Không có việc làm hay không biết cách xin việc?

(VOH) - Một thực tế phũ phàng là nhiều sinh viên ra trường không biết cách xin việc chứ không phải là do… không có việc làm.

Phỏng vấn xin việc cũng phải có kĩ năng

Tại Ngày hội việc làm - Job Fair -  năm 2017 do trường Đại học Quốc tế (ĐHQT) ĐHQG-HCM tổ chức, hơn 70 tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp tham dự để tuyển dụng và chia sẻ thông tin tuyển dụng với gần 5.000 lượt sinh viên đến từ các trường đại học tại TPHCM.

Ngày hội năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Prudential Việt Nam, Ngân hàng Eximbank, tập đoàn Unilever Việt Nam, WorldQuant, Intel Việt Nam, BOSCH Việt Nam, Vietnam Airlines… với 3.600 công việc cần tuyển dụng để sinh viên có thể ứng tuyển hoặc xin thực tập khi còn đang đi học.

Ông Phước Tuấn – Bộ phận tuyển dụng Công ty smartphone OPPO mobile Việt Nam chia sẻ, sinh viên mới ra trường đi phỏng vấn xin việc thường mắc một số lỗi cơ bản như chưa chuẩn bị tốt về nội lực, thái độ khi phỏng vấn, CV sơ sài. Đó là chưa kể tới việc không tìm hiểu kĩ về vị trí dự tuyển và thông tin về doanh nghiệp mình muốn làm việc.

“Điều này khiến các bạn thiếu tự tin và bối rối trong cách trả lời và làm “mất điểm” trong mắt các nhà tuyển dụng” - ông Phước Tuấn khẳng định.

Sinh viên tìm hiểu thông tin tại ngày hội việc làm

Bà Bích Ngọc – Bộ phận tuyển dụng của Nestle Việt Nam lý giải, sự thiếu hụt các kỹ năng khiến sinh viên sau ra trường thường mất cơ hội khi đi phỏng vấn. Đó là cách ăn mặc không phù hợp, quá run hay trả lời không thật.

Người phỏng vấn luôn có cách “bắt bài” ứng viên nên tốt nhất khi phỏng vấn, các bạn nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để trả lời các câu hỏi thật thà, thông minh, khi đó sẽ gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng và tạo được cơ hội cho chính mình.

Sinh viên mới ra trường có thể đi phỏng vấn nhiều lần, trượt phỏng vấn nhiều lần. Do đó, thử phỏng vấn trong các ngày hội việc làm như thế này cũng là cách để sớm tìm ra những thiếu sót, có sự điều chỉnh phù hợp để sẵn sàng tìm một công việc lâu dài sau này.

Có việc làm hay không là do… sinh viên

Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng khi nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải cất bằng để đi làm công nhân. Theo anh Phước Tuấn, sinh viên hoàn toàn có tìm được việc làm nếu tự tin và học hỏi nhanh bởi thực tế, có nhiều việc để họ lựa chọn chứ không phải là thiếu việc làm.

Không ít sinh viên ảo tưởng rằng sau khi ra trường sẽ được làm đúng nghề, lương cao nhưng lại không đánh giá được khả năng của mình bởi việc “làm đúng nghề” và “làm công việc phù hợp” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Khi mới ra trường, kinh nghiệm là số 0 thì sinh viên hãy "bắt đầu" từ những vị trí nhỏ bé, phù hợp với khả năng và thu nhập hạn chế - điều này gọi là “làm công việc phù hợp”. Quá trình này mang lại cơ hội học hỏi, va chạm thực tế, kỹ năng và kinh nghiệm để tìm được công việc yêu thích hơn, thu nhập cao hơn, “đúng nghề” hơn sau này.

Ths Nguyễn Thị Bích Ngọc, giảng viên trường Đại học Quốc tế, tác giả cuốn sách Bí quyết thành công sinh viên - cho rằng: điều quan trọng nhất khi tìm việc là công việc phù hợp với bản thân, sở thích, đam mê. Bạn cũng hoàn toàn có thể làm một công việc lương thấp nhưng cơ hội thăng tiến cao và môi trường làm việc tốt bởi không chỉ có lương - khi đi làm những giá trị “cơ hội” và “học hỏi” là không thể đo đếm được.

Ông Phước Tuấn chia sẻ thêm, đối với ngành kĩ thuật, việc ứng tuyển công việc trái ngành là khó nhưng một số công việc linh động hơn, cần tư duy nhanh nhạy thì chỉ cần sinh viên “có thái độ tốt, tự tin, năng động và sẵn sàng học hỏi” thì hoàn toàn có thể xin được việc mà… không sợ thất nghiệp. Thực tế, có nhiều người ứng tuyển việc trái ngành nhưng học hỏi cực nhanh và tư duy tốt được doanh nghiệp đánh giá khá cao.

Khảo sát tại Ngày hội việc làm - Job Fair, có rất nhiều vị trí được các công ty tuyển dụng như nhân viên đào tạo, trade marketing, nhân viên kinh doanh hay nhân viên chăm sóc khách hàng, thậm chí là tiếp viên hàng không… không yêu cầu phải đúng ngành đào tạo, mà quan trọng là sự năng động, kỹ năng giao tiếp, khả năng nói tiếng Anh…

Điều này cho thấy, việc làm không thiếu, các sinh viên năm cuối, sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể tìm được việc làm nếu có năng lực, tự tin và dám làm.