Học để thực hành đạo đức làm người

(VOH) - Sáng 21/11, Hội Hữu nghị Việt – Mỹ TPHCM tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục tại Hoa Kỳ.

Có bốn bài học kinh nghiệm về xử lý khủng hoảng giáo dục ở Hoa Kỳ đã được giới thiệu tại Hội thảo. Tuy nhiên, các đại biểu đã chỉ ra rằng, các kỹ năng học thuật có thể thay đổi phụ thuộc vào sự phát triển của xã hội, nhưng đạo đức con người mới là nền tảng quyết định.

Do đó, học để thực hành đạo đức làm người, dù ở nền giáo dục nào, mới là điều mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục phải hướng đến. 

Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Mỹ TPHCM kể, bà tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn sau 7 năm đi học. Nhưng sau đó, có một chương trình 4 năm “nối tiếp” của Hoa Kỳ dành cho sinh viên tốt nghiệp y khoa, và học ngay tại Việt Nam. Bà đã chọn học tiếp tục chương trình này, dù lúc ấy gia cảnh khó khăn. Tổng cộng gần 12 năm đi học, đã cho bà một nền tảng chuyên nghiệp mà nhờ đó, bà có thêm tự tin thực hiện được y đức chữa bệnh cứu người của mình.

Từ câu chuyện của mình, bác sĩ Ngọc Phượng đúc kết, học để thực hành cái đạo đức làm người, đó là thực học. Các kỹ năng học thuật có thể thay đổi, nhưng đạo đức con người mãi trường tồn: 

“Khi tôi kể lại câu chuyện của tôi cho người thân, bạn bè nghe về việc học ở trường y khoa. Họ bảo rằng họ không đánh giá tôi cao ở chuyện học nhiều, mà đánh giá cao ở chỗ quyết định lúc đó của tôi là đúng, vì tôi biết sợ mình dở thì sẽ làm hại bệnh nhân nên ráng học thêm nữa rồi hãy kiếm tiền sau. Đó mới là đúng đắn. Tôi nghĩ đó cũng là cái mà các bạn cần được học cần được giáo dục ở mỗi con người, phải biết sợ rằng mình làm hại người khác do mình yếu kém”.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo 

Với vai trò nhà hoạch định chính sách giáo dục, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, các chương trình giáo dục của chúng ta trước đây chỉ thiên về cung cấp kiến thức cho người học, nhằm trả lời câu hỏi Học sinh biết gì sau khi học. Trong khi đó, với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tiến tới phát triển toàn diện người học, để trả lời câu hỏi “Học sinh biết làm những gì”.

Chỉ ra những khó khăn, Giáo sư Thuyết cho rằng phần lớn học sinh không xác định được mục đích học tập, thấy bạn điểm cao thì mình cũng phải điểm cao, phần lớn cũng một phần từ phụ huynh, Giáo sư Thuyết dẫn chứng: “Các vị phụ huynh quan tâm học sinh theo cách hơi lệch lạc. Trước hết là họ chỉ quan tâm thành tích của con bằng điểm số. Chính vì thế có nhiều phụ huynh phải dạy trước cho con.

Việc này theo tôi không có lợi. Mình tạo nếp sống cho con tốt, dạy con đạo đức, tạo cho con nếp học tập, phương pháp học tốt….quan trọng hơn nhiều so với điểm số. Nếu mình cứ đi dạy trước cho con, trong khi chương trình giáo dục mới đòi hỏi học sinh phải tự động não để phát triển, sẽ làm cho trẻ lười và chủ quan”.

Chia sẻ một số kinh nghiệm từ giáo dục Hoa Kỳ mà trường đang áp dụng, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fullbirght Việt Nam phân tích, khi đưa một chương trình giáo dục của Hoa Kỳ áp dụng vào điều kiện giáo dục của Việt Nam, mặc dù nó ưu việt, nhưng liệu chương trình có còn thực sự đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21 hay không, có nên “nhập khẩu” nguyên chương trình hay không, có phù hợp với nhu cầu học tập của VN hay không.

Vì vậy, với Năm học Đồng kiến tạo mà Trường đang áp dụng, đó là thời gian mà người học, giảng viên cùng tham gia chương trình, để các em có quyền đóng góp vào chương trình mà mình sẽ học. Bởi vì, chính người học mới là người làm chủ chương trình học của mình: “Đây là cách mà Đại học Fullbright có lựa chọn dựa trên việc tham khảo rất nhiều kinh nghiệm của các quốc gia có nền giáo dục được coi là ưu việt. Chúng tôi tin với cách làm việc như thế này có thể xây dựng được một chương trình phù hợp với hiện tại. Quan trọng hơn cả là cả giáo viên và học sinh cùng cảm thấy mình có trách nhiệm”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, những đặc điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện ở tính mở: không bó buộc người giáo viên phải theo sách giáo khoa, học sinh lựa chọn môn học thích hợp, cũng có thể học ít môn hơn. “Dân chủ” và “Thực học”, là hai triết lý giáo dục quan trọng khi áp dụng chương trình mới, để phát triển giáo dục trong tương lai.