỷ, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Quận 12, có 2 con, 1 bé đang học lớp 5 và 1 bé lớp 1, thời gian qua, có những quan điểm khác nhau về sách giáo khoa - chương trình mới được thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế chị thấy con lĩnh hội khá tốt dù trước đó chỉ biết vừa nhận mặt chữ a-b-c. Bé nói rõ ràng về những điều được học cũng như rất thích học bài online bổ trợ từ sách giáo khoa điện tử.

Chị Thuỷ cho rằng con được tiếp xúc nhiều với hình ảnh nên việc tiếp thu cũng nhanh hơn: "Tôi sợ chương trình của con hơi nặng vì trước đây với bé lớn (đang học lớp 5), giai đoạn đầu ghép âm chưa nhiều, trong khi lớp 1 năm nay, thời gian đầu đã học âm ghép nhiều hơn những năm trước. Nhưng tôi thấy con vẫn tiếp thu rất tốt, chắc là do kỹ năng của các cô đã được đào tạo và đã được bồi dưỡng, huấn luyện để kịp với chương trình mới".

Giáo viên chúng tôi đang ở đây, yên tâm, tự tin triển khai chương trình
Hội thảo Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Hiện 100% giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố đã được tập huấn Module 1 - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các hình thức trực tuyến, trực tiếp, qua 2 giai đoạn: bồi dưỡng đội ngũ cốt cán và bồi dưỡng đại trà. Trong đó, 100% giáo viên được phân công dạy lớp 1, được đánh giá đạt yêu cầu. Giáo viên lớp 1 ngoài việc linh hoạt trong phân bổ thời gian để đáp ứng các yêu cầu dạy học, còn chủ động phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, hỗ trợ học sinh tại nhà.

Giáo viên lớp 1 Lê Hoàng Linh, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Quận Tân Phú cho biết, ngay từ đầu năm giáo viên đã xác định sẽ đồng hành cùng phụ huynh học sinh trong việc triển khai Chương trình mới. Những thắc về chương trình, những nội dung chưa hiểu, những năng lực phẩm chất cần rèn cho học sinh... sẽ được giải thích với phụ huynh.

Giáo viên lớp 1 Lê Hoàng Linh phân tích: "Những kênh công nghệ sẽ kết nối giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh trong việc giáo dục con em. Ví dụ, có thắc mắc gì, phụ huynh sẽ trao đổi trực tiếp liền. Lúc đó, giáo viên sẽ cùng nhau giải đáp. Đối với những bài học cho tuần sau, giáo viên sẽ gửi nội dung chính, mục cần phải chuẩn bị để phụ huynh đồng hành cùng học sinh. Khi vào lớp, các con sẽ càng tự tin hơn vì đã được đồng hành cùng ba mẹ chuẩn bị nội dung này, các em sẽ bắt đầu phát triển kỹ năng, năng lực nói của mình trước lớp".

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 9 cho biết để triển khai chương trình mới hiệu quả, một nội dung quận đẩy mạnh là sử dụng công nghệ thông tin, group zalo đối với từng nhóm đối tượng: giáo viên, cán bộ quản lý các trường, đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh. Từ đó, những kinh nghiệm, nội dung cần chia sẻ được lan toả, triển khai rất đồng bộ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng chia sẻ, bản thân rất ưu tư khi 2 tuần nay, mỗi lần mở mạng xã hội thấy các thông tin về chương trình - sách giáo khoa mới, về vai trò người giáo viên khi thực hiện chương trình mới. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định: "Cũng có những bài đặt vấn đề giáo viên đang ở đâu, trước những dư luận cho rằng chương trình nặng như thế này. Nói thật, chúng tôi cũng vẫn đang ở đây, nhưng chúng tôi được trang bị, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về phương pháp, kỹ năng tiếp cận với chương trình cho nên cảm thấy rất yên tâm, tự tin để triển khai thực hiện chương trình này".

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương lớn của quốc gia nhưng sự thành công của chương trình được quyết định bởi chính từng giáo viên: "Tôi tin rằng giáo viên sẽ làm được điều đó, hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho giáo viên làm được điều đó. Chương trình này không có bài, không có tiết, không quy định phân phối chương trình. Tức là giáo viên trên cơ sở khung chương trình và thời lượng từng môn học với nội dụng chương trình như thế này, thì giáo viên phải làm như thế nào để chuyển tải. Chính vì vậy, việc chủ động xây dựng kế hoạch của tổ bộ môn là rất quan trọng, trong đó vai trò của từng giáo viên đối với lớp mình dạy là quyết định, chủ động".