Gieo chữ nơi đầu sóng

(VOH) - Có một ngôi trường hết sức đặc biệt, ở đó tình thầy trò được gắn kết dựa trên sự quý trọng, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Ở đó, trường chỉ có một lớp duy nhất và thầy giáo phải dạy cùng lúc nhiều khối lớp khác nhau. Chưa từng có tiếng trống rộn ràng trong ngày khai giảng, cũng vắng hẳn những món quà cáp, thậm chí thiếu cả những lời chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - những thứ vốn ngập tràn ở môi trường học đường nơi thị thành, thậm chí cả nông thôn.

Nhưng, không vì những điều đó mà người thầy ấy bỏ lớp, bỏ trường, bỏ học sinh thân thương. 10 năm qua, người thầy mang quân hàm xanh vẫn luôn bám trường bám lớp để từng bước rèn giũa, dạy bảo, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh nơi đảo xa nên người. Đó là thầy giáo - Thượng úy Trần Bình Phục, Đồn biên phòng 704, trên đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Gieo chữ , nơi đầu sóng, học sinh đảo, đảo Hòn Chuối

Lớp học của thầy giáo - Thượng úy Trần Bình Phục.

Năm 2018 cũng đánh dấu cột mốc gần 10 năm thầy giáo mang quân hàm xanh - Thượng úy Trần Bình Phục gắn bó với nghề dạy học trên đảo Hòn Chuối. Gọi đây là trường, nhưng thực chất, trường chỉ có một phòng học vừa mới được xây lại khang trang bằng ximăng lợp tôn vào năm ngoái, thay cho lớp học được che chắn tạm bợ trước kia.

Tất cả đều từ những tấm lòng hảo tâm, thương thầy giáo và các em học sinh nơi đảo xa vất vả trong hành trình “gieo - trồng” con chữ do đất liền gửi tặng. Món quà còn có tập sách, bút, áo, cặp….đủ để các em học sinh trong lớp học tình thương trang trải trong suốt năm học.

Thầy Phục kể: “Ngày đầu đến công tác tại Đồn Biên phòng 704, tiếp nhận lớp học tình thường từ đồng đội đi trước trong cảnh thiếu thốn, phòng học nhiều khi mượn tạm của Đồn; Trừ tình thương yêu đối với các em học sinh, còn dụng cụ, sách vở học tập…cái gì cũng thiếu”. Đó là chưa kể đường sá từ dưới chân đảo lên đến điểm trường cũng đầy khó khăn, khấp khuỷu như thử thách lòng yêu trẻ của thầy.

Tuy nhiên, không vì thế mà Thượng úy Trần Bình Phục quên đi tình thương và trách nhiệm đối với các em. “Mình thấy có những lần học trò của mình đi học sớm, sơ ý một chút là lại té, vấp ngã. Có đứa bị thương nặng và chở về đất liền để chữa trị. Từ đó mình tự đặt ra câu hỏi: mình đã làm việc này thì sao không làm cho nó tới nơi tới chốn.

Để dạy chữ cho em nhỏ thì việc bảo vệ cho các em được lành lặn khi đến trường cũng phải làm cho tốt. Vì thế, cứ sáng sớm tôi lại xuống nhà dân dưới chân đảo để đón các em học trò lên lớp học. Đứa lớn dắt đứa nhỏ đi theo. Thậm chí cả những em yếu thì chúng tôi còn cõng đi”.

Gieo chữ , nơi đầu sóng, học sinh đảo, đảo Hòn Chuối

Các em học sinh trên đảo Hòn Chuối trong buổi vui chơi cùng Đoàn Công tác của các bộ Thành ủy.

Năm học 2018 - 2019, lớp học còn lại 20 học sinh, giảm 2 em so với năm ngoái. Trước đây, thầy giáo mang quân hàm xanh này chỉ dạy ở bậc tiểu học, rồi các lớp sau đó, các em muốn học thêm lên nữa phải vào đất liền để tiếp tục việc học của mình.

Nhưng với hoàn cảnh gia đình mỗi em, đâu phải ai cũng có đủ điều kiện. Nhìn các em ngưng ngang việc học, tấm lòng một người thầy sao có thể đành. Thế là thầy Phục lại ngày đêm soạn thêm giáo án mới để tiếp tục kiến thức tiếp cho các em. Cứ thế, đến nay, ngôi trường này có thêm lớp 6, lớp 7 và năm nay lại có cả lớp 8.

Có lẽ, khó ai có thể hình dung được một lớp học 20 học sinh, học rải rác từ cấp tiểu học đến lớp 8 thì người thầy ấy phải xoay sở như thế nào để có đủ quỹ thời gian mà rèn dạy chi tiết, rõ ràng cho các em từng chút một.

Không có đủ thời gian trên lớp, thầy Phục còn dạy kèm cho các em ngoài giờ, ngay cả trong suốt những ngày hè vừa qua, thầy cũng tranh thủ thời gian “phụ đạo” cho các em kiến thức mới. Tiếng là phụ đạo cho vui chứ thực ra, đó là những công sức mà thầy cống hiến vì tình thương và trách nhiệm đối với các em.

