Học sinh sáng tạo: Khi tuổi nhỏ lo 'việc lớn'

(VOH) - Học sinh khối phổ thông ngày nay, đâu chỉ có mỗi việc học tập, các em còn bắt đầu tham gia, nghiên cứu khoa học, bắt đầu tìm hiểu các vấn đề trong xã hội và giải quyết vấn đề.

Từ những kiến thức học đường, cộng với sự hiểu biết về công nghệ, nhiều học sinh đã hình thành những ý tưởng cho đến hiện thực hóa các dự án.

“Lúc mới vào nhóm, em cảm thấy quá nhiều công việc và sợ mình làm không nổi. Nhiều lần cũng suy nghĩ muốn xin ra khỏi nhóm. Ở lứa tuổi của em, em thấy các bạn sau giờ học thì được đi chơi, đi về trong khi mình phải ở lại để làm dự án. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, em thấy khi tham gia vào dự án thì kỹ năng nói chuyện giao tiếp của mình cũng tăng lên, em còn được trải nghiệm thực tế”, Thanh Trúc, năm học mới này lên lớp 8 rất tự tin khi chia sẻ về các dự án mà em tham gia, đặc biệt là đang vận hành Dự án Sức khỏe người thu gom rác – một dự án nhân văn với mong muốn bảo vệ sức khỏe cho đối tượng làm công việc thu gom rác.

Học sinh sáng tạo: Khi tuổi nhỏ lo “việc lớn”
Nhóm học sinh trường THCS Tân Tạo A - Bình Tân cùng giáo viên hướng dẫn.

Ngoài Thanh Trúc, còn có 3 học sinh khác là Hoàng Sơn, Kim Ánh là học sinh lớp 9, Thu Thủy học lớp 8 Trường Trung học cơ sở Tân Tạo A, quận Bình Tân cùng nhau thực hiện. Từ những quan sát cuộc sống thường ngày, nhất là công việc của những công nhân vệ sinh, các em nhận ra rất nhiều vấn đề khó khăn mà các cô chú làm công việc này gặp phải.

Người thu gom rác hàng ngày tiếp xúc với rác thải, mùi hôi, đối mặt với những tình huống tai nạn nghề nghiệp, rác thải nguy hại…..ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Nếu như họ có bảo hiểm y tế, được trang bị những công cụ chuyên dụng để bảo vệ sức khỏe cho họ thì họ sẽ yên tâm làm việc hơn.

Dự án “Sức khỏe người thu gom rác” đặt ra ba giải pháp. Kim Ánh chia sẻ: “Đó là tặng thẻ bảo hiểm y tế, làm găng tay, tuyên truyền cho mọi người. Về bảo hiểm y tế, dự án cung cấp cho người thu gom rác có điều kiện thăm khám chữa bệnh, găng tay thì giúp bảo vệ đôi tay khi làm việc. Về tuyên truyền cho mọi người để hiểu về dự án, hiểu về cuộc sống công việc của người thu gom rác”.

Fanpage Dự án Sức khỏe người thu gom rác cũng nhanh chóng ra đời, để mọi người biết đến dự án nhiều hơn. Với kinh phí 1.000 đô la Mỹ mà Dự án nhận được từ chương trình UPSHIFT, 7 triệu đồng từ mạnh từ nhà hảo tâm, nhóm đã trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho 10 người thu gom rác ở quận Bình Tân, quận 8, quận Tân Phú.

Đặc biệt hơn, để người gom rác làm việc an toàn hơn thì dụng cụ bảo hộ rất quan trọng. Nhóm tiếp tục nghiên cứu và thiết kế đôi găng tay riêng dành cho người làm công việc này: tiện dụng, chất liệu phù hợp, bảo vệ đôi tay tránh các vật sắc nhọn trong quá trình gom rác. Dự án tiếp tục kết nối với các cá nhân, tổ chức để tìm kiếm nguồn tài chính nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho người thu gom rác.

"Em và các bạn mong muốn dự án của mình được lan tỏa rộng hơn cho nhiều người biết hơn, quan tâm nhiều hơn đến người thu gom rác", Thu Thủy chia sẻ.

