Hành động vì hạnh phúc của học sinh

(VOH) - Theo điều tra của Trường Đại học Sư phạm trên 181 học sinh THCS, cho thấy, 92% học sinh mong muốn giáo viên cười nhiều hơn, 82% học sinh mong muốn không bị phê bình trước mặt nhiều người...

Tại Toạ đàm "Hành động vì hạnh phúc của học sinh" do trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức vào chiều 14/12, nhiều đại biểu cho rằng học sinh đến trường không chỉ cần được cung cấp kiến thức mà còn có nhu cầu được yêu thương, tìm thấy sự hạnh phúc qua việc học. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu này chưa được đảm bảo, thậm chí nhiều trường hợp bị bạo hành, ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của các em.

Toạ đàm "Hành động vì hạnh phúc của học sinh" do trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 14/12

Toạ đàm "Hành động vì hạnh phúc của học sinh" do trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 14/12

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường như chịu nhiều áp lực từ nhà trường, cha mẹ trong khi năng lực học tập của các em không như nhau, mức độ kiểm tra đánh giá quá nhiều. Thậm chí một số trường hợp giáo viên không kiểm soát tốt đã chuyển những cảm xúc tiêu cực sang học sinh. Nhiều giáo viên cũng không biết cách xử lý khi gặp những tình huống khó khăn trong giáo dục. Điều này cũng thể hiện ở những bất cập về kiến thức tâm lý giáo dục trong đào tạo giáo viên.

Cụ thể, trước năm 2001, môn tâm lý giáo dục là một trong những môn thi tốt nghiệp ở các trường cao đẳng sư phạm nhưng quy định này đã thay đổi trong 17 năm nay. Học phần tâm lý hiện chỉ chiếm 2 tín chỉ, giáo dục học chiếm không quá 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cần Thơ, cho biết để tuyển dụng giáo viên tốt, 3 năm nay ngành thay đổi phương thức tuyển dụng theo hướng từ kiểm tra kiến thức sang năng lực triển khai bài học trên lớp: "Nhà tuyển dụng phải hết sức lưu ý đến chất lượng giáo viên tuyển hàng năm. Tôi chủ trương, giáo sinh không đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất năng lực theo yêu cầu đổi mới hiện nay thì các trường cần thẳng thắn từ chối. Đó là một trong những việc mà chúng ta có thể làm cho học sinh nhiều thế hệ".

Theo điều tra của Trường Đại học Sư phạm trên 181 học sinh trung học cơ sở, cho thấy, 92% học sinh mong muốn giáo viên cười nhiều hơn, 82% học sinh mong muốn không bị phê bình trước mặt nhiều người, hơn 82% muốn học tập xen kẻ vui chơi, thảo luận, trao đổi...

Vì vậy, để học sinh hạnh phúc, ông Hùynh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 cho rằng, giáo viên, nhà quản lý cần quan tâm ưu tiên nhu cầu sở thích của học sinh trong các hoạt động, làm sao để thật sự "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Ông Hùynh Thanh Phú cũng lưu ý: "Bây giờ đổi mới giảng dạy, chúng ta không còn "ban phát kiến thức" cho các em như cách dạy truyền thống. Chúng ta phải tổ chức hoạt động học tập và giảng dạy trong từng tiết học như thế nào? lượng kiến thức, thông điệp gửi đến là gì? đồng thời hình thành kỹ năng gì trong giờ dạy. Nếu người thầy ý thức được việc này mới lấy hết cái tâm đầu tư cho tiết dạy".

Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trường Trường Đại học Sư phạm TPHCM, học sinh muốn hạnh phúc, giáo viên cố gắng làm cho các em hạnh phúc nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Điều này còn phụ thuộc vào sự phối hợp các lực lượng. Đặc biệt khi nhu cầu của phụ huynh và học sinh rất khác nhau. Phần lớn câu hỏi đầu tiên khi phụ huynh hỏi con khi đi học về là còn làm bài được không, khoảng bao nhiêu điểm. Con cái học giỏi là mong mỏi của phần lớn các bậc cha mẹ và là áp lực cho không ít học sinh.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, để con trẻ hạnh phúc là trách nhiệm mà xã hội cần ý thức lan toả: "Chúng ta đều mong muốn con người mình sẽ được hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta là người lớn mà chúng ta mong muốn được hạnh phúc thì không cớ gì không cho con trẻ được hạnh phúc. Đó chính là mong mỏi mà tôi thay mặt nhiều trẻ em và nhiều người có trách nhiệm nói điều đó. Hi vọng, chúng ta sẽ lan toả tinh thần này đến với tất cả các bậc phụ huynh, ở các tổ chức ban ngành xã hội, các nhà quản lý giáo dục và hơn hết là các thầy các cô và các bậc cha mẹ".

Thời gian qua, một số trường đã có các mô hình phòng tư vấn tâm lý hoạt động khá hiệu quả. Không chỉ tư vấn, giúp học sinh giải toả những vấn đề trong cuộc sống mà con tổ chức các buổi nói chuyện giúp phụ huynh có những hiểu biết về tâm sinh lý của con em mình và những phương pháp giáo dục phù hợp. Từ đó, giúp học sinh hạnh phúc hơn.