Một mình xoay sở với từng đó em, từng đó lớp học đôi lúc cũng khiến thầy giáo phải vất vả: “Bây giờ, nếu mà được sự quan tâm, tạo điều kiện để có người chia sẻ thì đó chính là điều tuyệt vời. Tôi là một giáo viên không chuyên, bây giờ đứng lớp giảng dạy bằng sự cố gắng của bản thân thôi, vì tôi không được đào tạo chuyên sâu về mặt sư phạm, cho nên việc dạy học chủ yếu là bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân. Dạy nhiều khối lớp như vậy thì nhiều lúc tôi cũng quá tải, quá sức của mình; nhưng tôi vẫn phải cố gắng.

Nên, nếu được sự chia sẻ, đồng hành, quan tâm, nhất là từ những thầy cô giáo, tôi nghĩ đó là một sự mong muốn. Ngoài sự mong muốn ra, đó cũng là một điều mà tôi trăn trở rất nhiều năm nay. Tôi muốn học trò của mình còn vươn xa hơn nữa chứ không chỉ gói gọn trong hòn đảo nhỏ như thế này. Tôi biết trình độ năng lực của mình có hạn về lĩnh vực sư phạm cho nên tôi sẽ cố gắng nhiều hơn. Tôi vừa dạy nhưng cũng vừa học”.

Gieo chữ , nơi đầu sóng, học sinh đảo, đảo Hòn Chuối

 Các em lần đầu tiên trong đời được xem xiếc, ảo thuật nên há hốc miệng để xem khong nháy mặt.

Những nỗ lực, tận tụy của thầy khiến lớp học tình thương giờ đây trở thành nơi tập trung của trẻ em ở đảo Hòn Chuối. Đến lớp, các em có bạn chơi, được thầy dạy điều hay lẽ phải, một chân trời tri thức sẽ mở ra cho các em... Lòng biết ơn thầy được các em gửi gắm trong những lời thưa thầy – xưng con dịu ngọt; bằng việc cố gắng học hành thật tốt.

Nói về người thầy của mình, các em bộc bạch: “Con tên là Trần Gia Hào, năm nay con học lớp 3 và vừa mới bước vào lớp 4. Buổi sáng con thường thức dậy từ lúc 7 giờ rồi đi học. Thầy Phục dạy rất dễ hiểu. Thầy hay cho chúng con mượn truyện để đọc. Thầy cũng hay kiểm tra bài nhưng con không có sợ vì con đã chuẩn bị bài hết rồi. Con tên là Trần Gia Kiệt, hiện học lớp 4. Gia đình con cũng rất khó khăn nhưng cũng cố gắng tạo điều kiện cho con đi học. Khi vào lớp con chào thầy, thầy cho phép mới ngồi xuống, rồi thầy sẽ dạy. Được thầy Phục dạy con tiếp thu được rất nhiều kiến thức, làm sai thầy cũng hay phạt”.

Từ một lớp học tạm bợ, bảng xanh đi mượn, phấn trắng đi xin, đến nay, lớp học tình thương của thầy giáo - Thượng úy Trần Bình Phục đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân. 3 năm liền, từ năm 2016 đến nay, trong chuyến công tác của Lãnh đạo Thành ủy TPHCM đi thăm cán bộ, chiến sĩ ở các đảo Tây Nam của Tổ quốc đều có những lời thăm hỏi, động viên thiết thực đến lớp học tình thương này cùng những món quà thiết thực nhất.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, trong chuyến công tác vừa rồi cũng xúc động: “Cùng với cán bộ, chiến sĩ cả nước, TPHCM luôn sẵn sàng đứng sau các đồng chí, sẵn sàng cùng với các đồng chí chia sẻ những khó khăn, vất vả phần nào để chúng ta cùng nhau hướng về một phía. Phải kiên trì bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi cũng xin bày tỏ một lần nữa lòng trân trọng, biết ơn đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Hòn Chuối - là những cột mốc sống để giữ vững và khẳng định chủ quyền trường tồn của dân tộc nơi đầu sóng ngọn gió. Riêng thầy giáo Trần Bình Phục cũng là một hình ảnh, một tấm gương của người chiến sĩ nơi tuyến đầu mà nhân dân Thành phố hầu như rất thân quen. Xin cảm ơn thầy, không chỉ làm nhiệm vụ của người lính mà còn làm nhiệm vụ của người thầy để mang kiến thức, mang con chữ đến với các cháu học sinh của đảo Hòn Chuối”.

Thấm thoát cũng đã gần 10 năm kể từ ngày nhận công tác ra đảo. Những tưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ Thượng úy Trần Bình Phục sẽ về lại đất liền để xây dựng ước mơ của riêng mình. Nhưng không, cái duyên nợ níu giữ anh chính là nghề giáo. Dạy học ở đảo xa cũng chính là gieo chữ nơi đầu sóng. Thứ duy nhất có thể giải thích cho việc bám trường, bám lớp của thầy giáo mang quân hàm xanh này chính là tình thương và trách nhiệm đối với các em học sinh nơi đây.

Những hạn chế vật chất có thể chấp nhận được ở đảo xa này, nhưng những thiếu thốn về kiến thức sẽ thui chột tương lai các em. Vì điều quan trọng với thầy giáo Trần Bình Phục là gieo cho các em con chữ trên hành trình đến với bến bờ tri thức. Và thực tế, giờ đây, nhiều em từ lớp học của thầy đã trưởng thành, học lên cấp 3, đại học, đi làm... bắt đầu từ chính lớp học giản dị, giàu tình thương trên đảo xa ấy.