"Đầu tiên, em mong dự án của mình phải thành công trước. Sau khi thành công, nó đóng góp phần nào đó làm nền móng cho đề tài về người thu gom rác, không chỉ là mọi người biết đến người thu gom rác mà còn thật sự giúp đỡ họ”, Hoàng Sơn cùng kỳ vọng.

Trong khi đó, bằng chính những kiến thức, sự sáng tạo của mình, nhóm 5 thành viên hiện là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 triển khai Dự án mang tên Tofu Tree. Đây là một dự án nhằm giúp mọi người, nhất là người trẻ thay đổi nhận thức về “tăng rau – giảm thịt” trong bữa ăn hàng ngày, nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống xanh.

Với Fanpage Tofu Tree, các thành viên lan tỏa những thông điệp bằng những bài viết ngắn, hình ảnh gần gũi, video clip… hướng đến một chế độ ăn lành mạnh, bảo vệ môi trường. Tô Ngọc Mỹ, thành viên dự án chia sẻ: “Từ lúc mới thành lập dự án cho đến bây giờ, mục đích cuối cùng của nhóm em vẫn là hướng mọi người kể cả các bạn trẻ, người làm việc công sở hướng tới chế độ ăn nhiều rau hơn, giảm thịt đi. Kết quả, sau thời gian hoạt động, có nhiều người tìm đến Fanpage của nhóm và nhắn tin cảm ơn, khen ngợi những bài viết của nhóm đã truyền cảm hứng cho họ rất nhiều để bắt đầu việc bữa ăn giảm thịt lại”.

Có thể nói, ở lứa tuổi phổ thông, nhiệm vụ chính của các em là học tập thế nhưng các em đã biết quan tâm, thấu hiểu những người yếm thế trong xã hội là một điều đáng quý. Bên cạnh đó, các em cũng bắt đầu tìm hiểu, quan sát, bày tỏ sự quan tâm, đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Mai Thị Dung – giáo viên môn Vật lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Em yêu khoa học Trường Trung học cơ sở Tân Tạo A chia sẻ: “Quan trọng hơn là các bạn biết quan tâm đến các vấn đề khác so với độ tuổi của mình, đó là vấn đề cộng đồng. Mặc dù nghe có vẻ cực kỳ to tát. Đôi lúc người lớn cũng nghĩ mình còn chưa làm được thì huống gì là các bạn nhỏ. Thế nhưng, cứ để học sinh có ý tưởng trước, không cần biết là có thực hiện được hay không, để cho các bạn nuôi dưỡng suy nghĩ ý tưởng, đến thời gian nào đó, các bạn sẽ thực hiện nó dần dần”.

Chia sẻ về vấn đề động viên, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo cho học sinh trong trường phổ thông, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ở lứa tuổi này, việc giáo dục học sinh nhằm mục đích chính là khơi gợi tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo là cần thiết và nên bắt đầu bằng những nội dung nhẹ nhàng:

“Đối với học sinh phổ thông, chúng ta cần tăng cường những nội dung trang bị các khái niệm hết sức nhẹ nhàng, Ví dụ, khái niệm khởi nghiệp là như thế nào, việc tìm kiếm nguồn lực ra sao, quản lý tài chính, viết một dự án như thế nào, gồm bao nhiêu phần,… Với trên 50.000 trường phổ thông, chúng ta sẽ từng bước lan tỏa những giá trị đó một cách sâu rộng và bền vững hơn”.

Nếu được ươm tạo, được động viên và tiếp lửa kịp thời, chắc chắn các giải pháp sáng tạo của học sinh phổ thông sẽ không chỉ dừng lại ở các đề tài, dự án trong trường học mà còn có thể triển khai vào thực tế. Những giai đoạn tiếp theo, rất cần sự tiếp sức của người lớn: từ giáo viên, từ người hướng dẫn, từ các chuyên gia, các nhà đầu tư….Nhưng trước mắt, từ sự trải nghiệm khi dấn thân cùng các dự án, học sinh phổ thông đã tích lũy cho mình rất nhiều kiến thức ngoài sách vở học đường.

Thùy Linh