Khi sự học không bao giờ muộn - Kỳ 2: Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời

(VOH) - Có thể thấy, với những cụ ông, cụ bà ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đang ngày đêm cắp sách đến trường, viết tiếp ước mơ dang dở thời trẻ là một điều đáng quý và trân trọng.

Những gánh nặng gia đình thời trai trẻ đã khiến cho ông Bùi Văn Tư, tạm gác ước mơ về cái nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người, giống như ông ngoại của mình. Ngày xưa, khi còn học đại học chuyên ngành Cơ khí chế tạo, ông đã mê cái lĩnh vực đông y này rồi. Thế nhưng, ra trường, ông lại đi làm về xây dựng, chuyên nhận các công trình nhà ở, gác lại ước mơ ngày nào. Đâu phải là không nghĩ tới, khi sự day dứt được học, được làm cái điều mình thích cứ bám lấy tâm trí ông mấy chục năm qua. Thế rồi, đến tận năm ngoái, ông mới thổ lộ với vợ ý định đi học lại của mình. Ai ngờ, bà đồng ý ngay. Nói là làm, sau khi công trình cuối cùng đã bàn giao, cũng chính là lúc ông bước sang một trang mới. Ông tặng lại hết giàn giáo, vật dụng công trình cho bạn. Vậy là, ông cắp sách đến trường khi vừa bước vào giai đoạn U60 của cuộc đời.

Nhưng, ông không đơn độc. Vì đồng hành cùng với mình, chính là đứa con trai vừa tốt nghiệp lớp 12, đã đăng ký vào trường sau ông vài tháng. Hai cha con học chung một lớp, nên cha càng phải học giỏi hơn, siêng hơn để làm gương cho con.

Ông Bùi Văn Tư, cho biết: “Thứ nhất, mình đi học chung với con của mình, nên làm sao mình phải làm gương. Thật ra mình không dám nghỉ ngày nào, giờ có muốn nghỉ học thì mình cũng tự nhủ là không được nghỉ. Chứ mình nghỉ học thì con bắt chước nghỉ học, học hành lơ là. Nhưng cái chính là mình cũng muốn làm gương cho con, thành ra chưa vắng buổi nào, đi học sớm không có đi trễ. Nói chung, có con nên mình phải gương mẫu. Trước khi nhắc con học bài, mình xách tập mình học trước, rồi mới nhắc con học”

Hai cha con học cùng lớp, nhưng không ngồi chung bàn. Bùi Tấn Thành - người con trai ông Tư vừa nhắc, ngồi bàn cuối, cùng dãy với các học viên trẻ cùng tuổi. Tấn Thành cho rằng, chính những người lớn tuổi học cùng lớp đã làm động lực cho em phấn đấu nhiều hơn. Em luôn tự nhủ, mình còn trẻ, còn sức khỏe, có thể làm được nhiều hơn nữa:  “Học chung với người lớn, em thấy mình tiếp thu được các kiến thức từ người lớn rất nhiều. Học ở đây, em học hỏi kinh nghiệm từ người lớn tuổi để làm kinh nghiệm cho bản thân mình, sau này ra trường giúp đỡ bệnh nhân. Lúc bài khó, ở nhà có hai ba con thì lấy bài vở ra chỉ cho nhau. Việc lựa chọn ngành này cũng là lựa chọn của em, ước mơ từ nhỏ em thích học nghề này”

Những học viên "U80" trong giờ học

Cũng giống như Thành, chính nghị lưc của các cụ, đã khiến cho nhiều người trẻ tự soi rọi vào mình, để mình cố gắng hơn, và chọn lựa đúng niềm đam mê ngay từ đầu.

