Học sinh ngoại thành khó khăn khi cấm dạy thêm trong trường

(VOH) - Nếu cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường thì học sinh ngoại thành sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, khoảng cách giữa học sinh có điều kiện và học sinh của gia đình khó khăn có khuynh hướng tăng lên. Đó là ý kiến chung của một số đại biểu ở các đơn vị ngoại thành tại buổi làm việc của Ban Văn hoá Xã hội - HĐND TP với Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề dạy thêm học thêm, diễn ra vào sáng nay 31/8.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã Hội - HĐND TP tại buổi khảo sát

Theo Sở GD-ĐT, dạy thêm, học thêm trong trường là những gì ngoài chương trình chính khoá Bộ GD-ĐT quy định. Đó có thể là học ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, hội hoạ, thể thao, kỹ năng sống, các tiết học tăng cường cho các môn chính khoá... Những nội dung này góp phần giáo dục toàn diện, nâng chất hoạt động dạy học trong trường.

Tuy nhiên, năm học 2016-2017, áp dụng quy định chấm dứt dạy thêm và học thêm trong trường, học sinh ngoại thành sẽ khó có điều kiện nâng cao kiến thức vì các cơ sở được cấp phép ngoài trường ở ngoại thành rất ít. Các em có điều kiện mới vào các trung tâm trong nội thành, chi phí sẽ tăng cao so với việc học trong trường.

Trong khi đó, chương trình học nặng, chất lượng đầu vào học sinh ngoại thành còn thấp nhưng đề thi áp dụng như nhau trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, hiệu trưởng THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh lo lắng: "Học sinh nghèo không có tiền đi học, chưa kể việc di chuyển từ Bình Chánh lên quận 6, quận 11 có vấn đề về an toàn giao thông, kẹt xe, mưa gió, nước ngập... Nói chung sẽ xảy ra nhiều nguyên nhân nhân bên ngoài mà chúng ta không lường trước được.

Chúng tôi chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, của Sở với mong muốn đưa giáo dục thành phố phát triển. Chúng tôi là những hạt cát nhỏ gộp lại để xây dựng thành phố phát triển. Đó là tâm huyết nhưng có những vấn đề làm chúng tôi buồn lắm".

Đại biểu Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hoá Xã hội, HĐND TP cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm là học sinh chưa được hướng dẫn và thực hiện tốt phương pháp tự học. Thực tế có nhiều học sinh nghèo nhưng vẫn đậu và nhận học bổng của các trường tốp đầu hoặc các trường quốc tế. Vì vậy, ngành giáo dục cần quan tâm hướng dẫn học sinh tự học.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, các em vẫn rất cần sự hướng dẫn của thầy cô giáo: "Thầy cô đã phát hiện và bồi dưỡng, có định hướng và giao cho các em các đề bài nâng cao. Không thể phủ nhận, không có sự bồi dưỡng của thầy cô mà một mình các em tự học. Cho tới bây giờ tôi chắc chắn là chưa có trường hợp nào như vậy. Những giáo sư nổi tiếng quay trở về nước họ cũng từng được bồi dưỡng bởi các giáo viên trong nước và nước ngoài".

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn

Tuy nhiên, để quản lý việc dạy thêm, học thêm từ gốc, phần lớn đại biểu đều đồng tình rằng nên có những giải pháp như đổi mới, giảm tải, đặc biệt là cải cách thi cử vì nội dung thi sẽ quyết định nội dung học.

Thành phố đang xây dựng đề án về triển khai thi tốt nghiệp THPT, biên soạn bộ sách giáo khoa mới, đẩy mạnh phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng giảm bớt ghi nhớ mà đi sâu vào đánh giá năng lực, kỹ năng vận dụng xử lý thực tế. Khi các giải pháp này được triển khai có lộ trình, đồng bộ, tỷ lệ việc dạy thêm học thêm sẽ dần chấm dứt.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá Xã hội - HĐND TP khẳng định đồng tình với giải pháp tổ chức học 2 buổi cho học sinh các lớp cuối cấp. Tuy nhiên, với tỷ lệ dưới 10% hoạt động dạy thêm biến tướng, không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT cần phối hợp quản lý chặt chẽ:  "Chúng ta cần có giải pháp quản lý nhà nước đồng bộ từ ban giám hiệu, các trường cho đến địa phương để kiểm soát số 10%. 10% này làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín giáo dục.

UBND TP đã có Quyết định 48, phấn đấu đến 2020, 100% học sinh tiểu học, 65% học sinh THCS, 45% học sinh THPT được học 2 buổi. Buổi thứ hai các em học năng khiếu, phụ đạo, và bồi dưỡng học sinh giỏi".