Khi doanh nghiệp – nhà trường cùng hướng về người học

(VOH) - Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời gian qua luôn có khoảng cách.

Trong khi doanh nghiệp than phiền phải đào tạo lại sinh viên sau tốt nghiệp thì trường đại học lại cho rằng doanh nghiệp không mặn mà đồng hành cùng nhà trường. Do đó, cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp bằng nhiều mô hình, chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu thời đại…. để rút ngắn khoảng cách này, đem lại lợi ích cho người học.

Khi doanh nghiệp – nhà trường cùng hướng về người học

Mô hình đào tạo kết hợp với thực hành giúp người học có thể làm việc ngay sau tốt nghiệp. Ảnh: TNO

Việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên là vấn đề được người học và gia đình đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là lượng người học vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học khá nhiều trong khi đó doanh nghiệp thì lại mòn mỏi tìm kiếm lao động phù hợp. Nhận thức vấn đề này, từ năm 2015, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các doanh nghiệp xúc tiến việc làm Nhật Bản xây dựng các chương trình đào tạo lao động trình độ từ cao đẳng, có trình độ tiếng Nhật từ N4 trở lên và kỹ năng làm việc theo tiêu chuẩn củaa các doanh nghiệp Nhật Bản, chương trình được gọi tên là chương trình định hướng Việc làm Nhật Bản.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa – Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho hay: “Ý nghĩa của chương trình đó là giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh Nhật Bản có uy tín triển khai chương trình Việc làm Nhật Bản trong đó cam kết 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được đi Nhật Bản làm việc, điểm đặc biệt của chương trình tại trường đó là sau thời gian lao động đi làm việc tại Nhật Bản quay về nước thì nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tiếp tục đào tạo kỹ năng quản lý và giới thiệu việc làm phù hợp. Đây là một giải pháp đúng đắn mà nhà trường phối hợp cùng với doanh nghiệp, cùng hướng về người học, giải quyết bài toán đầu ra cho người học”.

 Đây là một trong những hướng đi đúng đắn của trường đại học trong việc ký kết với doanh nghiệp, cam kết việc làm cho người học sau khi ra trường. Hiện nhiều trường đại học đã có sự chủ động trong việc hợp tác với doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đơn cử, trường Đại học Văn Hiến ký kết hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước, đáp ứng được 100% nơi thực tập, thực tế cho người học. Hay trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học 2018 – 2019, đơn vị này đã tổ chức 32 buổi tọa đàm chuyên đề liên quan đến nghề nghiệp và việc làm, 60 Lãnh đạo doanh nghiệp tham gia giao lưu, gần 1.500 lượt doanh nghiệp tham gia giới thiệu việc làm… góp phần giúp người học đạt mục tiêu tốt nghiệp và có việc làm. Trường cũng ký kết với hơn 200 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều trường hiện nay chú trọng nâng tỷ lệ giảng viên đến từ các doanh nghiệp, trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo của trường, nhằm đem những kiến thức thực tế từ doanh nghiệp cho sinh viên. Ông Võ Đồng Khanh, giám đốc một công ty du lịch, có hơn 10 năm đồng hành cùng với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp bằng việc tham gia giảng dạy, nhìn nhận hiện nay các trường chú trọng gắn sinh viên của mình gần với thực tế nhiều hơn: “Về phía doanh nghiệp, tôi xác nhận một điều, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường vào doanh nghiệp mà phải đào tạo lại có ít hơn. Họ bắt đầu được với công việc. Hay nói cách khác, các sinh viên họ đã có học kỳ doanh nghiệp, nhà trường chú trọng điều này nên sinh viên ra trường họ hiểu được doanh nghiệp và hiểu được công việc thực tế như thế nào”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ quan điểm khi được quan sát, trải nghiệm các mô hình giáo dục đại học của Vương quốc Anh. Ở các trường đại học tại Anh quốc, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp hết sức chặt chẽ. Kết quả này có được là nhờ ý thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, họ đóng góp trở lại trường đại học: “Tất cả mô hình đại học ở quốc gia này đều có trung tâm quan hệ doanh nghiệp, tạo thành một Hub – hay Trung tâm sáng tạo để tập trung các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự do xây phòng thí nghiệm, thực hiện các nghiên cứu của doanh nghiệp... ngay trong trường đại học, với điều kiện là cho sinh viên của trường vào tham quan, thực tập. Tôi thấy trường đại học nào ở Anh cũng có mấy chục doanh nghiệp tập trung vào Trung tâm sáng tạo”.

Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lại càng đóng vai trò quan trọng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các cơ sở giáo dục cũng phải làm cho doanh nghiệp họ thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình khi đồng hành cùng với nhà trường, mà ở nước Đức là một minh chứng, đó là: “Như ở Đức, doanh nghiệp tham gia hầu hết các khâu trong quá trình đào tạo nghề. Đó là đào tạo 70% ở doanh nghiệp, 30% ở trường nghề. Doanh nghiệp bỏ tiền ra để đào tạo. Trong 3 năm học, năm thứ nhất doanh nghiệp lỗ, năm thứ 2 doanh nghiệp hòa vốn, đến năm thứ 3 trở đi doanh nghiệp mới có lãi, bởi vì đóng góp của người lao động sau khi đào tạo nghề ra họ sẽ đóng góp vào doanh thu, vào giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp. Cho nên doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào. Thứ hai, là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, họ thấy cần có trách nhiệm xã hội trong vấn đề đào tạo nhân lực cho phát triển tương lai”.

Hiện tại, những hoạt động cụ thể từ mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp, có thể kể đến như: ngày hội việc làm, trao học bổng, đưa sinh viên trải nghiệm môi trường doanh nghiệp, tiếp nhận sinh viên thực tập, mời doanh nghiệp góp ý chương trình đào tạo của nhà trường…