Chuyện của Trần Thị Phương Thảo, 26 tuổi, hiện làm công việc điều dưỡng ở Bệnh viện Dầu Tiếng, Bình Dương cũng như vậy. Phương Thảo luôn đặt câu hỏi cho mình: vì sao các cô chú lớn tuổi đi học được, còn mình thì lại không?  “Em thấy rất khâm phục các cô chú lớn tuổi. Họ chủ yếu là có gia đình, có người bảy mươi mấy tuổi còn đi học. Tại sao mình còn trẻ, mình có đam mê mà mình không đi. Mình nhìn vào những người như vậy để mình cố gắng hơn. Em cũng có suy nghĩ khác. Những thú vui bình thường hàng ngày, mình vui xong thì không còn đọng lại gì. Còn mình, mình có đam mê, muốn giúp đỡ người khác, khi giúp người khác mình vui, niềm vui đó tồn tại lâu hơn”

Trong một lớp học với nhiều đối tượng lứa tuổi khác nhau, chắc chắn người lớn tuổi khó khăn hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Sự khác biệt về tuổi tác, sức khỏe đòi hỏi người giảng viên cũng hết sức đặc biệt. Các nội dung kiến thức hàn lâm phải được đơn giản hóa, cụ thể hết mức để học viên lớn tuổi dễ nhớ. Hình thức dạy cũng phải theo kiểu cầm tay chỉ việc, kết hợp lý thuyết gắn với thực tế. Hình thức kiểm tra cũng linh hoạt, học viên lớn tuổi viết chậm, nên trường chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Vì vậy, người thầy dạy các học viên đặc biệt này cũng phải hết sức tinh tường, Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phước Đức, giảng viên môn lý luận cơ bản, cho rằng học viên lớn tuổi cũng có những ưu điểm nổi bật mà người trẻ không có:  “Nếu nói về tinh thần, thì họ hơn người trẻ rất nhiều. Ví dụ, ở những môn thực hành, người lớn tuổi họ học về họ siêng thực hành, ai cũng làm được và trên 5 điểm. Cho nên cách mình tiếp cận để cho những người lớn tuổi lĩnh hội được, chứ nếu mình đưa yêu cầu cao quá, học viên trẻ hiểu, còn người già thì không. Nhưng ngược lại người già lại có cái khác, đó là cái nghề này nó đòi hỏi làm lâm sàng”

Nhắc đến các “cụ học sinh” của mình, ông Trần Văn Thanh – Phó Hiệu trưởng TrườngTrung cấp Tây Sài Gòn, huyện Củ Chi TPHCM, thuộc lòng từng hoàn cảnh của các cụ. Có cụ 63 tuổi chạy xe máy đi học, nhà  tận Đắk Nông, cuối tuần là chạy xe để về Củ Chi. Có cụ ở Châu Đốc - An Giang, có cụ từ Bình Phước, Tây Ninh, hay ở tận Bình Thuận cũng bắt xe về trường. Cụ nào cũng đi học đều đặn, dù nắng, dù mưa không vắng buổi học nào. Đó là điều mà người trẻ có thể khó làm được. Điều đáng nói, đa số các cụ đều tốt nghiệp ra trường đúng thời hạn:  “Cái cảm giác mà buổi sáng trời mưa, thấy các cô chú lặn lội tới trường là mình đã thấy thương rồi. Tinh thần học tập của họ làm mình quá cảm phục. Tuổi cao sức yếu, nhưng đi học gần như không vắng buổi nào. Trước đây, họ làm nghề theo nghề gia truyền, biết sao làm vậy. Bây giờ, khi họ được cung cấp thêm kiến thức cơ bản, giảng viên sẽ hướng dẫn để họ hoàn thiện thêm công tác khám chữa bệnh mà lâu nay họ đang làm. Thực tế, khi đến đây học, họ đã thay đổi tư duy khám chữa bệnh, còn cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng sử dụng internet để họ lên mạng tìm thuốc, tìm tài liệu nên họ rất thích”

Nhìn những các cụ sau giờ học, cùng quây quần ăn trưa tại trường, cùng thảo luận bài học vừa kết thúc, chợt nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Quả thật, sự nỗ lực, ham học hỏi của các cụ đã lan tỏa tinh thần học tập suốt đời đến với mọi thế hệ, đặc biệt là những người trẻ. Họ, bằng cái sự học giản dị của mình, đã chứng minh một điều rằng: với chân trời kiến thức, thời điểm nào chúng ta cũng có thể bắt đầu, nếu thực sự có đam mê.